Sóng gió đã qua

Sóng gió đã qua rồi, chỉ cần gia đình mình hạnh phúc, các con khôn lớn trưởng thành là cha mãn nguyện lắm rồi.

1-song-gio-da-qua-1638352005.jpg 

 

Cha tôi sinh ra trong một gia đình thuần nông ở miền quê đầy nắng, gió và cát. Cái rẻo đất miền Trung nhỏ hẹp gầy gò ấy năm nào cũng xảy ra thiên tai, mất mùa dẫu mọi người làm việc quần quật suốt ngày đêm mà vẫn đói.

Ông tôi mất trong một lần làm đất do cuốc phải quả mìn còn sót lại trong chiến tranh. Ông mất khi còn rất trẻ, mới ngoài ba mươi tuổi, để lại cho bà một đàn 5 đứa con trai nheo nhóc. Bà khóc hết nước mắt, ngất lên ngất xuống, nằm liệt giường mấy ngày liền trước mất mát quá lớn.

Cuộc sống vốn đã khó khăn giờ lại càng khó khăn hơn khi người trụ cột không còn. Bà sức khỏe không được tốt. Bà bị bệnh suyễn nên mỗi khi làm việc nặng hay trái gió trở trời là khò khè khó thở, mệt nhọc đến tím tái cả người. Các bác tôi thương mẹ đau ốm, vất vả nên đều nghỉ học phụ giúp bà công việc đồng áng, làm thuê làm mướn nuôi em ăn học đến nơi đến chốn. Cha tôi là con út nên được ưu tiên. Vả lại thể trạng của cha gầy còm ốm yếu như cầy sậy nên “Cho mi đi học để sau này đỡ vất vả, chứ yếu như mi mô làm được việc nặng”.

Ngày hè. Ông cậu tôi ở thành phố ra thăm quê. Thấy gia cảnh nhà khó khăn nên xin phép bà đưa cha tôi vào nuôi và xin việc làm. Ông cậu làm lãnh đạo một cơ quan của tỉnh nên xin cho cha vào làm lái xe ở cơ quan để có cậu có cháu.

Cha ở tập thể cơ quan chứ không ở nhà ông cậu. Buổi tối cha bán nước mía ép, bơm quẹt gas, bơm hơi xe... kiếm thêm thu nhập. Cha chi tiêu tiết kiệm nên cũng để dành được số tiền mua đất nhưng vì chưa có hộ khẩu nên phải nhờ bà mợ đứng tên giùm. Khi mua đất cha hứa sau này sẽ cho cậu Hoàng - con ông cậu bà mợ - một thổ để làm nhà.

Cha làm căn nhà tạm trên miếng đất mình đã mua. Để hợp thức hóa đất, cha lên địa chính thành phố xin được sang tên thì ngã ngửa người khi biết miếng đất mình mua đã được mang tên người khác. Thì ra, sau khi bà mợ mất, ông cậu đã âm thầm sang tên cho cậu Hoàng mà cha không hề hay biết. Miếng đất đó nằm ngay trên đường chính của trung tâm thành phố nên rất có giá, tính theo thời giá bấy giờ là bạc tỉ. Chính vì thế mà ông cậu nổi lòng tham tước đoạt mồ hôi công sức của cháu.

Thất thế, cha chỉ xin 82m2 đất đang ở nhưng cũng không được chấp nhận. Ông cậu bảo: “Miếng đất đó mợ mày mua nên thằng Hoàng hưởng thừa kế, tao sẽ cho mày đăng ký mua miếng đất khác trong kênh ông Kiểm theo diện của cơ quan dành cho những người có hoàn cảnh khó khăn”. Nhưng miếng đất đó làm sao giá trị và thuận lợi như miếng đất trên đường trục chính thành phố được chứ! Vả lại miếng đất mà ông cậu hứa vẫn chỉ nằm trên giấy, trên kế hoạch mà không biết đến bao giờ mới thành hiện thực. Thật là trắng trợn. Chẳng lẽ tình máu mủ ruột rà không bằng chén nước lã?

Cha tôi mất việc làm, người già sọm hẳn đi, lầm lũi và ít nói. Cha không phải là người nhu nhược, cũng không phải là người yếu đuối mà không đấu tranh đòi lại quyền lợi của mình. Cha thân cô thế cô nên chẳng thể nào xoay chuyển được tình thế, mặc dù cơ quan ngôn luận đã lên tiếng nhưng cũng không thay đổi được sự thật.

Nhưng quan trọng hơn vẫn là lòng người. Nếu như lòng người nhân ái thì sẽ chẳng bao giờ làm những điều trái với lương tâm mình. Nhưng ở đây lại khác, lòng tham đã che khuất chữ “nhân” nên cha tôi trở thành người trắng tay. Mẹ tôi khóc hết nước mắt, âu sầu, ủ rũ không luồng sinh khí. Nhiều lúc mẹ muốn đấu khẩu với ông cậu cho hả cơn giận nhưng cha ngăn lại: “Mình là con cháu, không được thất lễ với người lớn”. Cha bao giờ cũng vậy, có trước có sau. Còn tôi, tôi căm hận ông cậu vì ông đã nhẫn tâm đẩy gia đình tôi vào cảnh khốn khó, lấy sơn quét lên tường dòng chữ "Hận đến suốt đời" để khi gia đình tôi bị buộc chuyển đi, ông cậu nhìn thấy mà xấu hổ mà thay đổi suy nghĩ của mình chăng, nhưng cha tôi đã lấy sơn quét đi vì như thế là không tốt.

Ngày cưỡng chế có đủ các cơ quan ban ngành. Công an vây kín các ngõ không cho mọi người vào. Cha mẹ tôi bị công an kèm chặt đưa đi nơi khác vì sợ cả hai quẫn trí làm liều. Mà cũng có thể như thế lắm chứ! Lúc ấy sự việc sẽ nghiêm trọng hơn. Ông cậu đã tính toán tất cả, rất chặt chẽ.

Hôm ấy trời mưa, đồ đạc trong nhà bị khiêng ra ngoài, vất lăn lóc trên vỉa hè ướt nhẹp. Chiếc xe cạp đất vươn cánh tay dài ngoẵng cạp từng mảng tường đổ xuống. Chỉ một vài cái ngoạm ngôi nhà thân thương đã thành bình địa. Mẹ tôi quằn quại khóc, ngất phải chở vào bệnh viện cấp cứu, mẹ bị bệnh tim không chịu được xúc động mạnh. Bỏ mặc mọi thứ , cha vào bệnh viện chăm mẹ. Lúc về, đồ đạc đã được dọn vào sân nhà một bác sĩ gần nhà, được che phủ cẩn thận. Thông cảm hoàn cảnh gia đình tôi, bác sĩ đã cho gia đình tôi tá túc đến lúc nào cũng được. Sau một thời gian ổn định, gia đình tôi xin phép dọn ra nhà trọ để tiện công việc làm ăn. Cha tôi đã có việc làm mới, đó là công việc bảo vệ cho nhà sách của thành phố, còn mẹ làm tạp vụ cho khách sạn Hương Biển nên cuộc sống cũng đỡ khó khăn hơn.

Gia đình ông cậu thời gian không lâu thì suy sụp. Ông có hai người con trai thì một người chết vì bệnh nan y. Đó là hậu quả của những tháng ngày ăn chơi trác táng, một người thì nghiện hút nặng mang trong mình căn bệnh thế kỷ mà cả thế giới phải khiếp sợ. Thật là đau đớn, xót xa. Quãng đời còn lại của ông luôn sống trong sự dày vò, cô độc. Có lẽ đó là quả báo chăng?

Gia đình tôi đã khá hơn, không còn phải ở nhà trọ nữa vì cha mẹ đã mua một căn hộ trong khu dân cư dành cho người có thu nhập thấp. Tôi cũng đã ra trường đi làm. Em tôi đã vào đại học. Đôi khi em hỏi chuyện ngày xưa, cha bảo: “Sóng gió đã qua rồi, chỉ cần gia đình mình hạnh phúc, các con khôn lớn trưởng thành là cha mãn nguyện lắm rồi”.

Ánh mắt cha lấp lánh niềm vui.