Dave Paventi - một nhân viên cấp cao của ngân hàng Charlotte đang ngồi trên tầng 81 của Tháp Bắc, Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC), vào sáng 11/9/2001.
Ông chỉ vừa đến thành phố New York một ngày trước đó để tham gia một cuộc họp doanh nghiệp. "Tôi đến văn phòng và ngay lập tức đi tới cửa sổ để nhìn ra ngoài một chút”, Paventi nói.
“Một đồng nghiệp của tôi tưởng tượng hơi quá liền nói: 'Lỡ như máy bay đâm vào tòa nhà này thì sao nhỉ?’. Tôi trả lời: ‘Anh nghiêm túc à? Ai mà nghĩ ra được điều đó chứ'”, Paventi kể về cuộc trò chuyện vào ngày 10/9/2001, theo Charlotte Observer.
Dường như không ai, bao gồm ông, khi đó nghĩ rằng một thảm họa sẽ xảy ra vào ngày hôm sau.
18 phút đầu tiên
8h46 sáng 11/9/2001, Paventi đang ở trong phòng họp thì bỗng cảm thấy toàn bộ tòa nhà chao đảo. Một chiếc máy bay đã lao vào từ tầng 93 đến 99 .
Paventi cho biết ông từng làm việc ở San Francisco. Vì vậy “theo thói quen tôi nghĩ đó là động đất. Tôi chui xuống gầm bàn”, ông kể.
Trung tâm Thương mại Thế giới (WTC) bị tấn công vào ngày 11/9/2001. Ảnh: AP. |
Các đồng nghiệp của ông - từng trải qua vụ đánh bom WTC năm 1993 - mập mờ đoán được chuyện gì đang xảy ra và nhanh chóng chạy đến cầu thang.
Paventi ngay sau đó nghe thấy có tiếng người hét lên rằng một chiếc máy bay đã đâm vào tòa nhà. “Chúng tôi nghĩ rằng đó là một chiếc phi cơ nhỏ. Vào thời điểm đó, không ai nghĩ rằng một máy bay lớn có thể lao vào tòa nhà”, Paventi nói.
Trong lúc đó, ở Tháp Nam, Anthony Mauro đang ở trên đài quan sát trên tầng 107 thì bắt đầu ngửi thấy mùi khói.
Mauro nói: “Chúng tôi nhìn ra cửa sổ. Đó là một làn khói đen, đen kịt. Nó trông tệ hơn cả một cơn bão".
Sau đó, một kỹ sư chạy đến. “Anh ấy nói: Này anh, ra khỏi tòa nhà càng nhanh càng tốt. Một chiếc máy bay đã đâm vào Tháp Bắc”, Mauro nhớ lại.
Mauro bắt đầu chạy. Qua cửa kính, ông nhìn thấy những mảnh vỡ của tòa nhà kế bên. “Toàn bộ mặt bên của phần trên tòa nhà đã bị xé toạc. Ngọn lửa phụt ra và tòa nhà thực sự đang cong xuống”.
Vị kỹ sư liên tục hối thúc. “Anh ấy nói: ‘Đi thôi. Đừng lãng phí một phút nào nữa. Chúng ta phải ra khỏi đây", Mauro kể.
Hàng nghìn người ở bên trong và xung quanh WTC hốt hoảng bỏ chạy sau vụ tấn công. Ảnh: AP. |
“Khi chúng tôi lên đến tầng số 78, vẫn còn rất nhiều người ở đây, đi lại thờ ơ. Tôi phải hét lên thật to cho cả phòng nghe thấy: ‘Đó không phải một chiếc máy bay nhỏ. Tòa nhà đang bị phá hủy”, ông nhớ lại.
Một vài đồng nghiệp của ông khi đó thậm chí còn không thèm nghe. “Cộng sự của tôi muốn quay trở lại tầng trên vì anh ấy không muốn mất lương ngày hôm đó”.
Xuống tới mặt đất, Mauro ngước lên nhìn. “Tôi không thể không nhìn lên". Chiếc máy bay thứ 2 đã lao tới khoảng tầng 75 đến 85 vào lúc 9h03, chỉ khoảng 18 phút sau chiếc thứ nhất.
Mùi xăng máy bay, sức nóng và khói bụi từ đám cháy kinh khủng đến mức khoảng 200 người đã chọn cách nhảy khỏi tòa nhà tự tử để thoát khỏi chúng.
Cùng lúc, Max Clifford, doanh nhân người Ireland, nằm trong số những người thoát ra khỏi Tháp Bắc từ sớm sau vụ va chạm đầu tiên. An toàn đứng trên mặt đất, ông an ủi một người phụ nữ bị bỏng nặng.
Ngay trên đầu ông, chuyến bay 175 của United Airlines - có chị gái và cháu gái ông trên đó - đâm sầm vào Tháp Nam. “Những người thân yêu của tôi đã bị giết. Đó là thế giới của tôi, nó không bao giờ trở lại như cũ nữa”, ông kể, theo Telegraph.
Vừa thoát khỏi cửa tử khi bước ra khỏi Tháp Nam của WTC, Joe Ditmarr thấy đầy rẫy các thanh thép xoắn, gãy, bê tông vỡ vụn và "những mảng màu đỏ lớn". Thế nhưng, những hình ảnh đó không phải là ký ức khiến ông thức trắng đêm, mà là tiếng la hét.
"Tiếng hàng trăm nghìn người cùng la hét trên đường phố New York khi tòa tháp phía nam đổ xuống là âm thanh mà tôi nghe thấy đầu tiên vào mỗi buổi sáng", ông nói về chấn thương tâm lý mà mình phải chịu suốt 20 năm qua.
“Mọi chuyện như thể vừa hôm qua”, Ditmarr chia sẻ với ABC.
45 phút trong cầu thang trước thời khắc sinh tử
Trở lại khu vực cầu thang của Tháp Bắc, Paventi và những người khác sơ tán qua cầu thang hẹp, chỉ đủ rộng để 2 người đi ngang hàng cùng lúc. Tại tầng 65, số người đổ ra cầu thang bắt đầu đông hơn và gần như kẹt cứng.
Tháp Nam của WTC sụp đổ vào lúc 9h59 sau gần 56 phút bốc cháy. Ảnh: AP. |
“Chúng tôi không thể nhìn thấy gì cả. Không gian im lặng một cách kỳ lạ. New York vốn ồn ào và náo nhiệt, nhưng lúc đó lại rất yên tĩnh. Chúng tôi cứ nhích được vài bước thì phải dừng lại, cứ như thế trong khoảng 45 phút”.
Vào thời điểm đó không có điện thoại thông minh. Ngoài chiếc điện thoại nắp gập, Paventi còn có một máy nhắn tin, có thể gửi và nhận các email ngắn. Anh nhanh chóng nhận tin về một chiếc máy bay đâm vào tòa tháp.
“Máy nhắn tin rung lên. Đó là một chiếc (Boeing) 767”, Paventi nói về máy bay đầu tiên gặp nạn. Không muốn gây hoảng loạn cho người trong cầu thang, Paventi và đồng nghiệp quyết định giữ im lặng về tin tức. Sau đó, tin tức về máy bay thứ hai được gửi đến, báo rằng đây là một vụ khủng bố.
Khi họ đến tầng 30, cầu thang bị tắc nghẽn một lúc khi lính cứu hỏa đang tiến lên, mang theo ống nước và thiết bị khổng lồ. Họ nói rằng cầu thang ở phía dưới vẫn thông thoáng, và bảo mọi người tiếp tục đi xuống.
Lynn Paventi - vợ của Dave Paventi - bắt đầu nhận được các cuộc gọi từ mẹ chồng. “Bà nói: ‘Mẹ biết chồng con đang ở New York. Con có biết nó ở cụ thể chỗ nào không? Nó vẫn ổn chứ?’. Tôi chỉ có thể nói với mẹ rằng anh đang ở Trung tâm Thương mại Thế giới”.
“Tôi nghĩ đó có lẽ là điều khó khăn nhất mà tôi phải làm ngày hôm đó. Thật khó để nói với một người mẹ rằng con trai bà ấy đang ở trong tòa nhà chìm trong biển lửa mà họ xem trên TV”, cô nói.
"Bộ phim kinh hoàng"
Tại Washington, D.C., Staley Heatly đang trên đường đi làm thì nghe tin về sự việc New York.
“Tôi và vợ sắp cưới tạt vào một nhà hàng để xem tin tức. Ai nấy đều sốc, không phân biệt màu da, chủng tộc hay tôn giáo”.
Một phần cấu trúc của Lầu Năm Góc bị phá vỡ sau khi bị chuyến bay số hiệu 77 của American Airlines đâm vào. Ảnh: Air Force Tech. |
Trong khi hàng triệu người dồn sự chú ý vào hai vụ tấn công ở New York, chuyến bay số hiệu 77 của American Airlines bay vòng qua trung tâm thành phố Washington, D.C., trước khi lao vào phía tây Lầu Năm Góc lúc 9h37. 125 người trong và xung quanh tòa nhà trụ sở của Bộ Quốc phòng Mỹ cùng với toàn bộ 64 người trên chuyến bay đã thiệt mạng.
Trung tâm Washington, D.C. bắt đầu kẹt cứng những người cố gắng thoát ra khỏi thành phố. Thị trưởng đã ban bố tình trạng khẩn cấp cho toàn thành.
Heatly cho biết từ trung tâm mua sắm gần Điện Capitol, ông có thể “nhìn thấy khói bốc ra từ Lầu Năm Góc”.
“Đường phố chật cứng xe cộ. Các con phố xung quanh Nhà Trắng đều bị chặn", ông mô tả, kể thêm rằng ông nghe thấy tiếng khóc và nhiều người đang chạy.
Ít phút sau, lúc 10h07, chuyến bay mang số hiệu 93 của hãng hàng không United Airlines rơi xuống cánh đồng gần quận Shanksville, hạt Somerset, bang Pennsylvania.
Toàn bộ hành khách và phi hành đoàn thiệt mạng, bao gồm 4 tên khủng bố. Những gì ghi lại trong hộp đen cho thấy các hành khách trên máy bay đã cố giành lại quyền kiểm soát từ những kẻ khủng bố.
“Tất cả chỉ còn là khói bụi và mảnh vụn”
Chưa thôi bàng hoàng về loạt vụ tấn công, người dân cả nước tiếp tục chứng kiến New York chìm trong thảm họa.
Khi Paventi và đồng nghiệp xuống được những tầng gần mặt đất, ông mô tả khung cảnh xung quanh đập vào mắt mình lúc này trông như trong bộ phim “Die Hard”.
Chiếc thẻ dành cho khách đến tòa nhà Trung tâm Thương mại Thế giới của ông Dave Paventi. Ảnh: Charlottefive. |
“Tất cả cửa sổ đều đã vỡ toang, có mùi xăng, như thể vừa có một vụ nổ bom. Tôi nhớ mình đã ra khỏi tòa nhà qua một cửa sổ vỡ”, ông nhớ lại.
“Khi chúng tôi ra ngoài sân, một nữ cảnh sát bắt đầu gào to, kêu gọi tất cả chúng tôi chạy đi, rời khỏi tòa nhà và đừng ngoái lại. Chúng tôi chạy đi. Cách đó khoảng 3 dãy nhà, tôi thấy Bob (một đồng nghiệp) vòng qua một góc và nép sau một tòa nhà. Anh mượn điện thoại của tôi để nói chuyện với vợ. Tôi đi theo anh ấy. Ngay sau đó, một khối trắng khổng lồ ập xuống đường”.
Tháp Nam đổ xuống vào khoảng 10h.
“Chúng tôi đã ở trong sân khi cấu trúc bắt đầu lung lay và ở cách đó ba dãy nhà khi nó sụp đổ hoàn toàn”, Paventi nói.
Paventi vẫn còn giữ chiếc áo sơ mi mà ông mặc vào ngày hôm đó, cùng với thẻ dành cho khách ghé tòa nhà WTC, ngày 11/9/2001, có ảnh của ông.
Trong trạng thái lo lắng, Paventi và Bob tìm cách ra khỏi Manhattan. Cuối cùng, họ quyết định đi đến cầu Queensboro để đến nhà của anh trai Bob trên Long Island.
Các làn đường của cầu Queensboro đã bị đóng không cho xe cộ qua lại, vì vậy hàng trăm người đi bộ qua các làn đường này.
“Chúng tôi bắt đầu nghe thấy thêm tiếng ầm ầm khác. Tháp Bắc - tòa tháp mà chúng tôi vừa thoát khỏi - đang tan dần vào đường chân trời". Lúc đó là 10h28.
Đứng ở tầng 20 ở tòa nhà nằm ngay phía nam tòa tháp đôi từ lúc 8h40, Justin Scott gần như chứng kiến toàn bộ sự việc và ban đầu không tin nổi vào mắt mình.
"Khi chiếc máy bay đầu tiên đâm vào tòa nhà, chúng tôi ngỡ rằng nó chỉ lướt qua quá gần và bị khuất sau cấu trúc kia mà thôi. Khi chiếc thứ hai lao đến, chúng tôi dần hiểu ra sự tình. Phản ứng ban đầu của tôi là sợ hãi”.
Thoàn bộ hai tòa tháp của WTC sụp đổ sau khi bị tấn công vào ngày 11/9/2001. Ảnh: AFP. |
“Vụ va chạm thứ hai đã phát ra một tiếng nổ lớn. Nó làm rung chuyển tòa nhà của chúng tôi", Scott kể.
Anh và đồng nghiệp tụm lại trong văn phòng của mình, xem lại vụ việc được chiếu trên TV. Lúc này, họ mới thực sự hiểu chuyện gì đang diễn ra.
“Chúng tôi nơm nớp lo những tòa tháp sẽ sập. Khi chiếc đầu tiên đổ xuống, chúng tôi đang đứng ở cửa sổ. Khói và bụi bao trùm lấy chúng tôi”.
Sau khi tòa tháp thứ hai chịu chung số phận, toàn bộ nhân viên trong tòa nhà mà Scott làm được lệnh rời đi. “Khi chúng tôi bước ra ngoài, tất cả chỉ còn là bụi và mảnh vụn”.