Nhiều lựa chọn phương tiện để “về nhà đón Tết”

(Chinhphu.vn) - Chỉ còn khoảng 1 tháng nữa là đến Tết Nguyên đán, các phương tiện vận chuyển hành khách công cộng đều đã có kế hoạch tăng tải để phục vụ người dân về nhà đón một cái Tết ấm áp cùng gia đình. Bên cạnh đó, tất cả các phương tiện công cộng đều tăng cường các biện pháp chống dịch COVID-19 trong giai đoạn vận chuyển khách tăng cao.

Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt là 2.200 xe. Ảnh: VGP/Phan Trang
Xe khách tăng chuyến, giá vé tăng khoảng 40%

Theo ông Nguyễn Anh Toàn, Giám đốc Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội, với kỳ nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu, đợt cao điểm sẽ diễn ra trong khoảng ngày 2/2 đến hết ngày 21/2/2021 vì đây là ngày người lao động tự do và sinh viên bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, về quê chuẩn bị Tết ông Công, ông Táo. Tiếp đó, từ ngày 10/2/2021 cán bộ công nhân viên chức, người lao động ở các cơ quan hành chính, doanh nghiệp bắt đầu đợt nghỉ Tết kéo dài 7 ngày.

“Thường trong dịp nghỉ lễ Tết Nguyên đán, khách sẽ dàn đều trong đợt, tập trung cao hơn vào trước ngày 23 tháng Chạp và ngày bắt đầu được nghỉ của Nhà nước, dự kiến lượng khách qua bến trong thời gian cao điểm sẽ tăng khoảng 130-150% so với ngày thường”, ông Toàn nhận định.

Ông Toàn cho biết, với một số tuyến như Quảng Ninh, Thanh Hoá, Thái Bình, Sơn La, Lào Cai… sẽ có thể xảy ra tình trạng ùn cục bộ vào từng thời điểm nhưng lượng xe trên tuyến và xe dự phòng tăng cường vẫn có khả năng vận chuyển hết khách trong ngày. Trong thời gian trước Tết, lượng khách tập trung đông chủ yếu ở các tuyến đường ngắn. Sau thời gian nghỉ Tết, lượng khách lại tăng mạnh trên các tuyến đường dài như: TPHCM, Đà Nẵng, Gia Lai, Buôn Ma Thuột… tập trung tại bến xe Giáp Bát.

Công ty Cổ phần Bến xe Hà Nội dự kiến lượng xe dự phòng tăng cường cho cả đợt là 2.200 xe. Ngoài ra, các tuyến buýt kế cận với tần suất cao cũng làm giảm tải lượng hành khánh liên tỉnh đi các tuyến ngắn. Doanh nghiệp này cũng đã yêu cầu đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19, thực phẩm và vệ sinh môi trường tại các bến xe; các bến xe hướng dẫn đăng ký giá vé cho xe tăng cường; các đơn vị nếu có tăng giá vé một chiều phải gửi đăng ký giá vé và vé trước ngày 25/1/2021.

Ở phía nam, đại diện Bến xe Miền Đông (quận Bình Thạnh) cho biết, để đảm bảo người dân có vé yên tâm về quê ăn Tết Nguyên đán 2021, bến xe tổ chức bán vé sớm bắt đầu từ ngày 12/1 đến 7/2 cho hành khách đi các ngày 24-28 tháng Chạp.

Bến xe Miền Đông dự báo sản lượng hành khách thông qua Bến xe Miền Đông trong dịp Tết Nguyên đán 2021 giảm 5-10% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng khách cao nhất rơi vào các ngày 24 đến 29 tháng Chạp với khoảng 46.000 lượt/ngày (giảm 5.000-7.000 lượt/ngày so với cùng kỳ). Để giải tỏa khách vào những ngày cao điểm, bến xe sẽ bố trí 450 xe tăng cường với khoảng 18.355 chỗ phục vụ khách.

Về giá vé, các tuyến từ Phú Yên trở ra các tỉnh phía bắc và các tuyến thuộc tỉnh Gia Lai, Kon Tum; các tuyến thuộc tỉnh Khánh Hòa, Ninh Thuận và tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, Lâm Đồng; các tuyến thuộc tỉnh Bình Thuận tăng không quá 60% tùy theo từng thời điểm.

Còn các tuyến Bà Rịa-Vũng Tàu, Bình Dương, Bình Phước, Đồng Nai tăng không quá 40% so với ngày thường.

Tại buổi kiểm tra đột xuất hoạt động vận tải tại các bến xe, ông Nguyễn Văn Huyện, Tổng Cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam cho biết, Tổng cục Đường bộ Việt Nam đã phối hợp với các cơ quan, lực lượng liên quan xử lý nghiêm tình trạng tăng giá vé trái quy định, tập trung vào các hành vi vi phạm là nguyên nhân trực tiếp gây tai nạn, ùn tắc giao thông, như: Vi phạm về nồng độ cồn, ma tuý; chạy quá tốc độ quy định; không đội mũ bảo hiểm khi đi mô tô, xe gắn máy, không chấp hành các quy định phòng dịch... trong những ngày đầu và ngày cuối đợt nghỉ Tết Nguyên đán Tân Sửu trên các tuyến giao thông cửa ngõ, các tuyến kết nối với các đầu mối giao thông trọng điểm.

Bên cạnh đó, lực lượng liên ngành cũng yêu cầu lái xe trước khi xuất bến kiểm tra tuyệt đối các thiết bị giám sát hành trình, hệ thống tín hiệu, phanh hãm, niêm yết giá vé, chuẩn bị khẩu trang, dung dịch sát khuẩn... tránh tình trạng xe không đảm bảo chất lượng, nhồi nhét hành khách, nâng giá vé cao hơn quy định và lơ là giám sát phòng dịch. Đồng thời, yêu cầu các doanh nghiệp vận tải ký cam kết chấp hành.

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam thực hiện bán vé tận nơi với các trường đại học và các khu công nghiệp để phục vụ học sinh, sinh viên và công nhân lao động. Ảnh: Báo Giao thông.
Giá vé tàu hoả giảm sâu, còn nhiều chỗ

Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) vừa tung hàng nghìn vé giảm giá 50% cho hành khách đi trên các đoàn tàu cho giai đoạn không cao điểm trước Tết từ ngày 4/1 - 29/1/2021. Sau khi giảm giá, giá vé TPHCM-Nha Trang chỉ từ 160.000 đồng/vé; TPHCM-Đà Nẵng chỉ từ 250.000 đồng/vé. Đặc biệt, giá vé TPHCM-Hà Nội chỉ từ 450.000 đồng/vé.

Việc giảm giá vé này nhằm kích cầu hành khách đi lại trong dịp Tết bằng tàu hỏa. Bên cạnh đó, ngành đường sắt đã tăng cường công tác truyền thông, tổ chức bán vé bằng nhiều hình thức như trực tuyến, trực tiếp, qua app, hệ thống các đại lý và việc thanh toán cũng rất đa dạng như bằng tiền mặt, chuyển khoản, bằng thẻ hoặc ví điện tử… Đặc biệt, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam còn thực hiện bán vé tận nơi với các trường đại học và các khu công nghiệp để phục vụ học sinh, sinh viên và công nhân lao động.

Tuy nhiên, theo thống kê của VNR, mặc dù mở bán vé tàu Tết từ 1/10/2021, ngành đường sắt vẫn còn khoảng 80.000 vé trên tuyến Bắc-Nam trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021.

Cụ thể, trước Tết còn khoảng 30.000 vé đi từ ga Sài Gòn, Biên Hòa đến các ga từ Nha Trang đến Hà Nội, thời gian từ ngày 2-11/2/2021 (tức từ ngày 21 đến 30 tháng Chạp năm Canh Tý).

Sau Tết còn khoảng 50.000 vé cho các ga từ Hà Nội đến Nha Trang đi ga Biên Hòa, Sài Gòn, trong thời gian từ ngày 12-26/2/2021 (tức từ ngày mùng 1 đến 15 tháng Giêng năm Tân Sửu).

Để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân, Công ty CP Vận tải đường sắt Sài Gòn cũng cho biết, công ty chạy tăng cường hàng chục chuyến tàu trong những ngày Tết Tân Sửu 2021 từ ga Sài Gòn đi các ga miền Trung ga Nha Trang, Diêu Trì, Quảng Ngãi, Tam Kỳ, Đà Nẵng, Huế và ngược lại.

Sân bay Nội Bài và Tân Sơn Nhất khôi phục lại năng lực tiếp nhận máy bay sau khi đước sửa chữa. Ảnh: VGP
Vé máy bay giá rẻ không thiếu

Hiện tại, trên các kênh bán vé máy bay trực tuyến, vẫn còn rất nhiều vé máy bay giá rẻ, dù là ngày cao điểm trước Tết (từ 9-11/2) hay sau Tết (từ 15-18/2).

Cụ thể, trên chặng Hà Nội-TPHCM, nếu muốn bay ngày 10/2 (tức 29 tháng Chạp), hành khách có thể dễ dàng mua vé của Vietnam Airlines/Pacific Airlines chỉ với giá khoảng 700.000 đồng (đã bao gồm thuế phí) cho chiều đi. Ở chiều ngược lại, trong ngày 16/2 (mùng 5 Tết), mức giá thấp nhất mà khách có thể mua cũng chỉ 1.250.000 đồng. Nếu chọn các chuyến bay do Pacific Airlines khai thác, mức giá này chỉ còn chưa tới 800.000 đồng.

Tương tự, vé của Hãng hàng không Vietjet mà hành khách phải trả cho chiều Hà Nội đi TPHCM trong ngày 29 tháng Chạp khoảng 555.000 đồng (đã bao gồm thuế phí) còn ở chiều ngược lại, giá vé vào khoảng 900.000 đồng.

Tuy nhiên, vé máy bay đi đến các điểm du lịch như Đà Nẵng, Phú Quốc, Nha Trang thời điểm hiện nay không rẻ, đặc biệt vào những ngày cao điểm như đi vào mùng 2 Tết (13/2) và về mùng 5 Tết (16/2).

Cụ thể, vé Hà Nội đi Phú Quốc ngày mùng 2 Tết của Vietnam Airlines đang mở bán ở mức hơn 3,5 triệu đồng. Mức vé chiều về thậm chí còn lên tới gần 4,2 triệu đồng. Vé hạng thương gia lên tới 8 triệu đồng/vé/chiều. Nếu đi Đà Nẵng cùng ngày, mức giá này dao động từ 2-2,4 triệu đồng cho chiều đi và 2,2-2,5 triệu đồng cho chiều về.

Hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines, Pacific Airlines và VASCO) cho biết, để phục vụ nhu cầu đi lại của khách, hãng tập trung tăng tải trên các đường bay có nhu cầu lớn như giữa Hà Nội và TPHCM/ Đà Nẵng/ Phú Quốc/ Nha Trang/ Đà Lạt/ Vinh, giữa TPHCM và Đà Nẵng/ Thanh Hóa/ Vinh/ Huế/Quảng Nam/ Quy Nhơn/ Buôn Ma Thuột/ Nha Trang/ Phú Quốc/ Đà Lạt.

Ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, để phục vụ tốt nhu cầu đi lại của nhân dân, ngành hàng không và các hãng hàng không đều đã xây dựng kế hoạch phục vụ Tết. Năm 2021, kế hoạch được xây dựng ở mức cao với sản lượng vận chuyển dự tính tăng 10% so với cùng kỳ năm ngoái, đạt khoảng 7,5 triệu khách trong giai đoạn tháng cao điểm Tết Nguyên đán Tân Sửu 2021 với các chuyến bay nội địa.

“Năm nay không khai thác hành khách thường lệ quốc tế do ảnh hưởng của dịch COVID-19 nên các hãng hàng không có đủ nguồn lực, quỹ slot để khai thác các đường bay nội địa để phục vụ nhu cầu đi lại của người dân nếu có nhu cầu đột biến”, ông Đinh Việt Thắng cho hay.

Ngoài ra, sau khi đưa các đường hạ/cất cánh vào khai thác trở lại từ ngày 1/1/2021 cho phép các Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất và Nội Bài khai thác ở mức độ tương đương Tết Nguyên đán năm 2020. Cụ thể, sân bay Nội Bài nâng được tần suất lên 32-33 chuyến/h. Còn sân bay Tân Sơn Nhất nâng lên được 44 chuyến/h. Điều này cũng đồng nghĩa với việc 2 sân bay hồi phục được năng lực khai thác trong đợt cao điểm vận tải Tết.

Phan Trang