Chợ lèo tèo vài ba túp lều trống hoác, dựa vào hàng rào bên vườn nhà bà Thái, ông Sựng và ông bà Minh Kính. Bên kia, dưới gốc mít cổ thụ của nhà ông Lạc, trơ trọi một túp lều chắc chắn hơn. Dân bán mua toàn sản vật cây nhà lá vườn và của đồng rừng. Người Nhắng mặc áo màu xanh nõn chuối, sáng rực cả góc chợ, bày trước mặt những cái lù cởi đựng những gói giá đỗ tương bọc bằng lá dong. Cứ năm hào một gói, thân giá dài ngoằng, đội mầm giá màu vàng nhạt. Người Mèo đen trang phục nhuộm chàm từ đầu tới chân, hai tay đen kịt, chân quấn xà cạp, đi cạnh con ngựa thồ hai quẩy tấu mận máu chó. Họ đi từ trên Sa pa xuống từ hôm trước. Người Mèo hoa ăn mặc sặc sỡ hơn. Mỗi khi bước đi, nhịp váy đung đưa xòe rộng. Váy được thêu hoa văn cầu kỳ sặc sỡ. Ai cũng có một khăn mặt vắt vai để lau mồ hôi trên chặng đường dài. Người Mán quẩy hai xoỏng rau hoặc măng trên cái đòn xóc. Đầu họ đội cái nón lá rộng vành, gần như nón quai thao nhưng chóp hơi nhọn, áo có hai tua chỉ đỏ trước ngực và hàng cúc bạc lấp lánh. Những rổ rau, mớ rau lang, quả mít.. được bày bán bởi người Kinh. Chợ thập cẩm đa sắc màu dân tộc, ngôn ngữ chủ yếu bằng tay và giơ tiền ra làm ký hiệu mua bán nhưng ai cũng hồ hởi. Khoảng tám giờ sáng chợ tan để lại rác rưởi và khung cảnh tĩnh lặng.
Khoảng năm 75, do chỗ chợ họp hay bị ngập lụt nên chợ được chuyển ra ngã ba cách đó khoảng 500m. Chợ họp nơi lề đường, ngã ba rẽ vào bệnh viện. Nơi đó có một máy nước công cộng, cạnh ao của ty kiến trúc. Chiều chiều, chỗ vòi nước là nơi tập trung đông đúc các mẹ, các chị ra gánh nước và cánh đàn ông đến tắm gội. Chợ vẫn chủ yếu họp buổi sáng, buổi chiều chỉ lác đác vài người đem hoa quả và rau cỏ ra bán. Đông vui nhất là ngày chủ nhật. Hôm ấy bao giờ chợ cũng họp tới tận trưa. Nó nhớ, thỉnh thoảng nhà nó có lợn mổ bán. Mỗi lần như vậy phải mua thuế sát sinh hết mười đồng và thuê ông Hinh đến mổ và bán giúp. Ông Hinh nổi tiếng là thợ ba toa giỏi. Ông ý mổ lợn nhanh lắm và pha thịt rất đẹp, nhìn ngon mắt vô cùng. Công ông ý lấy thường là hai kg thịt mỡ và một bữa lòng no say. Hôm nào nhà nó mổ lợn là hôm ý cả xóm vui như hội vì được đụng bữa lòng.
Một thời gian sau, để đảm bảo an toàn giao thông, chợ được chuyển lên trước cổng cửa hàng mậu dịch cách nhà nó khoảng 2km. Đây là một bãi đất rộng mênh mông, xung quanh có vài cây xà cừ tỏa bóng mát. Chợ vẫn mang dáng dấp quê với hai dãy lán lụp xụp và những mặt hàng nông sản. Lúc này có sự đổi thay là thêm ba hàng xén bán kim chỉ, cặp tóc, dây cước... lũ học sinh chúng nó thích vây quanh hàng xén để mua dây cước buộc tóc, trang trí cặp tóc hoặc làm dây nhảy. Cứ một hào một sải tay cước. Những sợi cước xanh đỏ tím vàng hút hồn chúng...
Kế tiếp phải kể đến HTX mua bán. Một dãy nhà lá bốn gian nằm ven đường, quay mặt vào núi, lưng chông chênh ta luy. Kề bên là hiệu cắt tóc của anh Cao câm, đằng trước có hai cây phượng mùa hè hoa đỏ rợp trời. Bốn gian nhà, một gian làm bếp nấu, hai gian bày mấy bộ bàn ghế đen xì cho khách ngồi ăn và một gian bán mắm muối dầu hỏa. Ngày ấy, phở miến là món ăn xa xỉ. Nhiều hôm phải giả vờ ốm mới được mẹ mua cho một bát. Mà năm hào một bát lõng bõng toàn nước, thêm vài cọng hành, trên phủ bốn, năm lát thịt mỡ mỏng như tờ giấy pơ luya, gió thổi mạnh là thịt bay mất. Còn ba hào là phở không người lái nhé, không có thịt đâu. Cửa hàng có bán bánh kẹo. Thỉnh thoảng nó được bố mẹ thưởng cho ít tiền là hí hửng đi mua bánh kẹo ăn. Kẹo nấu bằng mật, bọc giấy xi măng. Cứ một hào ba cái hoặc năm xu một cái to hay hai cái nhỏ. Bánh quy làm bằng bột sắn cứng quèo, đen xì, một hào bốn cái. Vậy mà sao nó thấy ngon đến vậy. Bên gian hàng bán dầu muối, một quầy gỗ to tướng bày mấy cái xu chiêng may nhọn hoắt, cứng đơ ; vài cái mũ , áo trẻ em.. tất cả được may bằng vải diềm bâu tận dụng. Mấy cái nón may bằng cước xanh... một phi dầu hỏa để nơi góc nhà, trên miệng phi ngoắc cái phễu và cái ca nửa lít. Cạnh đó là một thùng gỗ đánh đai tre để đựng nước mắm, cũng một phễu, một ca trên miệng. Một góc khác là đống muối to sụ được lót dưới bằng mấy bao tải gai, bên cạnh là thùng đường hoa mai. Người bán hàng chỉ có một nên có khi vừa đong dầu cho khách xong, chưa kip rửa tay đã cầm ca phễu đong nước mắm cho người khác. Đường và muối cũng có lúc lẫn với nhau. Thế mà chả có ai thắc mắc gì cả. Muối được cân từng cân một và gói bằng lá dong, buộc bằng dây dé. Đường được gói bằng giấy dầu màu nâu, cuốn bồ đài lại, một đầu nhọn và một đầu tày... ngày chủ nhật, đồng bào ở vùng cao về mua dầu thắp, nước mắm và muối nhiều lắm, họ chất đầy yên ngựa đủ nhu yếu phẩm cho cả tháng.
Nơi ngã ba, một bên rẽ đường mới rải nhựa, một bên rẽ con đường cấp phối. Lên lưng chừng dốc, nơi hàng phượng già gốc to mấy vòng tay người ôm, rẽ phải là cửa hàng ăn uống. Nơi đây cũng có bánh kẹo, miến phở.. nhưng sang hơn là có kem que và bánh rán. Những hôm trời nóng bức mà được ăn một cây kem tỉnh cả người. Thỉnh thoảng nó được nhận nhiệm vụ xếp hàng mua kem cho cả nhà. Kem đường một hào một que , kem sữa dừa một hào rưỡi. Kem được bọc trong mấy lớp giấy báo rồi mau chóng về nhà cho khỏi tan đá...Nó rất thích được ăn bánh rán. Những cái bánh nặn bằng bột mỳ to bằng miệng bát ăn cơm được thả vào chảo dầu sôi sùng sục bỗng chốc nở to bằng miệng bát tô, vàng ruộm, thơm phưng phức. Nhưng thi thoảng nó mới có đặc ân được thưởng thức món quà xa xỉ đó.
Cao cấp nhất của thương mại là cửa hàng mậu dịch quốc doanh. Nơi đây chủ yếu bán các mặt hàng tem phiếu. Hai dãy nhà cấp bốn xếp theo hình chữ L. Một dãy trên nền đất cao hơn, quay mặt ra đường. Nơi đây bán vải vóc, quần áo, bút vở, diêm, chè, thuốc lá. Hôm nào hàng về, người chen lấn xô đẩy mua hàng đông như kiến cỏ. Dãy nhà dưới quay đầu hồi ra đường thì bán thịt cá, mắm muối. Nhà nó toàn để gom tem phiếu lại lúc nào nhà có công việc mới mua thịt cá. Hôm ấy mẹ hoặc chị gái nó phải dậy sớm đi xếp hàng từ bốn, năm giờ sáng. Nếu muốn đi vệ sinh thì phải đặt hòn gạch hoặc cái nón vào đó để giữ chỗ. Mua được mấy lạng thịt về tới nhà tưởng đứt hơi, mà miếng thịt nó bèo nhèo vụn vặt chứ có ra miếng đâu.
Đối diện rạp Kim tân là cửa hàng lương thực. Đi xếp hàng đong gạo từ sáng sớm mà có hôm tối mịt vẫn chưa được về. Buổi trưa phải có người lên thay để về ăn cơm. Dòng người chen lấn, xô đẩy, cầm quyển sổ gạo trên tay chỉ sợ bị mất. Mỗi lần mua, nhân viên căn cứ số người trên sổ mà cho đong nhiều hay ít. Nhà nào may mắn được đong nhiều nhất 30kg. Cầm tờ hóa đơn xanh đỏ sang quầy gạo, lại chờ. Nếu may mắn có người quen làm ở đấy thì được lấy gạo ngon còn không thì cứ gạo hẩm mà lấy nhé. Mẹ nó chơi với cô Mến bán gạo và cô Xuân là em gái bác Bỉnh nơi xóm nó nên thường được đong gạo ngon. Đấy gì thì gì chứ! Nhất thân nhì quen nhỉ! Giờ thời buổi kinh tế thị trường, có thể ngồi một chỗ vẫn mua được đầy đủ thượng vàng hạ cám nhưng không hiểu sao nó vẫn nhớ về một thời đã qua!
Theo Chuyện Làng quê