Nguyễn Dữ bàn về sự thất bại của Hạng Vũ

Trong Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ đã có những lời lẽ bàn về sự thua cuộc của Hạng Vũ trước Lưu Bang. Nguyễn Dữ đã có cái nhìn khách quan, cũng như nói lên điều cần nói về lẽ trời, việc người.

Hạng Vũ và Lưu Bang là hai nhân vật có thật trong lịch sử Trung Quốc. Ban đầu, hai ông hợp tác với nhau để lật đổ nhà Tần của Tần Thuỷ Hoàng. Vì Tần Thuỷ Hoàng bạo ngược, gây sự khốn khổ cho nhân dân,

Với sự hợp lực của Lưu Bang và Hạng Vũ, cùng các thế lực nổi lên thời bấy giờ, (cách nay hơn 2000 năm), nhà Tần bị lật đổ. Hạng Vũ với sức mạnh lớn hơn đã tự xưng là Tây Sở Bá Vương, và cắt đất chia cho những người theo ông, trong đó có Lưu Bang.

Lưu Bang được đất Hán Trung, được gọi là Hán Vương. Nhưng sau đó giữa hai người có những mâu thuẫn, và đối chọi nhau. Vợi sự giúp sức của Hàn Tín, Tiêu Hà, Trương Lương, Lưu Bang đã thu phục được các chư hầu, đánh bại Hạng Vũ, thống nhất Trung Hoa.

nguyen-du-ban-ve-hang-vu-1651508356.jpgẢnh minh hoạ Hạng Vũ. Nguồn internet

Xung quanh Lưu Bang và Hạng Vũ đến nay vẫn tốn nhiều giấy mực, có cả chê bai và ca ngợi. Một truyện trong tập Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ thông qua nhân vật Hồ Tông Thốc đã có những bàn luận về Hạng Vũ.

Theo chú thích trong truyện, Hồ Tông Thốc là người huyện Thổ Thành, nay là xã Thọ Thành, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An; trú quán tại xã Vô Ngại, huyện Đường Hào nay thuộc tỉnh Hải Dương. Đời Trần Nghệ Tông (1370-1372) đi sứ nhà Nguyên, làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ Thẩm hình viện sự, có tác phẩm Việt sử cương mục và Việt Nam thế chí, Thảo nhàn hiệu tần thi tập, nhưng hiện chỉ còn một bài thơ.

Hồ Tông Thốc lúc đó là Quan thừa chỉ, khoảng cuối đời Trần, phụng mệnh sang Trung Quốc, nhân đi qua đền Hạng vương có đề thơ rằng:

Bách nhị sơn hà khởi chiến phong

Huề tương tử đệ nhập Quan Trung

Yên tiêu Hàm Cốc châu cung lãnh

Tuyết tán Hồng Môn ngọc đẩu không

Nhất bại hữu thiên vong Trạch Tả

Trùng lai vô địa đáo Giang Đông

Kinh doanh ngũ tải thành hà sự?

Tiêu đắc khu khu táng Lỗ công.

Dịch:

Nom nước trăm hai nổi bụng hồng

Đem đoàn tử đệ đến Quan Trung

Khói tan Hàm Cốc cung châu lạnh

Tuyết rã Hồng Môn đấu ngọc không

Thua chạy giời xui đường Trạch Tả

Quay về đất lấp nẻo Giang Đông

Năm năm lăn lộn hoài công cốc

Còn được vùi trong mả Lỗ công.

Sau đó, Hồ Tông Thốc về nhà trọ, uống rượu say thì nằm ngủ. Trong mơ, ông được vời đến gặp Hạng Vũ. Hạng Vũ có vẻ không thích bài thơ của Hồ Tông Thốc, cũng như lý giải sự thua cuộc của mình trước Lưu Bang là do ý trời. Hạng Vũ cũng tự nhận mình có thế lực lớn, trượng nghĩa, chứ không phải như Lưu Bang.

Qua lời Hồ Tông Thốc, Nguyễn Dữ nhận định: “Lẽ trời việc người, cũng là đầu cuối lẫn cho nhau. Bảo mệnh ở trời, Thương Trụ vì thế mà mất nước; bảo trời sinh đức, Tân Mãng vì thế mà bỏ mình. Nay nhà vua bỏ việc người mà đi bàn lẽ giời, vì thế đã đến táng bại vẫn không tỉnh ngộ. Tôi bữa nay may mắn, được nhà vua vời đến tiếp kiến, muốn xin được nói thẳng không giấu giếm gì, nhà vua nghĩ thế nào?...

Phàm xoay cái thế thiên hạ, ở trí chứ không phải ở sức; thu tấm lòng thiên hạ, ở nhân chứ không phải ở bạo. Nhà vua thì chỉ lấy quát thét làm oai, lấy cương cường làm đức. Chém Tống Nghĩa là một tướng mạnh,  vô quân đến đâu! Giết Tử Anh là người đã hàng, bất võ quá lắm! Hàn Sinh vô tội mà bị luộc, hình pháp trái thường; A Phòng vô cố mà bị thiêu, hung uy quá tệ. Cứ những việc của nhà vua làm thì được lòng người chăng? hay mất lòng người chăng?...

Sáu kinh trong lửa, đốt sách Thánh nhân, thước kiếm trên sông, giết vua Nghĩa đế, những việc ấy chi mà nhẫn tâm như vậy! Sao bằng người Hán: sợ lỗi phận vua tôi thì nghe lời Đổng công làm việc nhân nghĩa, khiến nền nếp đế vương hầu rối mà lại sáng; sợ thất truyền đạo học thì về đất Khúc Phụ, bày lễ thái lao, khiến dòng nguồn thi thư hầu đứt mà lại nối. Cho nên người ta có câu nói rằng: "Hán được thiên hạ, không ở cất dùng Tiêu, Trương, mà ở việc để trở của ba quân, gợi lòng trung phẫn các hào kiệt; Hán giữ thiên hạ không ở quy mô rộng lớn mà ở việc thân đến tế ở Khúc Phụ, mở nền nương tựa cho đời sau". Nhà vua thì so ví làm sao được với Hán vương”.

Như vậy, theo Nguyễn Dữ, Hạng Vũ thua Lưu Bang là do Hạng Vũ không tỉnh ngộ dù đã mắc các sai lầm trước đó, chỉ biết lấy quát tháo làm oai, lấy cương cường làm đức, hại người dù người ta đã đầu hàng, đốt A Phòng, hung uy quá tệ… Qua đó cũng thấy rằng, về đức, về thu phục nhân tâm thì Hạng Vũ không bằng Lưu Bang. Vì thế mà Lưu Bang dành thắng lợi, tạo ra nhà Hán tồn tại hơn 400 năm.