HỘI NHẬP|| Chúng tôi đã cùng đoàn công tác đến các xã, các huyện thuộc hai tỉnh, trò chuyện với bà con nông dân, ai cũng nhận thấy kinh tếnông nghiệp và xây dựng nông thôn có bước phát triển khá, trên tất cả các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi với năng suất và sản lượng ngày càng tăng cao hơn. Hạ tầng kỹ thuật, nhất là đường giao thông, hệ thống thủy lợi được xây dựng ngày càng đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa.
Ðời sống vật chất và tinh thần của nông dân được cải thiện rõ nét về ăn ở, học hành, đi lại, khám chữa bệnh, hưởng thụ văn hóa..., các chủ trương, chính sách của Ðảng và Nhà nước đối với sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn đang đi vào cuộc sống, mang lại những thành tựu rất đáng kể, nhất là trong quá trình thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa IX) về đẩy nhanh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn. Kinh tế nông nghiệp phát triển đã, đang và sẽ tiếp tục là điều kiện, nền tảng vững chắc cho sự tăng trưởng của nền kinh tế quốc dân.
Trong chuyến đi nghiên cứu, khảo sát thực tiễn này, ông Trương Tấn Sang và Ðoàn công tác đã gặp mặt, trò chuyện thân tình, trao đổi thẳng thắn với khoảng 40 nông dân sản xuất giỏi, bao gồm các chủ trang trại, thợ thủ công, chủ hộ nuôi tôm, cá, bò, lúa và chủ nhiệm hợp tác xã về những vấn đề nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Bà con cô bác, anh chị em khẳng định với ông Trương Tấn Sang rằng, nhờ có các chủ trương, đường lối chính sách của Ðảng, Nhà nước về phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân nên đời sống nông dân ngày càng cải thiện. Bữa ăn mỗi nhà đã đủ chất, các tiện nghi sinh hoạt nhiều hơn. Các gia đình nông dân không chỉ lo cho con học trong nước, còn mong con đi học nước ngoài. Tuy vậy, bà con cũng kiến nghị với Ðảng, Nhà nước sớm tháo gỡ những vướng mắc về cơ chế, chính sách để nông dân chủ động, tích cực, có đóng góp quan trọng hơn nữa vào quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Ông Nguyễn Văn Thật, Chủ tịch UBND xã cũng là một nông dân ở xã Bình Thành (Ðồng Tháp), nói: Nông dân sản xuất lúa không lời nhiều, song lại phụ thuộc vào giá cả vật tư, nguyên liệu trên thị trường thế giới. Nông dân vừa là người bán vừa là người mua mà không được thuận mua vừa bán, thường xuyên bị ép giá. Vẫn còn có con em nông dân nghèo bỏ học do không đủ tiền đóng học phí và chất lượng thầy giáo, cô giáo ở vùng sâu, vùng xa dù sao cũng không bằng ở thị trấn. Trong khi giá lúa tăng một lần thì giá vật tư, nguyên liệu tăng ba - bốn lần. Hiệp hội Lương thực Việt Nam vừa tạm ngưng xuất khẩu gạo, giá gạo ở vùng đồng bằng sông Cửu Long đã giảm, doanh nghiệp không mua vì không có tiền mua dự trữ trong khi giá gạo thế giới tăng cao. Phân bón chất lượng kém, thuốc trừ sâu giả liên tục xuất hiện ở nhiều nơi mà không được ngăn chặn có hiệu quả khiến cho nông dân bỏ tiền mua hàng giả mà tiền mất, lúa chết không ai xử lý.
Chủ nhiệm hợp tác xã Cái Vòm (Cao Lãnh, Ðồng Tháp) Trần Văn Ly cho biết: Kinh tế tập thể hoạt động kém hiệu quả, ngoài năng lực quản lý của cán bộ hợp tác xã ra, còn do chính sách thuế không bình đẳng kéo dài nhiều năm. Hợp tác xã phải nộp thuế thu nhập (28%) và thuế VAT trong khi tư nhân lại được "khoán thuế". Hợp tác xã thiếu vốn lưu động, đi vay phải thế chấp nhưng lại thiếu điều kiện. Muốn làm trạm bơm điện phải tự mua vật tư từ A đến Z, song không được quản lý mà phải giao cho cơ quan điện lực thì ai trả vốn cộng lãi cho nông dân?
Ông Nguyễn Văn Hồng, xã Gáo Giồng (Cao Lãnh, Ðồng Tháp), bức xúc khi nói về chi phí vật tư, nguyên liệu vừa qua tăng cao: DAP từ 7.200 đồng lên 21.000 đồng trong khi giá lúa chỉ tăng từ 2.800 đồng/kg lên 4.600 đồng/kg. Giá lúa tăng không đủ bù lỗ giá vật tư nông nghiệp làm sao nông dân mở rộng diện tích trồng trọt. Nhiều năm nay, ở đồng bằng sông Cửu Long vẫn diễn ra tình trạng "được mùa mất giá". Việc cho nông dân vay vốn làm lúa cần kéo dài kỳ hạn vay 6-8 tháng. Bởi nếu kỳ hạn vay như hiện nay nông dân chưa thu hoạch đã đến hạn trả nợ, dẫn đến luôn phải bán lúa non cho tư thương.
Ông Nguyễn Văn Nam, xã Phú Thuận, An Giang, đề nghị các doanh nghiệp bán vật tư, nguyên liệu phục vụ nông nghiệp phải công khai niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Nhà nước có thể đầu tư thêm các trạm bơm điện cũng như cho vay vốn để nông dân mua máy gặt đập liên hợp.
Ông Nguyễn Văn Sang, người nuôi tôm giỏi ở Phú Thuận (An Giang), đề nghị Nhà nước có chính sách hỗ trợ nông dân về vốn vay để mua thức ăn chăn nuôi. Ông nói: Chúng tôi hết sức cảm ơn Ðảng, Nhà nước và tỉnh đã tạo mọi điều kiện xây dựng cụm tuyến dân cư vượt lũ, đắp bờ bao, giúp nông dân làm ba vụ, tỷ lệ trẻ em bỏ học từ 15% giảm còn 2%. Chất lượng học tăng dần. Ðời sống nhân dân ở xã ngày càng bớt khó khăn.
Ông Nguyễn Hữu Văn, xã Bình Thành (Ðồng Tháp), mong muốn Nhà nước có biện pháp quản lý môi trường nước. Trước kia, dịch bệnh chỉ xảy ra trong tháng 10, tháng 11, nay lại xảy ra quanh năm vì môi trường ngày càng bị ô nhiễm. Ðề nghị Nhà nước quy hoạch vùng thủy sản tôm cá, con giống, cây trồng, vật nuôi cho cả vùng đồng bằng sông Cửu Long. Nông dân nhờ Nhà nước đặt hàng các nhà khoa học nhanh chóng lai tạo giống lúa mới, cây ăn quả, thủy sản... không chỉ cho từng vùng mà cho cả nước. Không thể kéo dài mãi tình trạng xuất khẩu sản phẩm thô mà phải tạo ra sản phẩm cây, con có giá trị gia tăng cao, cạnh tranh được với sản phẩm ngoại cùng loại.
Vì sao đồng bằng sông Cửu Long có kim ngạch xuất khẩu thủy sản, gạo lớn nhất nước mà đời sống nhân dân vẫn nghèo? Ðó là câu hỏi được 20 người nêu lên trong các cuộc làm việc và có nhiều cách lý giải khác nhau. Theo đồng chí Huỳnh Thái Năng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh An Giang, tỉnh có thu nhập vào loại cao nhất của đồng bằng sông Cửu Long: Thu nhập của nông dân chưa cao, tích lũy thấp, cuộc sống khó khăn (thu nhập 638 nghìn đồng/người/tháng chỉ đủ tiêu dùng). Số lao động không có việc làm tăng. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề còn thấp. Ðời sống nông dân nơi bị thu hồi đất gặp nhiều khó khăn: 41% không có việc làm và đi làm thuê, 28% cuộc sống không được cải thiện, 54% cuộc sống giảm sụt so với trước khi bị di dời; chỉ có 14,7% cuộc sống có cải thiện đôi chút và 2,6% cuộc sống cải thiện nhiều hơn...
Chủ tịch UBND huyện Cao Lãnh (Ðồng Tháp) đề nghị Nhà nước cần quy hoạch khu dân cư cả vùng và từng tỉnh để bố trí các nhà máy chế biến cho phù hợp, nếu để như hiện nay thì chỉ vài năm nữa, vấn đề môi trường ô nhiễm sẽ nặng nề hơn. Vấn đề nguồn nhân lực cũng đang là điều được các nông dân, chủ trang trại, hợp tác xã quan tâm. Có thể mở các trường dạy nghề theo các nghề hiện có với giáo trình sát với tình hình thị trường hiện nay. Mặc dù đã có nghị quyết khuyến khích các thành phần kinh tế phát triển ở khu vực nông nghiệp, nông thôn, song chính sách thuế hiện nay chưa đủ sức khuyến khích các hợp tác xã phát triển. Nhà nước cần quy hoạch để phát triển nông nghiệp, nông thôn và nông dân đồng bằng sông Cửu Long với tầm nhìn dài hạn. Doanh nghiệp và hiệp hội ngành hàng ở các tỉnh cũng cần liên kết hợp tác cả đầu vào và đầu ra, giữa doanh nghiệp chế biến và nông dân sản xuất nhằm tiêu thụ sản phẩm cho nông dân và cho sản xuất nông nghiệp. Ðề nghị Chính phủ sớm tổng kết ba chương trình đầu tư có tính đột phá cho đồng bằng sông Cửu Long về giao thông, thủy lợi, nguồn nhân lực để phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn mạnh mẽ hơn nữa thời gian tới.
Trong các buổi làm việc với hai tỉnh Ðồng Tháp và An Giang, ông Trương Tấn Sang đã gợi ý, quan tâm, tìm hiểu, lắng nghe ý kiến của bà con nông dân, của cán bộ xã, huyện và cán bộ lãnh đạo tỉnh về các vấn đề: thực trạng tình hình nông nghiệp, nông thôn, nông dân của các tỉnh, quan điểm của lãnh đạo các tỉnh về vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn, nông dân đồng bằng sông Cửu Long trong thời kỳ đẩy mạnh CNH, HÐH đất nước và hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới; vấn đề chính sách đất đai và vấn đề quy hoạch sử dụng đất; phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, việc ứng dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật, công nghệ sinh học vào thực tiễn sản xuất, bao gồm vấn đề áp dụng giống cây, con mới có năng suất, chất lượng cao ngang hàng với các nước trong khu vực, vấn đề cơ giới hóa nông nghiệp, vấn đề bảo đảm an ninh lương thực quốc gia với tầm nhìn dài hạn của một đất nước có quy mô dân số trên dưới 130 triệu người trong tương lai mà đồng bằng sông Cửu Long là nơi có khả năng tạo ra sản lượng lương thực lớn nhất nước. Bên cạnh đó, ông còn quan tâm đến vấn đề định hướng phát triển công nghiệp với tầm nhìn dài hạn; vấn đề tổ chức sản xuất phù hợp với điều kiện sản xuất hàng hóa ngày càng lớn của đồng bằng sông Cửu Long; vấn đề tiêu thụ nông sản hàng hóa và tổ chức lưu thông vật tư nông nghiệp; vấn đề đào tạo nguồn nhân lực; chính sách xã hội nói chung và vấn đề xóa đói, giảm nghèo, giải quyết việc làm, nhất là đối với nông dân không có đất sản xuất; vấn đề bảo vệ môi trường; vai trò các Hiệp hội trong điều kiện sản xuất hàng hóa; huy động các nguồn lực đầu tư phát triển, nhất là kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội (giao thông, thủy lợi, giáo dục, y tế...) chính sách tài chính, tín dụng đối với nông nghiệp, nông thôn; vấn đề xây dựng nông thôn mới; vấn đề xây dựng giai cấp nông dân và vai trò làm chủ của nông dân ở nông thôn...
Ông Trương Tấn Sang biểu dương Ðảng bộ, chính quyền và nhân dân hai tỉnh đã nỗ lực phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng kinh tếnông nghiệp liên tục cao trong những năm qua, mặc dù gặp nhiều thiệt hại của lũ lụt và các rủi ro khác gây ra. Chuyển dịch cơ cấu kinh tếnông nghiệp có nhiều tiến bộ trên các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và chế biến nông sản hàng hóa, phát triển ngành nghề nông thôn. Ðời sống nông dân và xây dựng nông thôn ngày càng tiến bộ.
Tuy còn gặp nhiều khó khăn, thách thức, như tỷ lệ hộ nghèo còn cao, nguồn nhân lực chưa được đào tạo chiếm tỷ lệ lớn, kết cấu hạ tầng chưa theo kịp yêu cầu phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn... nhưng những thành tựu to lớn về phát triển kinh tếnông nghiệp, xây dựng nông thôn ở hai tỉnh này vẫn là cơ bản. Các vấn đề xã hội đã được giải quyết đáng kể. Cả hai tỉnh còn nhiều tiềm năng và triển vọng lớn để phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung, chuyên canh, thâm canh với quy mô lớn, có đủ sức cạnh tranh trong điều kiện hội nhậpkinh tế quốc tế.
Qua khảo sát thực tiễn và trao đổi ý kiến, đối thoại với bà con nông dân và cán bộ lãnh đạo xã, huyện, tỉnh ở các địa phương vừa đến thăm và làm việc, ông Trương Tấn Sang nhắc nhở, động viên bà con nông dân và cán bộ lãnh đạo các cấp nghiên cứu, mạnh dạn đề xuất các giải pháp để không ngừng phát triển sản xuất nông nghiệp hàng hóa, xây dựng nông thôn và xây dựng giai cấp nông dân trên các vấn đề quan trọng được gợi ý, trao đổi nêu trên.
Ông dành nhiều thời gian gợi mở, trao đổi chung quanh những quan điểm chỉ đạo của Ðảng về phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn và giai cấp nông dân. Ðó là, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, cần quan tâm đúng tầm, đúng vai trò, vị trí của nông nghiệp, nông thôn và nông dân. Ðây là vấn đề mang tính chiến lược cả trước mắt và lâu dài. Các cấp ủy đảng cần tiếp tục nghiên cứu, cụ thể hóa một cách sáng tạo Nghị quyết Ðại hội lần thứ X của Ðảng, mạnh dạn đề xuất, kiến nghị với Trung ương những chủ trương và giải pháp ngang tầm với yêu cầu xây dựng, phát triển nền nông nghiệp hàng hóa trên phạm vi cả nước nói chung, đồng bằng sông Cửu Long nói riêng trong thời kỳ hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế thế giới, giữ vững an ninh lương thực quốc gia, có ý thức và trách nhiệm thật sự đầy đủ trong quy hoạch sử dụng đất đai có hiệu quả về nhiều mặt - không gian sinh tồn của cả dân tộc với trên dưới 130 triệu người xét về lâu dài; không ngừng xây dựng nông thôn mới ngày càng văn minh, giàu đẹp, mang đậm bản sắc, văn hóa nông thôn Việt Nam, nông dân có cuộc sống ngày càng ấm no, hạnh phúc, văn minh, tiến bộ; giai cấp nông dân ngày càng được nâng cao trình độ về mọi mặt, đủ sức làm chủ trên mặt trận nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới trong tiến trình CNH, HÐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Trong khi tiếp xúc với bà con nông dân cũng như làm việc với đội ngũ cán bộ các cấp của hai tỉnh An Giang và Ðồng Tháp, ông Trương Tấn Sang đặc biệt quan tâm tình hình triển khai thực hiện các chương trình lớn của Chính phủ về đầu tư phát triển hệ thống giao thông, thủy lợi, giáo dục - đào tạo y tế, về xây dựng cụm, tuyến dân cư tránh lũ cho các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long, nhất là các tỉnh ở vùng ngập sâu. Ðồng chí nhắc nhở các Ban Thường vụ Tỉnh ủy và các bộ, ngành liên quan cần đẩy nhanh tiến độ thực hiện và sớm hoàn thành các công trình này, bởi nó có ý nghĩa hết sức to lớn đối với sự nghiệp CNH, HÐH, thực hiện thắng lợi nghị quyết của Ðảng ở đồng bằng sông Cửu Long nói chung và hai tỉnh An Giang, Ðồng Tháp nói riêng.