Ra tết và ra giêng

Hôm nay, cúng xong ông Công ông Táo là nghỉ rồi. Hẹn mọi người ra tết ta gặp nhau nhé”; “Mọi việc cuối năm đang quá nhiều thế này thì việc của em chắc ra giêng người ta mới giải quyết”…

ra-tet-va-ra-rieng-1644507129.jpgẢnh internet

 

Người ta vẫn hay nói với nhau những câu đại loại như thế mỗi khi năm hết tết đến hay tết đến xuân về. Ta thấy cả hai tổ hợp (ra tết, ra giêng) có cấu trúc “ra + X” và cấu trúc này mang một nét nghĩa riêng biệt.

Ra, vào, lên, xuống là 4 động từ chuyển động có hướng phổ dụng trong tiếng Việt. Từ điển tiếng Việt (Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020) phân động từ RA thành 10 nét nghĩa, trong đó có nét nghĩa được dùng với cấu trúc “ra + X” này: Dùng chỉ người hay sự vật “qua khỏi một thời gian nào đó, bước sang một đơn vị thời gian mới”. “Thời gian mới” ở đây là “giêng” (tháng giêng) và “tết” (Tết Nguyên Đán). “Khoảng thời gian nào đó” phải “bước qua” là cái mốc đánh dấu hết năm cũ để sang “một đơn vị thời gian mới” là cái Tết dân tộc cổ truyền, là tháng giêng - tháng đầu năm (âm lịch) trong tổng số 12 tháng. Khoảng thời gian này, với mỗi người Việt chúng ta là rất đáng nhớ.

Nhưng chiết đoạn thế nào để định vị chính xác thời gian “tết” và “giêng”?

Khi ai đó nói: “Ra Tết sẽ tính” thì “ra Tết” được hiểu là “ra ngoài phạm vi Tết”. Theo quan niệm dân gian thì sẽ thời gian này sẽ từ 23 tháng chạp đến mồng 10 tháng giêng (âm lịch). Trong khoảng thời gian này, người ta có thể thêm định ngữ “Tết” vào bất kì một ngày nào đó: 23 Tết, 30 Tết, mồng 1 Tết, mồng 10 Tết. Ngày 22, chưa tới ngày cũng ông Công ông Táo (23) dù có tất bật chuẩn bị cho Tết đến mấy nhưng nếu nói “22 Tết” là không ổn. Cũng không ai chấp nhận nếu ai đó nói “11, 12, 13, 14 Tết” hay “15 Tết” (ngày 15 – rằm tháng giêng, sang một cái tết khác: Tết Nguyên Tiêu).

Còn khi ai đó nói: “Ra giêng sẽ tính” thì “ra giêng” được hàm chỉ “trong phạm vi tháng giêng”. Tháng này sẽ có 30 ngày (hoặc 29 ngày, nếu tháng thiếu). Như vậy, phải chăng thời gian của tổ hợp “ra giêng” dài hơn “ra Tết”? Cũng chưa hẳn thế, thời gian “ngoài Tết” có thể rất rộng. Chẳng hạn, nếu ai nói: “Việc ấy cuối tháng chạp này thế là không lo được rồi. Thôi ta đành phải lên kế hoạch ra ngoài Tết vậy” thì thời gian “ngoài Tết” có thể qua tháng giêng, kéo tiếp sang tháng hai và tháng ba cũng nên. Chắc nhiều người còn nhớ vở hài kịch “Ra giêng anh cưới em” có những câu: “Em ơi anh vẫn chờ/ Hữu duyên mà thiên lí ngộ/ Như đôi chim sổ lồng/ Ruộng sạ anh gieo chín vàng bìm bịp nó kêu nước lên/ Ra giêng anh cưới em”. “Ra giêng anh cưới em” đó là lời hứa, lời ước hẹn. Nếu người nào đó nói như vậy thì chuyện cưới xin kia phải thực hiện “trong phạm vi tháng giêng” mới đúng lời hứa. Cũng như ai đó nói “Ra giêng tôi trả nợ”, “Ra giêng sẽ cất nhà” thì những sự tình này phải diễn ra trong tháng giêng (chứ không thể “lân” sang tháng nào khác).

Tiếng Việt có cặp trái nghĩa “trong/ ngoài”. Trong là “phía sau, so với phía trước, theo một trục định vị được coi là trung tâm”. Ngoài là “phía trước, so với phía sau”. Các cặp “trong Tết/ ngoài Tết”, “trong năm/ ngoài năm” cũng được hình thành từ nét nghĩa đối lập “trong/ ngoài” đó. “Ra Tết” tức là “ngoài Tết” (đối lập với “trong Tết”). Nhưng “ra giêng” (ngoài giêng) lại không có “trong giêng”. Cũng bởi khoảng thời gian của Tết bao trùm lên cả năm cũ và năm mới, trong khi tháng giêng đứng “độc lập” không liên kết.

Ra giêng và ra Tết

Cứ tưởng là giống nhau

Nhưng nhẩn nha đối chiếu

Ra Tết lại đi sau.

---

Đọc thêm những thông tin mới nhất về văn hóa nông nghiệp, phát triển nông thôn và tình hình kinh tế, xã hội, văn học nghệ thuật trên Tạp chí điện tử Nông thôn và Phát triển - https://nongthonvaphattrien.vn/