Cả đơn vị xôn xao, mặt mũi anh nào anh nấy hớn hở vui hơn cả tết, chả là lính tráng thời bấy giờ đã đói ăn thì chớ lại còn đói cả văn hóa nữa chứ, đói đến mức độ có cái chuyện một tờ báo chung của đơn vị bị cắt trộm mất tấm ảnh diễn viên Lê Vân, mà cả đơn vị truy cứu tìm ra bằng được, hóa ra là một tay lính Hà Nội cắt trộm rồi đút trong ruột gối, khi bị chất vấn thì anh ta lý sự rằng Lê Vân là đồng hương lại ở gần nhà anh ta chỉ cách có 27 cây số thôi!... Vậy nên khỏi phải nói lính ta mong chờ buổi tối nay như thế nào.
Ba giờ chiều, tiếng còi xe "pin.. pin..." từ ngoài cổng, chiến sĩ gác cổng mở barie, một chiếc Zin 130 còn khá mới từ từ tiến vào, trên xe chở đội xung kích cùng nhạc cụ, đạo cụ, quân tư trang lỉnh kỉnh... Hôm ấy là phiên tôi trực ban, tôi ra đón đoàn và dẫn vào nhà khách của đơn vị. Đến giờ cơm, biết anh em rất là sốt ruột, tôi phá lệ đánh kẻng cơm sớm trước 5 phút, lính tráng hối hả lục tục xếp hàng đi xuống nhà ăn. Tôi cùng một anh nuôi mang cơm lên nhà khách cho đội xung kích, gặp một cô xung kích đang ở phòng ngoài trông còn khá trẻ. Tôi hỏi:
- Bọn anh mang cơm cho đội, mọi người đâu rồi hả em?
- Mọi người vẫn nghỉ ở trong anh ạ!
- Em mời mọi người ra ăn cơm hộ anh nhé!... À, em quê đâu vậy?
- Hải Hưng anh ạ!
- Ồ, thế là đồng hương với anh rồi... Vậy em tên gì?
- Tối nay anh sẽ biết!...
"Tối nay anh sẽ biết... Tối nay anh sẽ biết..." câu nói cứ luẩn quẩn trong đầu tôi mãi... Tôi thấy lòng mình rạo rực lâng lâng... Nhưng rồi một sự cố bất ngờ đã xảy ra (ấy là do cái tay lính Hà Nội đã cắt trộm ảnh báo). Là lúc cơm nước xong xuôi, tôi bỗng thấy hắn vỗ vào vai tôi rồi thì thào:
- Này, tao vừa thấy có một em xung kích đi xuống bờ suối, tao mấy mày thử ra xem đi....
Không chút ngần ngừ, tôi gật đầu "Ừ, đi", ra đến bờ suối, tôi thấy chính là cô bé đồng hương ấy, cô bé đang ngồi trên mỏm đá, hai tay vục nước suối lên mặt. Tôi đang mải nhìn thì tay lính Hà Nội ném một viên đá nhỏ rơi tõm ngay cạnh cô bé ngồi, cô bé giật mình vừa định đứng dậy thì bỗng trượt chân ngã ùm xuống suối, tôi với hắn vội vàng chạy lại đỡ, mồm miệng rối rít:
- Bọn anh xin lỗi nhé... bọn anh không cố ý....
Cô bé không nói gì, bật khóc rồi chạy về nhà khách. Rồi buổi biểu diễn cũng đến, tôi đánh kẻng tập trung để các trung đội xếp hàng đến hội trường (gọi là hội trường, nhưng cũng chỉ là nhà tranh vách đất làm lớn hơn nhà ở mà thôi nhưng lính tráng làm cũng khá đẹp, đầy đủ bục sân khấu, cánh gà, đầy đủ cờ quạt khẩu hiệu...). Buổi biểu diễn thật sự sôi động, sau mỗi tiết mục, tiếng reo hò, tiếng vỗ tay vang lên rộn rã, qua ánh đèn sân khấu (bằng nguồn điện máy phát) các cô văn công xung kích toả sáng lung linh rực rỡ như những bông hoa nơi núi rừng biên cương Đông Bắc, và qua giới thiệu những tiết mục, tôi đã biết tên cô bé ấy: Thanh Tâm. Hai năm sau, tôi xuất ngũ và lại trở về cơ quan cũ tiếp tục công tác. Sau khi tiếp nhận giấy tờ, bà trưởng phòng tổ chức bảo:
- Cậu cứ về nhà nghỉ ngơi, đầu tháng tới đến bắt đầu vào làm, chỗ ăn ở thì cứ đến phòng có mấy cậu độc thân đang ở, là dãy nhà tập thể cơ quan ngay phía trước.
Đúng lịch, tôi đến cơ quan bằng chiếc xe đạp cọc cạch, dựng xe ở cửa phòng hộ độc thân trong dãy nhà tập thể, tôi cởi chiếc hòm gỗ trên gác ba ga xuống, mọi người đều đi vắng hết, cửa khóa ngoài. Đang tần ngần thì trời chuẩn bị đổ mưa, bần thần ngó quanh chợt thấy cánh cửa giữa dãy nhà còn mở gian bếp đối diện cánh cửa có khói bếp bay ra. Không cần nghĩ nhiều, tôi ôm ngay cái hòm chạy sang định gửi tạm, đến nơi tôi ngó ngay vào trong bếp thì thấy một cô gái đang ngồi đun, tôi lên tiếng:
- Cô gì... ơi...!
Cô gái quay người lại, thật bất ngờ, cả hai đều đứng hình 5 giây... Thì ra cô gái ấy chính là cô bé xung kích của hai năm trước... Thế này thì nguy to rồi, và càng nguy to hơn nữa, cô bé ấy lại chính là con gái vị trưởng ngành của tôi nữa chứ! Cô ấy mà trả thù cái vụ ngã suối năm xưa thì tôi chết chắc... Đúng là "Oan gia ngõ hẹp"... mà không... nó còn hẹp hơn cả ngõ hẹp... Vì cô bé ấy "Trả thù" thật. Và tôi cũng "chết" thật. Ấy là cô ấy "trả thù" tôi là một cái đám cưới, và vị trưởng ngành của tôi thì tôi phải đổi cách gọi: "Nhạc phụ".
Mùa Thu năm ấy cô ấy đã cho "ra lò" cùng một lúc hai "sản phẩm" đủ cả nếp tẻ. Cho đến bây giờ lại còn thêm bốn "nghịch tôn" nội ngoại nữa chứ, để chúng lại "cướp" mất bà của ông. Chán thật!!!... Cuộc "trả thù" này dai dẳng ngót bốn chục năm rồi chưa hồi kết thúc. Ai ơi "cứu" tôi với...!
Theo Chuyện Làng quê