Quảng Ninh: Lễ phạt mộc xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần - Cô Tô

Sáng nay (19/1), Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh) tổ chức lễ phạt mộc xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần trên huyện đảo tiền tiêu Cô Tô.

Đảo Trần thuộc xã Thanh Lân, huyện đảo Cô Tô, tỉnh Quảng Ninh. Đảo có diện tích 4,5 km2, cách đảo Cô Tô lớn 45 km, cách đường phân định biên giới Việt Nam - Trung Quốc trên vịnh Bắc Bộ chưa đầy 10 hải lý và có vị trí chiến lược về an ninh - quốc phòng. Hiện đảo Trần có 16 hộ dân sinh sống. Những năm gần đây, đời sống của người dân trên đảo đã có nhiều cải thiện với các công trình điện lưới quốc gia, hồ chứa nước sinh hoạt, điểm trường, cột cờ... 

 

Đánh giá về ý nghĩa của việc xây dựng một ngôi chùa trên đảo tiền tiêu, nhà nghiên cứu lịch sử Dương Trung Quốc cho biết: "Ngôi chùa này được dựng ở đảo Trần, vùng tiền tiêu của biên ải phía Bắc. Nơi đây không những thoả mãn nhu cầu về tín ngưỡng, tôn giáo của người dân, nhất là người dân vùng biển nơi xa xôi với đất liền, mà đó còn là cột mốc văn hoá, cột mốc chủ quyền của chúng ta. Ngôi chùa có thể không lớn nhưng chắc chắn sẽ có vị thế cực kỳ đặc biệt".

Chùa Trúc Lâm đảo Trần dự kiến có quy mô xây dựng 2,89 ha, gồm các phân khu chức năng như nhà Tam bảo, nhà thờ Tổ, nhà thờ Mẫu, đền thờ Trần Hưng Đạo và các danh tướng thời Trần, chòi vọng cảnh cùng các công trình phụ trợ… Chùa được thiết kế theo lối kiến trúc thời Trần và mang đặc trưng văn hoá đồng bằng Bắc bộ với các loại vật liệu như gỗ lim, đá, gạch nung để chịu được khí hậu biển, gió bão... Tổng mức đầu tư của dự án ước hơn 40 tỷ đồng bằng vốn xã hội hoá.

 

Tại lễ phạt mộc xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần, Thượng toạ Thích Thanh Lịch - Phó Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Quảng Ninh, Trưởng Ban Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam thị xã Quảng Yên được giao nhiệm vụ chủ dự án xây dựng chùa Trúc Lâm đảo Trần cho biết: "Việc xây dựng công trình này được đặt lên hàng đầu và hoàn thành sớm nhất, nhưng phải đảm bảo cả về kỹ thuật, mỹ thuật, mang những đường nét văn hoá của Việt Nam. Công trình sẽ hoàn thành trong vòng 3 năm, đến năm 2025 khi hoàn thành sẽ là công trình chào mừng nhiều sự kiện lớn của đất nước, của dân tộc trong giai đoạn tới"./.