Nhớ lắm! Trầu cau ơi!

Đối với tất cả những người được sinh ra và lớn lên ở mọi miền trên mảnh đất Việt Nam hình chữ S này thì hình ảnh cây cau vươn cao vút, giàn trầu xanh, xum xuê lá luôn luôn là hình ảnh rất gần gũi và quen thuộc, gắn liền với cuộc sống người dân thôn quê.

271800840-4758874037491808-8315301483979991334-n-1642254849.jpgẢnh minh họa

Ngày xưa, hầu như nhà nào cũng trồng ít nhất một cây cau và một giàn trầu để lấy quả cau và lá trầu cho mẹ và bà ăn trầu. Trầu không thường được trồng thành giàn cho dễ hái quanh năm hoặc cho dây trầu leo lên gốc cây, bờ rào hay tường nhà vì thân cây trầu có rễ bám rất chắc lên mọi bề mặt. Thường người hái phải bắc ghế hoặc thang để hái khi trầu leo khá cao.

Cây cau có thể trồng ở sau nhà hay bên hông hoặc trước nhà bên cạnh bể đựng nước ăn. Mùa cau ra hoa tháng 3 rải rác đến tháng 8 và quả thường chín ở tháng 12 đến tháng 3 năm sau. Đến mùa ra hoa, bẹ cau tách ra, những bông hoa trắng nhỏ, xếp đều tăm tắp trong bẹ, khi nở xòe ra trắng xóa, tỏa mùi hương dịu, chỉ thoang thoảng chứ không nồng nàn như các loài cây khác trong vườn, rồi hoa cau lặng lẽ rụng xuống đất. Màu trắng thuần khiết của hoa cau ít người nhận thấy từ xa vì thường bị bẹ cau, lá cau che khuất đi.

Hình ảnh “hoa cau rụng trắng” đã xuất hiện trong các bài hát về tình yêu đôi lứa, gợi cho người nghe hình ảnh thôn quê đẹp mộc mạc và gần gũi như trong bài "Hoa cau vườn trầu" (Nguyễn Tiến):

"Nhà anh có một vườn cau

Nhà em có một vườn trầu

Chiều chiều nhìn sang bên ấy

Hoa cau bên này.. rụng trắng sân nhà em".

Hình ảnh hoa cau rụng đầy gốc cây lại gợi lên nỗi buồn man mác, xao xuyến lòng người khi nhớ về em với những kỷ niệm tình yêu đã qua trong câu hát bài "Em bỏ dòng sông" (Thanh Sơn):

"Nhà em trước ngõ

Trắng xóa hoa cau rụng.

Ai hát ru con,

Tiếng ầu ơ,

Nghe sao não nùng.

Buồn riêng ai không nói nên lời."

… Nội tôi biết ăn trầu từ khi còn rất trẻ. Nội vẫn còn giữ hai hàm răng nhuộm đen như hạt quả na (mãng cầu xiêm) và thói quen ăn trầu cho đến tận khi nội mất. Trong "thực đơn" ăn trầu của nội cũng khá phức tạp, thường bao gồm lá trầu, cau, thuốc lào, vôi, vỏ cây một loại cây rừng có tên là cây Chay. Quả cau xinh xắn là một thành phần không thể thiếu khi nội ăn trầu. Vẫn mãi in đậm trong tâm trí tôi hình ảnh nội tôi ngồi đầu hè, bên cạnh cơi đựng trầu cau, bỏm bẻm nhai trầu không ngừng nghỉ. Thỉnh thoảng nội hay sai tôi lon ton chạy đi lấy cơi trầu để nội ăn. Có lúc, đang nhai trầu nội ngừng nhai dùng hai ngón tay vuốt dọc theo khóe miệng để chùi vết nước trầu cau đỏ tươi tràn ra ở trên mép. Hết miếng trầu nội nhổ ngay nước trầu vào một cái bô nhỏ hoặc nhổ toẹt bã và nước trầu ra góc vườn. Ăn trầu khiến cho môi nội tươi tắn, đỏ như tô son. Răng nội không bao giờ bị sâu dù nội chỉ súc miệng và không biết đánh răng như chúng tôi.

Cây cau khi ra hoa rồi rời bẹ cây, rụng xuống phủ trắng xóa gốc cây. Từ cuống hoa, những quả cau được hình thành một buồng cau sum suê. Kinh nghiệm dân gian có câu tục ngữ "Được mùa cau, đau mùa lúa" hoặc "Được mùa lúa, úa mùa cau" rất đúng vì năm nào cau sai quả, nội có nhiều cau tươi và cau khô ăn trầu cả năm thì năm đó mất mùa vì lũ lụt hay bão tố. Nội tôi có thể ăn trầu với cau tươi, khi cau đã già nổi bổ ra phơi khô, cất vào chum (lu) đậy kín để dùng dần quanh năm. Khi bổ cau, nội dùng dao sắc cắt bỏ chỏm đầu trên và cuống của quả cau, sau đó gọt vỏ quả cau, bổ làm 4 hay 6 phần để phơi cho hơi héo là có thể ăn với trầu.

Khi quả cau chín thường phải dùng cây tre dài, buộc một cái liềm gặt lúa hoặc cái mấu ở đầu cây để giật cả buồng cau rơi xuống đất. Có khi lại phải nhờ hay thuê người lớn hay một đứa trẻ trai khỏe mạnh, nhanh nhẹn biết trèo cây để trèo lấy cau. Những cây cau nhỏ nhưng cao thì phải trẻ con mới trèo được bởi vì nếu người lớn trèo có thể làm gãy cây cau hoặc vít ngọn cau xuống sát đất, rồi bật lên, rất nguy hiểm. Lên đến ngọn cau, đứa trẻ thường ngồi vắt vẻo trên cao bẻ cả buồng cau và ròng dây thả từ từ xuống đất. Sợ độ cao như tôi chỉ ngước nhìn ngọn cau thôi cũng thấy sợ lắm rồi. Có đứa trẻ khi tụt xuống có khi hai bên đùi bị xây xát rớm máu do cọ xát với thân cây cau.Trên cây cau thường có nhiều kiến và lũ kiến này đã tranh thủ chui vào trong quần đùi cậu bé để đốt khiến cậu bé đó phải nhảy loi choi rồi vội ra sau nhà cởi chiếc quần đùi ra, tồng ngồng giũ quần để đuổi lũ kiến đang cắn ở vùng … nhạy cảm.

Tàu cau khi rụng xuống đất cũng vẫn còn giúp ích cho con người nhiều việc. Bẹ cau, phần ôm lấy buồng cau khi ra hoa, khi khô rụng xuống được người ta buộc vào thân cây cau để làm cái máng hứng nước mưa. Mỗi khi trời mưa, nước chảy thành dòng từ trên ngọn qua cái máng vào cái chum (lu) hay bể nước đặt dưới gốc cau để dự trữ nước mưa. Mo cau còn được làm thành cái gầu múc nước. Trưa hè nóng nực, đi làm đồng về người ta thả mo cau xuống giếng múc một mo đầy nước vừa để uống cho mát vừa để rửa mặt, tay chân cho sạch mát.

Nội tôi lấy tàu cau rụng, dùng dao sắc để xén thành hình cái quạt rồi nội lấy cái thớt, hòn đá hay viên gạch đè chặn lên khi mang ra phơi nắng để cho tàu cau khi khô không bị cong vênh. Những buổi trưa hay đêm hè nóng nực bà hay mẹ tôi lại lấy cái quạt mo cau để phe phẩy quạt xua đi cái nóng bức để đưa những đứa trẻ thơ như tôi chìm giấc ngủ ngon lành. Chúng tôi đã đi qua những trưa hè nóng đổ lửa hay đêm mùa hè nóng nực nhờ tiếng quạt mo cau đều đều, cần mẫn của bà và mẹ phe phẩy theo tiếng ầu ơ ru hời. Thời đó, điện và quạt điện vẫn còn là khái niệm xa lạ ở vùng nông thôn.

Nội tôi có người cháu ruột trước ngày lên đường vào Nam chiến đấu đã ghé thăm nội. Đêm trước ngày chú ấy đi bộ đội, nội tôi ngâm gạo nếp, đồ một chõ xôi, giã một gói muối vừng, nội còn lấy một tàu cau còn tươi, cắt cho vuông cạnh. Rồi Nội tôi vừa hơ lửa bếp cho tàu cau mềm, để nội đổ xôi nóng lên tàu cau và uốn ép thành một cái hộp đựng xôi và muối vừng vuông vắn. Sau này chú tôi gửi thư về nói rằng trên dặm trường xa ra chiến trường, mỗi khi đói chú tôi giở mo xôi nếp ăn với muối vừng cho ấm bụng. Hương thơm của xôi, của muối vừng quện với mùi mo cau tươi khiến người xa quê như chú tôi không thể quên hương vị quê hương.

Chiến tranh kết thúc, chú trở về thăm nội và vẫn nhắc mãi hương vị xôi nội tôi nấu trong chiếc mo cau. Khi mà cái cạp lồng bằng nhựa, bằng, nhôm hay bằng sắt và quán cơm bình dân chưa phổ biến thì mo cau gói cơm tẻ cùng thức ăn khô vẫn là hành trang của người đi xa nhà để lót dạ lúc đói dọc đường. Cơm tẻ hay xôi khi gói bằng mo cau sẽ bị nén chắc lại và giữ nóng khá lâu.

Trầu cau còn là hình ảnh đi vào các câu chuyện cổ tích. Dây trầu quấn quýt quanh thân cau còn thể hiện sự gắn bó, tình thương giữa những người thân trong gia đình trong truyện cổ tích "Sự tích trầu cau" mà một thời đứa trẻ nào cũng đọc hay được nghe kể lại. Trầu cau là biểu tượng cho hôn nhân lứa đôi. Ở nông thôn, đám cưới không thể thiếu trầu cau và trầu cau luôn có trong các đồ vật sính lễ nhà trai mang đến nhà gái. Quê tôi cũng như nhiều làng quê khác, trước ngày tổ chức cưới, các bà, các mẹ và các chị đến nhà trai và nhà gái để bổ cau và têm trầu cánh phượng để hôm cưới khách dự có trầu để ăn. Họ vừa ăn trầu vừa nói chuyện rất vui vẻ suốt đêm. Bây giờ trong lễ vật đám cưới cũng có trầu cau, được trang trí đẹp chủ yếu để trưng bày cho đẹp vì hầu như không còn ai biết ăn trầu.

Mo cau còn gắn liền với trò chơi con trẻ ngày xưa của lũ trẻ thôn quê chúng tôi. Mỗi khi nghe ca khúc “Xe mo ngày cũ” của Trường Giang Thủy tôi lại bồi hồi, xao xuyến nhớ về trò chơi ấu thơ ngày xưa:

“Trò chơi thuở bé,

Anh ưa kéo xe mo

Chở em trên ngõ chiều

Cô bé mỹ miều,

Cười run run bờ vai

Tay ôm chắc vành mo.

Chiếc tàu mo nhỏ bé

Anh giả làm phu xe,

Chở cô em bé bỏng”.

Giống như trong ca khúc, lũ trẻ chúng tôi ngày ấy cũng lấy những tàu cau rụng xuống sân, vườn để rồi thay nhau một đứa ngồi lên, bám chặt lấy thành mo cau, một đứa chạy kéo trên đường làng. Bụi bay mù mịt, chúng tôi nhễ nhại mồ hôi, la hét đầy phấn khích trong cuộc đua xe mo cau. Đôi khi có đứa bị văng ra khỏi tàu cau, tay chân bị trầy xước nhưng vẫn cười ngặt nghẽo trong bụi mù mịt. Khi không có mo cau chúng tôi lại lấy tàu lá dừa để làm xe kéo. Chiếc xe mo cau thời thơ ấu là trò chơi vui chỉ trẻ con thôn quê thời trước hay chơi.

Nói đến hình ảnh quê hương là ta nhớ đến cây đa đầu làng, nhớ đến bến nước, dòng sông, con đò, bụi tre, bụi duối quen thuộc nhưng không thể không nhắc đến cây cau và giàn trầu của của các bà, các mẹ. Quên sao được hình ảnh nội tôi têm trầu, bổ cau rồi ngồi bỏm bẻm nhai trầu chờ con cháu đi làm, đi học về những buổi trưa hè hay trong ánh hoàng hôn đang dần tắt cuối ngày. Hình như vẫn còn phảng phất đâu đây cái mùi cay nồng của trầu nội nhai còn vương trên áo, trên tóc, trong hơi thở của nội khi tôi còn là đứa trẻ nhỏ ngồi trong lòng nội.

Ăn trầu là một nét văn hóa, là một nghi thức giao tiếp khi “miếng trầu” trở thành “đầu câu chuyện”. Khác với ông nội, khi có khách đến chơi thường mời uống nước chè xanh nóng hổi, hái ở vườn nhà, còn khi có mấy bà hàng xóm hay họ hàng sang chơi là bà nội tôi lại đon đả mang trầu cau ra mời, vừa bổ cau, têm trầu vừa trò chuyện rôm rả lắm.

Nội tôi “nghiện” ăn trầu đến mức nhiều lần ốm mệt nội bỏ cơm nhưng không bao giờ bỏ ăn trầu. Duy nhất một lần nội bệnh nặng, nội không ăn cơm và cũng không ăn trầu nữa. Nội nằm mê man mấy ngày, rồi linh hồn lặng lẽ ra đi mãi mãi. Cơi trầu của nội bị héo khô lạnh lẽo nằm bơ vơ ở đầu giường bên cạnh nội. Nhớ thương nội, tôi chỉ biết thắp hương cho nội, tôi khóc khi nhìn hình ảnh đôn hậu của nội trên bàn thờ như đang nhìn tôi âu yếm. Mỗi khi ra vườn nhìn cây cau và giàn trầu của nội tôi lại ứa nước mắt như thấy hình ảnh của nội phảng phất đâu đây. Rồi giàn trầu của nội lâu không có ai hái cũng tàn úa và chết khô. Cây cau của nội mấy năm sau khi nội mất cũng không còn nở hoa trắng xóa, không ra quả nữa và gãy đổ sau một trận bão. Trầu và cau cũng có tình cảm, cũng biết thương nhớ nội tôi vô cùng.

…Hình ảnh những người phụ nữ ăn trầu đó sẽ dần mai một khi mà những người phụ nữ ăn trầu như nội tôi sẽ ít dần đi và nét văn hóa ăn trầu sẽ mai một dần theo quy luật đào thải của cuộc sống.

********

 

Theo Chuyện Làng quê