Rét ngọt và gió đắng

Hà Nội vào khuya, phố xá bớt người hơn. Đường dọc sông Kim Ngưu im ắng dần. Chính lúc này tôi mới thấm thía hết cái rét mùa đông - “đặc sản” của Hà Thành: RÉT NGỌT.

ret-ngot-1640703067.jpgMùa đông ở Hà Nội làm ta buốt giá. Ảnh internet

 

27-12-2021, thứ hai cuối cùng, tuần cuối cùng của năm 2021. Năm của “ba số hai” (2022) đang đến rất gần.

22h, tôi lại tiếp tục hành trình đi bộ giữa đêm khuya. Trời hôm nay rất lạnh. Có lẽ là ngày lạnh nhất từ đầu mùa đông đến giờ.

Hà Nội vào khuya, phố xá bớt người hơn. Đường dọc sông Kim Ngưu im ắng dần. Chính lúc này tôi mới thấm thía hết cái rét mùa đông - “đặc sản” của Hà Thành: RÉT NGỌT.

Phải thế nào thì dân gian mới ghép tính từ "ngọt" (một vị rất chi là hấp dẫn: ngọt như đường, ngọt như mía lùi) thành từ "rét ngọt" chứ nhỉ? Rét ngọt chắc là hấp dẫn đây.

Chả hấp dẫn gì hết. Rét ngọt là “rét đậm và khô”. Gió bấc thổi không mạnh, nhẹ nhàng. Nhưng cái rét cứ len lỏi, như thấm sâu vào cơ thể. Dù đã mặc thêm một cái áo sợi mới sắm, đeo khẩu trang khá dày, tôi có lúc phải rùng mình vì cái lạnh. Ngày còn học phổ thông, áo ấm duy nhất của tôi là chiếc áo bộ đội gabadin đã cũ, mặc thêm ở ngoài. Mình diện áo lính (ông anh để lại), lưng đeo xắc cốt, chân đạp xe Thiếu nhi Liên Xô, tôi đi học Trường Huyện (Cấp 3 Ý Yên, Nam Định) cách nhà chừng 9km. Bây giờ 9km là bình thường, nhưng lúc đó đường xấu, sáng tinh sương qua những cánh đồng trống trải, quần áo phong phanh trong gió lạnh thì cái xa kia lại xa thêm bội phần.

Đi giữa phố phường trong rét ngọt, mới thấy một hàng phở đêm với nồi nước dùng bốc khói nghi ngút (lố nhố người ăn và người bán dưới đèn) hay qua một quán nước chè nóng vỉa hè, hay qua một hàng sắn luộc, mới thấy hết cái hấp dẫn “ấm cúng, phồn thực và đáng yêu” của phố xá mùa đông. Nhưng đang mùa covid, quán đóng cửa hết thảy. Lạnh. Ngay cả những câu thơ định viết cho “các nàng” cũng nguội lạnh mất rồi.

Những lúc đi ngược gió về phía Lò Đúc, tôi nhớ đến câu thơ của Phạm Tiến Duật (trong bài “Tiểu đội xe không kính”): NHÌN THẤY GIÓ VÀO XOA MẮT ĐẮNG.

Làm sao mà “nhìn” được gió? “Gió có vị đắng” hay “gió vào xoa” làm cho “mắt như có vị đắng” nhỉ? Tôi đã băn khoăn mấy câu hỏi này lâu lắm rồi, từ khi đọc bài thơ trên (đã đoạt giải cuộc thi thơ báo Văn Nghệ, 1970) và lần đầu in trong tập “Thơ – Một chặng đường” (1971). Bao lần đi trên đường, đi xe máy hay đi bộ như đêm nay, gió cũng nhiều lần thổi vào mắt tôi. Và nếu mưa thì có cả nước mưa chảy tràn khuôn mặt, trong đó có mắt. Phải dừng lại để lau cho nhìn rõ đường đi (và nước khỏi ướt cằm, ướt áo). Lúc ấy, tôi chỉ thấy mắt mắt nhòe mờ, hơi cay cay chứ không thấy đắng chút nào.

Tuy nhiên, “gió vào xoa mắt đắng” không phải là một kết hợp vô lí. Cũng bởi khi đọc lên, không chỉ tôi, mọi người đều cảm thấy lạ và hay. Bởi câu thơ này nằm trong khổ thơ mà mỗi dòng thơ là một phát hiện “nho nhỏ nhưng rất chí lí” của chiến sĩ lái xe – nhà thơ Phạm Tiến Duật:

Nhìn thấy gió vào xoa mắt đắng

Nhìn thấy con đường chạy thẳng vào tim

Thấy sao trời và đột ngột cánh chim

Như sa, như ùa vào buồng lái.

Suy nghĩ miên man, nhìn đồng hồ đã quá 23h đêm. Người ta đã tắt bớt một số đèn đường. Giật mình khi nghĩ Hà Nội đang “giới nghiêm”, hạn chế đi lại mà mình vẫn ung dung “bát phố”. Tôi rảo bước đi nhanh về phía Yên Lạc. Thành phố bắt đầu chìm vào giấc ngủ. Có lẽ chẳng ai biết, đang có một người vẫn tiếp tục cuộc “trải nghiệm” giữa trời rét ngọt, xem “gió đắng” là gió thế nào.