Abidjan, thủ phủ kinh tế của Bờ Biển Ngà, người dân ở đây tự hào gọi thành phố của họ là «New York của Tây Phi». Tôi theo chồng sang đó công tác và đã sống một thời gian ở thành phố bên bờ Đại Tây dương này. Thời kì đầu tôi còn nhàn rỗi nên hay lang thang khắp nơi tìm hiểu cuộc sống của dân địa phương. Một buổi sáng tôi đang tha thẩn trong một cái chợ trời vào loại lớn của thành phố, thích thú ngó nghiêng các sản phẩm địa phương trên các sạp hàng thì nghe thấy một giọng phụ nữ hỏi bằng tiếng Pháp «Bà là người Trung hoa hả?». Ở châu Âu, cứ da vàng mũi tẹt là đã bị biến thành Tàu rồi, nói chi đến cái xứ châu Phi này. Tuy phải nghe rất nhiều lần câu hỏi đáng ghét đó nhưng không bao giờ tôi gật đầu cho qua chuyện chấp nhận làm người Trung quốc cả. Lần này cũng vậy, mặc dù đang mải săm soi mấy cái mặt nạ bằng gỗ chạm khắc rất công phu, tôi cũng quay sang bên nhìn người vừa hỏi mình và nhã nhặn đáp: «Không, tôi là người Việt Nam bà ạ». Tôi thoáng ngạc nhiên, vì người hỏi là một phụ nữ châu Á nhỏ thó, chạc 60 tuổi, ngồi lọt thỏm sau đống hàng hóa bày trên sạp. Làm sao mà người đàn bà này lại bán hàng ở cái chợ của toàn người Phi thế? Tôi chưa kịp hết ngạc nhiên thì người đàn bà nhỏ bé đứng thẳng dậy, cũng vẫn không cao hơn đống hàng trước mặt là bao nhiêu. Bà chồm hẳn người về phía tôi và lắp bắp bằng tiếng Việt, vâng tiếng Việt: «Ối giời ơi, em ơi! em...em... là người Việt Nam à?». Bị bất ngờ và xúc động, tôi cũng lập bập theo bà: «Vâng, cháu...cháu ...là người Việt Nam ạ». Bà thoăn thoắt len qua đống hàng, tiến về phía tôi, hai bàn tay gầy guộc bíu chặt lấy cánh tay tôi lắc lấy lắc để : « Em ơi, chị mừng quá em ơi là em ơi, bao nhiêu năm rồi chị mới gập* một người Việt Nam ở cái xứ này! » miệng bà rênrỉ như hờ, nước mắt lã chã chảy trên gò má đã bắt đầu hóp lại vì tuổi tác và nhọc nhằn...
Bà đã kể cho tôi câu chuyện của đời bà, lời kể đôi khi bị gián đoạn vì tiếng nấc và khách tới mua hàng...
Đó là vào đầu những năm 50 của thế kỉ 20. Xóm Chùa của cô Chót cũng như bao xóm làng nghèo khổ trên miền Bắc còn bị quân Pháp tạm chiếm. Chót mồ côi cha mẹ, phải ở với người anh trai cả. Anh trai Chót đớn nhát để người vợ nanh nọc hành hạ em gái mình đến điều! Ban ngày Chót đi chăn trâu, tối vể ngủ luôn ở chuồng trâu.
«Ngủ ở đó cho ấm!», chị dâu Chót bảo thế. Thế giới của cô bé Chót là đồng ruộng, bãi tha ma và chuồng trâu! Khi Chót 16 hay 17 tuổi gì đó, một hôm chị dâu đi chợ về chìa cho Chót một bộ quần áo mới, một đôi guốc gỗ sơn đỏ. Chị dâu giục Chót ra ao tắm rửa. Xong xuôi, họ dắt Chót đến nhà lý trưởng. Ở đó Chót biết rằng người ta đã quyết định gả Chót cho một anh lính lê dương Tây Phi vừa chữa lành vết thương ở đầu gối hiện đang chuẩn bị về cố quốc! Chót thấy ông Tây đen thì sợ lắm, run lên cầm cập, nước mắt nhạt nhòa. Nấp vào sau lưng anh trai nhưng cô vẫn nhìn thấy hàm răng trắng lóa của ông Tây đen... Nhưng đi với ông Tây đen thì Chót sẽ thoát khỏi kiếp chuồng trâu! Chị dâu thì cứ chậc chậc lưỡi «Cô Chót nhà mình thế là chuột sa chĩnh gạo!». Vậy là Chót chấp nhận...
Chót và ông chồng Tây đen lên tàu hỏa đến Hải phòng, ở đó đáp tàu thủy vào “Sài Goòng”. (chữ trong “...” là ngôn từ của bà trong câu chuyện). Khoảng hơn tuần sau họ được lên một cái tàu “nhớn” hơn rất nhiều để đi Mạc xây (một cảng lớn ở miền Nam nước Pháp). Chồng Chót mua cho cô cả quần áo tân thời, chải tóc cho cô và bắt cô lắc lư người theo anh mỗi khi anh hát «Cô gái Bắc kì nho nhỏ...». Anh lính lê dương được giải ngũ về quê mang theo người vợ Việt xinh xắn nên anh rất yêu đời.
Chuyến đi lênh đênh đằng đẵng bao nhiêu tháng Chót không còn nhớ nữa. Chót mê mẩn, Chót choáng ngợp vì bao nhiêu điều mới mẻ. Có lần đi qua vùng biển xấu, Chót say sóng nôn ọe, mê man nằm bẹp suốt cả tuần...
Đến nhà chồng được vài tháng thì chị sinh con. Anh chồng biến mất, thi thoảng cũng đảo về nhà đưa cho chị ít tiền; cô vợ bé xíu yếu ớt lại suốt ngày bận rộn với đứa con đỏ hỏn chả có gì thích thú đối với anh ta nữa. Cũng may Chót được bà dì chồng chăm sóc, giúp đỡ. Con được một tháng, thấy trong người đã đỡ “bấy”, chị kiếm miếng vải địu con vào lưng như các phụ nữ ở đây và theo bà dì chồng ra chợ buôn bán rau quả.
Bất đồng ngôn ngữ khiến chị gặp nhiều khó khăn trong việc ổn định cuộc sống mới! Bù lại, chị chịu thương chịu khó, mở hàng sớm hơn người và bao giờ cũng là người sau cùng rời chợ. Rau củ không bán hết, chị không vứt đi như bạn hàng mà nhặt nhạnh muối dưa hoặc phơi khô tùy theo loại, theo mùa. “Tiền của cả đấy chứ đâu”! Cứ thế, như con ong chăm chỉ, từng bước chị cần mẫn tạo dựng cho mình một cuộc sống còn xa mới có thể gọi là giàu có nhưng cũng tưong đối vững vàng của một người dân lao động châu Phi. Cô Chót xóm Chùa đã đi nửa vòng trái đất để thành «bà Tàu » của cái chợ trời sầm uất ở trung tâm Abidjan này...
“Dưng mà” chị nhớ quê hương quắt quay. Chị nhớ cả cái mùi ngai ngái nồng nồng của cái chuồng trâu nơi mà chị đã trải qua bao đêm trong nước mắt và buồn tủi. Chị nhớ cả tiếng rền rĩ chì chiết của chị dâu mỗi khi giáp vụ vì phải «nuôi báo cô cả nhà nhà nó». Chị nhớ quá cái bãi tha ma ở cánh đồng xa có “cơ man là hoa tầm xuân đẹp đẹp nà”. Khi bên nhà mình còn đánh nhau với Mỹ chị biết được “ối chuyện về Việt Nam” qua báo đài địa phương. Giờ hòa bình rồi “cấm có thấy chúng nó nói gì nữa”. Ngày này qua ngày khác, cứ thấy người châu Á ở chợ là chị hỏi có phải là người Việt không? Trăm lần thì cả trăm đều là người Trung quốc. “Sao mà cái giống người ấy nhiều thế em nhi? Nhìn mặt thì giống mình quá, chả biết đâu mà nần”...
Anh con trai cả thương mẹ lắm, đã hứa với bà là sẽ đưa mẹ về thăm quê hương. Tiền của thì đã đành là tốn kém rồi. Nhưng cái khó ở đây là chưa có Sứ quán Việt Nam ở Bờ biển ngà (cách đây hơn 12 năm, không biết bây giờ có chưa).
Muốn có thị thực nhập cảnh phải sang một nước khác ở trong vùng, ăn chực nằm chờ. Thời gian thì cứ trôi đi. Bà thì cứ mòn mỏi trông ngắm săn hỏi thiên hạ để gặp được người Việt và mơ tưởng về quê hương!...
Xóm Chùa oi, cô Chót đã về chưa?....
Theo Chuyện làng quê