Số là mới đây, khi gọi bảo tôi gửi về một ít tương khìa, giọng mẹ hào hứng rất lạ: “Mấy hôm nay, mỗi ngày mẹ nấu một món khác nhau, ba với ông nội ăn quá trời”. Mẹ không nhận ra trước giờ mẹ vẫn nấu ít nhất mấy món khác nhau mỗi ngày. Có điều mãi gần đây mẹ mới hứng thú với chuyện nấu ăn. Mẹ còn không (chưa) nhận ra điều đó.
Tất nhiên không phải lúc nào tôi cũng vào bếp với tâm trạng tốt. Tôi cũng không phải luôn vào bếp như ra trận nhưng tôi có thể quyết định không vào bếp nếu không có tâm trạng. Mẹ tôi không được như vậy. Có lần, khi viết một bài luận về gia đình, tôi có thể viết ngay ba tôi thích khổ qua nhồi thịt, bánh tét, thịt kho tàu, cá đồng… - cả một danh sách dài các món mẹ thường nấu cho ba hoặc thường dặn tôi mua mỗi lần đi chợ. Vậy nhưng mẹ thích món gì thì tôi nghĩ mãi không ra. Ngay cả khi gọi mẹ để hỏi, tôi vẫn không có câu trả lời vì mẹ cũng không biết mình thích gì. Quá quen với việc món ngon nhất mẹ để dành cho con, cho chồng, tôi cũng dần xem đó là việc đương nhiên.
Tôi lớn lên, có gia đình rồi bận rộn với món ngon của chồng, món ngon của con. Món ăn yêu thích của mẹ chưa kịp thành hình trong tôi đã nhanh chóng tan biến. Những cuộc gọi của mẹ cứ gặp trở ngại bởi khi thì tôi đang nấu ăn, khi thì đang ngoài đường, khi thì đang bận tay… Thỉnh thoảng “vồ” được tôi, mẹ lại than đau nhức, mỏi mệt, 60 tuổi còn phải làm dâu… Tôi cũng không còn sức lực để nghe mẹ, chỉ có thể an ủi vài câu, dặn dò vài câu… kiểu như: “Thôi, ông nội con còn được bao nhiêu năm nữa đâu. Mẹ ráng nha! Người già nằm một chỗ còn cực con cháu hơn nhiều…”. Đột nhiên tôi nhận ra mình chưa bao giờ thực sự cảm nhận được nỗi mệt mỏi của mẹ. Tôi chỉ là kẻ “nói cho qua chuyện”. Tôi chưa bao giờ có thể nói một lời tử tế với mẹ, ít ra là thừa nhận cảm xúc của mẹ: “Đúng là 60 tuổi đầu mà còn làm dâu, thật không phải chuyện dễ dàng”. Dù là mẹ của bốn đứa con, dù mang vác trách nhiệm và gánh nặng giỏi đến đâu, mẹ cũng cần sự cảm thông với nỗi mệt mỏi của mình. Tuy nhiên, tôi cũng chỉ thấy nỗi mệt mỏi của bản thân mà không thấy nhọc nhằn của người khác, kể cả mẹ. Có lẽ mẹ cũng chẳng còn hơi sức để quan tâm đến việc mình có được công nhận hay không, nhưng hẳn cái mệt dai dẳng trong lòng mẹ là có thật. Vậy mà tôi cứ liên tục từ chối nó. Đến một ngày, có lẽ đã chịu hết xiết, mẹ “bàn giao” ông nội cho các cô, “xin” nghỉ phép vài ngày đi thăm con.
Thường từ quê vào, mẹ sẽ lỉnh kỉnh nào bánh nào thịt nào cá, cả mấy cọng rau vườn cũng tìm cách nhét vào. Thùng còn chỗ là mẹ còn tìm ra đồ để nhét. Vậy mà lần này mẹ chỉ mang đúng mấy bộ đồ. Không giống mẹ lắm. Chừng như sợ đám con thất vọng, mẹ nói: “Trời lạnh, mấy cái khớp đau lắm, mẹ không mang nặng được. Mọi hôm, vừa vô buổi sáng, mẹ đã hỏi trưa ăn gì rồi lê đôi chân đau khớp ra đầu ngõ mua đồ chuẩn bị cho bữa trưa. Chuyến này vô thăm con, mẹ cứ ngủ li bì”. Tôi gọi mẹ dậy ăn cơm, mẹ nửa đùa nửa thật: “Chỉ có vô thăm con mẹ mới được phục vụ: được ngủ bao nhiêu tùy thích, cơm bưng nước rót, còn được tặng mấy cú bóp lưng, bóp chân… Ở ngoài kia, bệnh không ngóc đầu lên nổi, mẹ cũng phải tự mò dậy nấu miếng cháo ăn, chớ không thì chết đói”. Tôi nghẹn giọng nhưng vẫn nhắc mẹ chuyến này về ít nhất cũng hướng dẫn cho ba cách nấu một nồi cháo, phòng những ngày mẹ bệnh hoặc mưa bão không thể đi mua. Sẵn dịp, tôi cũng bồi luôn: “Mai mốt nếu mẹ mệt thì cứ nói, chẳng lẽ mọi người vẫn bắt mẹ xuống nấu ăn? Tới giờ ăn, mẹ cứ ngồi xuống cùng ăn với cả nhà. Sao mẹ cứ phải làm lăng xăng hết cái này đến cái khác? Mọi người cũng có vui đâu khi mẹ cứ làm như thể cả nhà bạo hành mẹ. Mẹ cứ nghĩ là mẹ hy sinh, mẹ cứ nghĩ mình đang làm điều đúng đắn, nhưng thật ra mẹ có vui đâu. Mẹ không vui thì làm sao cả nhà vui được. Vì vậy, mẹ hãy làm những gì mẹ thấy thoải mái nếu chưa thể làm điều mình vui”. Thật ra tôi còn muốn nói nhiều hơn, nhưng rồi tôi dừng lại vì thấy mẹ đã rơi nước mắt.
Có lẽ tôi không hiểu hết ý nghĩa của những giọt nước mắt ấy. Có thể mẹ vẫn chưa đặt những gánh nặng trên vai mình xuống nhưng có vẻ như mẹ đã lựa chọn sự thoải mái, ít ra là trong bữa cơm hằng ngày.
Theo Chuyện quê