Ngoài những ngôi Chùa bề thế sừng sững cặp theo Tỉnh lộ 943 như Phước Huệ, Phước Minh... còn có những ngôi Chùa không kém phần hoành tráng thu hút nhiều phật tử thường xuyên tới cúng tế như Phước Hậu, An Hương, Bát Nhã, Bửu Sơn, Ngọc Kiến, Thiền Minh, Chùa Lá... Cái khác biệt của Mỹ Hòa là không có Đình mà chỉ có Miễu (Miếu). Nhưng Miếu được bà con tổ chức cúng tế qui mô như một ngày Hội tâm linh thì chỉ có ba Miếu.
1. Miếu Đôi
* Nằm ở Khóm Tây Khánh 6 tuy chỉ là hai cái Miếu nhỏ cặp mé lộ nhưng ngày mùng 9, 10 tháng 2 ÂL hàng năm được bà con chung tay đóng góp tổ chức cúng tế, hát hò vui vẻ cầu an mưa thuận gió hòa cho thôn xóm. Bà con khu Miễu đôi cũng tổ chức cất trại, nấu nướng vừa ăn uống hát hò vui vẻ xong lại chung tay nhau dẹp ngay trong ngày.
2. Miếu Hội ở Khóm Tây Huề 2
* Bà con tổ chức cúng lệ hàng năm vào 2 ngày 15, 16 /2 ÂL chỉ cúng vái ăn uống một cách trang nghiêm không tổ chức ca hát vì bao lần tổ chức Đàn ca Tài tử đều bị trục trặc. Bà con nói với nhau chắc Ông Thần ở đây không thích nên dẹp luôn chuyện hát xướng.
3. Miếu Trung Thần ở Khóm Tây Khánh 4
* Cái Miếu cũ kỹ nằm sát trục lộ 943 ngay dốc cầu Mương Điểm được bà con đến cúng như một phiên bản cúng Đình thu nhỏ. Cũng trống chầu hội tụ, cũng cờ Ngũ sắc tung bay, Lân múa rộn ràng, cũng rước đoàn Hát bội về hát, cũng có ban nhạc lễ được bà con và ban Quý tế tổ chức hàng năm vào các ngày mùng 9, 10 /tháng 2 ÂL.
Còn hỏi vì sao có tên là Miếu Trung Thần. Bác Bảy Dìn (Lê Văn Dìn) một bô lão địa phương cho biết:
- Ông nội tôi kể cho tôi nghe lúc tôi còn nhỏ là Ngôi Miếu này được lập nên để thờ các phu đào kênh từ lúc theo ngài Thoại Ngọc Hầu đến đào con kênh Long Xuyên - Núi Sập trổ ra tới Rạch Giá. Thời đó nơi này là rừng thiêng nước độc nên phu đào kênh chết nhiều lắm. Cái Miếu ngày xưa cất sát mé sông cũng là một khu Nghĩa trang chôn cất số dân phu xấu số. Sau bị sạt lở nên bô lão xin phép chính quyền thời trước dời lên chỗ này từ năm 1948. Cái bảng có khắc con số 1948 là con số được khắc để kỷ niệm năm dời cái Miếu . Còn tên Miếu Trung Thần là trong số phu đào kênh chết, có một ông Đội trưởng chỉ huy dân phu cũng chết vì rừng thiêng nước độc. Ngài đội trưởng tên gì cũng không ai nhớ nên từ xưa bà con gọi là Miễu Trung Thần. (ông Thần bậc Trung)
Bác Trương Hữu Lực một nhà giáo lão thành cũng là một bậc cao niên nói:
- Chính xác cái Miễu có từ thời nào thì tôi cũng không nhớ rỏ, nhưng từ nhỏ xíu là tôi biết cái Miếu này thờ ông Thần gì ngày xưa ông bà mình đã cúng cho tới bây giờ. Thời còn nhỏ tôi thường chờ tới ngày cúng để đến xem Hát bội, ban ngày thì thả bè thủy lục trên sông rất vui...
Chú Tư Trạng nhỏ là ông Từ Miếu (Đỗ Văn Nhỏ) cũng cho biết dòng họ Đỗ thay nhau cúng tế giữ gìn ngôi Miếu từ bao đời nay. Ngày xưa mỗi lần cúng, ngoài việc tổ chức Múa Lân, Hát bội... ban ngày còn thả bè thủy lục mục đích là Tống ôn cầu cho Quốc thái dân an. Cái Miếu ngày xưa cũng là nơi cho các đoàn Cải lương đến hát từ tháng này sang tháng khác. Nhưng sau năm 1975, nguồn gốc của Miếu không căn cư nên chính quyền mới không thuận cho tổ chức cúng tế. Nhưng hàng năm tới ngày bà con vẫn cúng lén? Tới ngày cúng người đem xôi, gà, vịt, đầu heo... làm sẵn từ nhà mang lại đốt nhang vái Thần rồi vội vàng bỏ về, có sẵn mồi cúng, muốn ăn nhậu hú hí nhau rồi kéo qua nhà bạn bè gần Miếu nhậu chứ đâu dám hiên ngang như sau này.
Nếu đúng như lời Bác Bảy thì lịch sử của cái Miếu Trung Thần này đã khoảng trên 200 năm? Bởi vì ngài Thoại Ngọc Hầu khi viết đơn đề nghị Triều đình Nhà Nguyễn xin khai con kênh Đông Xuyên từ năm 1817 đến năm Mậu Dần 1818 mới được Triều đình chấp thuận. Số dân phu được huy động thời đó đến 1500 người. Sau khi hoàn thành con kênh Vua Triều Nguyễn là Gia Long đã ban sắc khen thưởng và tưởng nhớ công khai phá vùng đất Phương Nam nên cho đổi tên con kênh từ Đông Xuyên thành Thoại Hà. Bao nhiêu người phu đào kênh đã chết vì rừng thiêng nước độc?
Nhà văn Sơn Nam có bài viết nói về đám phu đào kênh Thoại Hà thời đó bắt được một con Sấu trắng và họ xẻ thịt ăn dù có rất nhiều lời can ngăn. Sau đó đám phu ăn thịt Sấu bị ngộ độc chết hết? Người dân phải lập Miếu thờ. Miếu Trung Thần cũng được tương truyền là thờ phu đào kênh... như vậy không biết có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên? Hay cũng có thể đây chính là ngôi Miếu trong truyện của nhà Nam bộ học? Ban quý tế Miếu cũng nhiều lần cử người ra hỏi Bảo tàng Tỉnh, mấy anh quản lý Đình Chùa Miếu mạo cũng lắc đầu. Chẳng ai biết Mỹ Hòa có cái Miếu nguồn gốc ly kỳ như vậy. Các cấp Mặt trận từ Phường đến Thành phố rồi cấp Tỉnh cũng lắc đầu. Các cụ cao niên thì cũng không chắc về thời gian nguồn gốc nhưng cụ nào cũng nói chắc như đinh đóng cột là từ ngày còn nhỏ xíu đã theo cha mẹ đến xem hát Bội tại cái Miễu này. Chú Bảy Xị chủ Miễu (Ông Đỗ Phước Hòa) cũng háo hức khi nói về những kỷ niệm mà cả mấy đời gia đình chú thay nhau chăm sóc và tổ chức cúng tế hàng năm. Chú cho biết cái Phòng thuốc Nam của hội Đông y Phường hiện nay đang nằm cạnh ngôi Miếu trước là khu Võ ca (Nơi Sân khấu dành cho đoàn hát Bội về hát khi đến dịp cúng tế). Trước 1975 vì những lý do khách quan nên được chánh quyền trưng dụng cho phép cất lên cái Đọc giảng Đường của đạo PGHH. Sau 1975 lại được chánh quyền Cách Mạng tiếp tục quản lý làm trụ sở cho cơ quan Xã đội. Và nếu lời Chú Bảy là chính xác thì diện tích của khu Miễu cũng rất hoành tráng không thua kém một cái Đình. Tiếc là những lời kể của các cụ chỉ là lời nói truyền khẩu theo kiểu dân gian nên thật sự cái Miễu Trung Thần này có đúng như tương truyền là có từ thời ngài Thoại Ngọc Hầu đào kênh hay không thì chẳng có văn bản nào xác nhận.
Nhưng chắc chắn là cái Miếu này có từ lúc xa xưa, các cụ cao niên nhất cũng xác nhận lúc còn nhỏ xíu đã theo mẹ đến xem hát ngày cúng cầu an. Riêng anh Lang đàn sến của đoàn cải lương Giang Thành của Bầu Chín Nghi anh cho biết đoàn hát của gia đình anh từng đến ngôi Miếu này hát cải lương bán vé lúc anh còn rất nhỏ, và mỗi lần đoàn Cải lương về hát ở Miếu đôi ba tháng coi như hậu cứ của đoàn, dạng ăn dầm nằm dề nên bà con ở đây đều thân thuộc với các thành viên trong gánh hát. Cái Miếu có phải là Cổ Miếu hay không? tới ngày 9, 10/2 âl bà con cứ tổ chức cúng Cầu an. Tuy không ký phép nhưng chính quyền địa phương vẫn hỗ trợ lực lượng bảo vệ cả đêm lẫn ngày. Trong khi cái Miếu ngày càng xuống cấp tệ hại, cụ nào cũng muốn có kinh phí để sửa chữa lại ngôi Miếu. Nhưng sửa bằng cách nào, xin phép ở đâu? Nói thì dễ nhưng không dễ chút nào. Vì vậy có lẽ đến đâu hay đến đó vậy. Mãi đến năm 1998, Chính quyền địa phương mới thuận cho bà con tổ chức cúng Miếu sau 23 năm (từ 1975 đến năm 1998) ngày cúng tế được rước đoàn hát bội về hát, được mời các ban tế tự các Đình Miếu bạn và bà con nao nức đến tham dự cúng Miễu Trung Thần. Ai cũng góp ý là Miếu đang xuống cấp cần sửa chữa nhưng huy động kinh phí bao nhiêu là đủ? Xin phép cơ quan nào có thẩm quyền cấp phép? Ai cũng mơ hồ...
*****
Năm 2019 vì khu lộ 943 làm cầu, làm lộ nên diện tích của Miếu Trung Thần càng bị thu hẹp, thấp lè tè và xuống cấp thảm hại. Muốn sửa chữa thì phải có phép, có tiền. Tôi đến gặp một người em bạn cũng là một doanh nhân thành đạt ở địa phương trình bày nguồn gốc ly kỳ về cái Miếu mong được người bạn trợ giúp về kinh phí. (người viết bài). Trình bày cho người bạn nghe địa phương mình có cái Miếu có nguồn gốc ly kỳ như vậy, nay nguyện vọng của bà con đanh cần Mạnh thường quân giúp đỡ kinh phí sửa chữa. Sau khi đến tận nơi xem hiện trạng và hỏi thăm các cụ bô lão địa phương về nguồn gốc của Miếu Trung Thần, không ngờ người bạn nói chắc:
- Ok, tôi sẽ báo cho địa phương xác nhận diện tích thực trạng về việc tu sửa. Xong tất cả về bản vẽ, giấy phép, kinh phí để tôi lo hết cho. Nhưng anh phải trực tiếp tham gia như một giám sát bên Miếu, vì biết đâu lúc thi công sẽ có tranh chấp hay đụng chạm đến ranh đất nhà dân.
Không ngờ mọi chuyện suôn sẻ đến như vậy. Khi được các cấp chính quyền đến khảo sát và thuận cho phép sửa chữa toàn bộ ngôi Miếu cổ. Sau 4 tháng thi công với kinh phí gần 1 tỷ đồng (có sự tự nguyện tham gia đóng góp 130 triệu của hai mạnh thường quân địa phương là anh Khiêm & anh Bảy Xi) Miếu Trung Thần đã được tổ chức khánh thành và làm lễ an vị cho Thần. Tiếc là những bậc tiền bối như Bác Bảy Dìn, Chú Bảy Xị nay đã đi xa... Bây giờ thì đủ ban bệ hết không như lúc còn như ngôi Miếu hoang tàn vắng lặng. Cũng tốt, nay Miếu khang trang sạch đẹp rồi thì cũng phải đầy đủ chư vị Tả Hữu ban mới xứng tầm là một ngôi cổ miếu. Nếu các bạn có dịp ghé Long Xuyên muốn thưởng ngoạn những Ngôi Miếu tôi có thể kể cho các bạn những ngôi Miếu tầm cỡ, bề thế được bà con cúng tế quy mô như một phiên bản cúng Đình. P Bình Đức có Miếu Quan Thánh (thờ Quan Công), Xã Mỹ khánh có Miễu Ông Cao, P Mỹ Phước có Miễu Tổ nghề Kim hoàn, Mỹ hòa Hưng có Miễu thờ ông Hổ và Mỹ Hòa có Miễu Trung Thần.
Ngôi Miếu được tương truyền có phải được thành lập từ hơn 200 năm trước hay không cũng không ai dám chắc. Nhưng từ lâu Miếu Trung Thần Tây Khánh cũng được xem là chỗ dựa tâm linh của bà con Mỹ Hòa thật lâu đời. Và chuyện một Doanh nghiệp bỏ ra gần 1 tỷ đồng để chỉnh trang ngôi Miếu là việc làm xứng đáng được chúng ta trân trọng./.
Theo Chuyện Làng quê