Nói trộm vía

“Nói trộm vía, nhóc nhà chị kháu quá, nom rất đáng yêu!”. Đó là lời của vị khách nọ khi đến thăm một gia đình đang có con nhỏ, còn rất bé. Mọi người Việt có kinh nghiệm trong cuộc sống không xa lạ gì với tổ hợp từ “nói trộm vía”.

noi-trom-via-1637847297.jpgẢnh minh hoạ. Nguồn internet

 

Nó được dùng trong những trường hợp mà ai đó muốn nói lời khen, lời tán thưởng em bé nhà nọ mới sinh được một vài tháng hoặc đã được một vài năm, nom khỏe mạnh và đáng yêu. “Nói trộm vía” là quán ngữ đặt đầu câu khen. Và nếu vô ý không dùng thì chính cách sử dụng ngôn từ không khéo này sẽ trở nên “vô duyên”, gây phản ứng không hay từ gia chủ. Nhẹ thì làm không khí kém vui. Nặng có thể gây mất lòng mất bề chỉ vì lời nói không khéo đó.

Sinh con và nuôi con nhỏ là một công việc hệ trọng với mọi gia đình. Trước hết, về mặt khoa học, đứa trẻ mới sinh (sơ sinh) và trong thời kì “mẹ bỉm sữa” còn yếu về thể trạng, rất dễ đau ốm, có thể dẫn đến rủi ro (khả năng tử vong do thiếu điều kiện chăm sóc hay chăm sóc không đúng cách là có thể). Vì vậy, việc chăm nom nuôi dưỡng mẹ và bé phải hết sức cẩn trọng, giữ gìn. Tuy nhiên, xét về khía cạnh tâm linh, theo tín ngưỡng dân gian, thì mọi đứa trẻ mới sinh đều “nằm trong tầm quan sát” của ma quỷ hay các thế lực siêu hình. Theo quan niệm xưa, thì ngay cả việc đặt tên con hay quá, đẹp quá cũng là điều nên tránh. Người ta thường đặt cho trẻ những cái tên bình thường, thậm chí xấu xí (như: Mẹt, Thớt, Liễn, Vồ… và gọi là thằng cu, cái hĩm, thằng cò, cái bé…) để làm “lạc hướng” quỷ thần. “Vía” được coi là yếu tố vô hình, thần bí, được coi là có thể ảnh hưởng đến sự may rủi, lành dữ với mỗi người. Con người ta có “ba hồn bảy vía”, vía nào cũng hệ trọng. Cho nên ngay cả việc khen chê trẻ nhỏ trước mặt gia đình đứa trẻ cũng hết sức thận trọng. “Nói trộm vía” là tổ hợp từ mở đầu, có giá trị như một “liều miễn dịch” tạo cảm giác an toàn khi buông lời khen (cháu bụ bẫm quá, xinh quá, chóng lớn quá, đẹp như hoa…). Lúc đó, cả người khen và người tiếp nhận lời khen (bố me, ông bà, người thân cháu bé) đều yên tâm, vui vẻ, thoải mái. Chứ nếu ai đó cứ khen trẻ trực diện một cách quá hồn nhiên dễ bị coi là "quở", là “điềm gở” vận vào bé. Điều này quả là nên tránh.

Dân gian vẫn còn các tổ hợp có cấu trúc tương tự. Chẳng hạn “nói bỏ quá cho”. Ấy là khi người nói muốn xác nhận một thông tin (được coi là không hay từ phía người nghe) mà người nói chưa đủ thông tin xác thực. Ví dụ: “Nói bỏ quá cho, có phải vừa rồi nhà anh có “bụi” (cách nói tránh về chuyện một người thân của ai đó vừa mất) phải không?” Hay “Nói bỏ qua nhé, gia đình cậu mới có chuyện buồn đấy à? Tớ thấy avatar trên face của cậu có hình đen”… Do nhiều nguyên nhân mà ai đó không biết rõ đích xác người thân của ai đó bị bệnh hiểm nghèo hay vừa mất, họ cần phải “ướm hỏi” tế nhị chính người trong gia đình đó. Kẻo không khéo, lại làm cho người ta phật ý hoặc đau lòng thêm.

Cũng còn một cấu trúc khác: “nói của đáng tội” (hay ‘của đáng tội”), là quán ngữ đặt trước câu nói tiếp theo để diễn tả “sự chuyển ý nhằm thanh minh hoặc làm rõ thêm cho điều ít nhiều không hay vừa nói đến”. Ví dụ “Nói của đáng tội, chuyện cô H. bỏ nhà theo trai cũng chỉ lời đồn đoán, chứ cô ấy đâu đến nỗi”. Hay “Nói của đáng tội, ông ấy cũng có “chấm mút” được bao nhiêu mà mọi người cứ làm to chuyện. Tôi nói thế có đúng không?”, v.v.

Nói chung, các cấu trúc “nói + X” như vừa nêu là những lối nói thể hiện quan niệm, tập quán, thói quen trong giao tiếp ngôn ngữ mà chỉ cộng đồng tiếng Việt mới có. Cái được coi là “đặc sản” ngôn từ dân gian này phản ánh một nét văn hoá mà cha ông ta ứng xử trong đời sống. Chính những nét riêng đó được tích lũy qua thời gian mà góp phần làm nên cái đặc sắc của văn hoá Việt.

Muốn khen cũng phải lựa lời

Nếu không lời đẹp thành lời không hay.