Ngôi chùa cổ Phước Linh được hình thành từ năm 1843, trải qua gần 200 năm tồn tại, Phước Linh cổ tự tĩnh mịch trang nghiêm nay có thêm tiếng trẻ bi bô nô đùa, tiếng trẻ sơ sinh khóc đòi sữa mẹ hoà lần với tiếng chuông chùa, tiếng tụng kinh của quý Thầy cứ như một bức tranh tương phản giữa hai cuộc sống Đạo và Đời cùng hoà quện. Chùa đã trở thành mái ấm cho những đứa trẻ bất hạnh. Các em có chung một nỗi đau là bị chính cha mẹ ruột bỏ rơi, mồ côi cả cha lẫn mẹ nhưng lại được nuôi dưỡng trong tình yêu thương nơi cửa Phật. Các em đón nhận tình thương của “người cha” chưa một lần làm cha…và sự yêu thương của “người mẹ” là những người phụ nữ tình nguyện đến làm công quả tại chùa.
Tháng 04/2019, khi vừa lọt lòng, bé Khánh Dự đã bị mẹ để trước cổng chùa rồi lặng lẽ bỏ đi. Thấy đứa trẻ tội nghiệp, bất hạnh khi phải rời xa hơi ấm của cha mẹ từ lúc mới chào đời, nay con đến cửa Phật đó là một nhân duyên nên Đại đức Thích Nguyên Tâm – Trụ trì chùa Phước Linh (xã Tam Phước, huyện Long Điền, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) quyết định giữ lại để chăm bẵm và nuôi dưỡng bé.
Cũng từ nhân duyên đó, tháng 10/2019, Thầy đã chính thức xin với chính quyền địa phương là UBND xã Tam Phước cho phép nhận nuôi các cháu bị bỏ rơi, mồ côi cả cha lẫn mẹ…và mái ấm chùa Phước Linh ra đời. Hơn 2 năm qua, người này truyền người kia, đến nay Thầy đã đón nhận chăm bẵm và nuôi thêm 5 cháu nhỏ nữa với tình yêu thương vô bờ bến. Các bé đến nương tựa tại chùa không trường hợp nào giống trường hợp nào. Có bé bỗng dưng xuất hiện ở cổng chùa, hoặc bị mẹ đưa đến để ở chân tượng Phật,có bé thì cả cha và mẹ đều đã mất trong đại dịch COVID-19…Điều đặc biệt là các bé đến cửa chùa đều từ khi mới lọt lòng. Trong 6 bé hiện đang được nuôi dưỡng tại chùa bé lớn nhất 26 tháng tuổi và bé nhỏ nhất là gần 1 tháng tuổi. Tất cả, qua vòng tay yêu thương, bao bọc của vị trụ trì hiện từng ngày lớn lên khỏe mạnh, ngoan ngoãn.
Thương tâm nhất có lẽ là 2 bé Khánh Uyển và Khánh Duy mồ côi cả cha lẫn mẹ mới mới được Thầy nhận nuôi. Cha mẹ 2 bé đều đã mất vì kẻ thù vô hình trong đại dịch COVID-19. Có thể nói đây là nỗi đau tột cùng khi cha mẹ không còn trên đời nhưng các em còn quá nhỏ để cảm nhận được điều đó.Thương phận mồ côi bởi các con còn nhỏ quá, Thầy đã kết nối với người thân của các bé, đồng thời làm việc với chính quyền địa phương hoàn tất các thủ tục để đón các bé về chùa nuôi dưỡng. Hoàn cảnh 2 em thật xót xa, bé nhỏ khi Thầy đón về chùa em mới được 3 tuần tuổi, bé lớn 9 tháng tuổi. Mỗi lần pha sữa cho con là mỗi lần Thầy không cầm được nước mắt bởi vì quá đau lòng, Thầy phát nguyện sẽ là điểm tựa tinh thần và nuôi nấng các em ăn học cho đến khi trưởng thành.
Những ngày đầu nhận nuôi các con số lượng còn ít, một mình Thầy Nguyên Tâm chăm sóc, nuôi dạy. Nhưng nay các bé về chùa tăng, một mình Thầy không thể chăm sóc nổi, mặc dù cũng có một số Phật tử những lúc rỗi rãi thường chạy sang tình nguyện trông nom các con. Nhưng để đảm bảo cho việc nuôi dưỡng vì các con còn quá bé, Thầy đã thuê thêm bảo mẫu về chăm sóc từ ăn uống vệ sinh, vui chơi cho các bé.
Nhìn bé Khánh Dự 26 tháng tuổi, kháu khỉnh, đôi mắt tinh anh, có ai ngờ vào một buổi sáng sớm cách đây hơn hai năm, em bị bỏ lại trước cổng chùa khi còn đỏ hỏn. Do chỉ được bao bọc sơ sài trong một tấm khăn mỏng, phơi mình dưới màn sương lạnh ngắt, cơ thể yếu ớt, Thầy đã phải tất tả ngược xuôi đưa em lên bệnh viện Nhi Đồng để chữa chạy.
Hay như trường hợp của bé Khánh Dung 16 tháng tuổi đang tinh nghịch hồn nhiên và rất thường xuyên cắn bạn. Lòng không dấu nghẹn ngào, chua xót: “Mẹ bé Khánh Dung làm ở công ty xuất nhập khẩu, cha mẹ chết sớm phải bươn chải nuôi các em nhỏ. Và tình yêu đến với chị khi gặp bạn trai người nước ngoài. Mong muốn vợ và con có cuộc sống đủ đầy, Anh đã về nước để hoàn tất các thủ tục đón mẹ con chị sang (lúc đó chị đang mang thai bé Khánh Dung). Nhưng do mắc bệnh hiểm nghèo, anh đã bỏ mẹ con chị ra đi mãi mãi. Quá đau lòng và thương nhớ anh, chị gắng gượng sống để sinh ra bé Khánh Dung và rồi chị cũng theo anh khi bé trào đời chưa được 10 phút”. Đại đức Nguyên Tâm bồi hồi nhớ lại.
Trường hợp bé Khánh Uyển mới 9 tháng tuổi, ba mẹ bé từ Cà Mau đến Bà Rịa để lập nghiệp. Và rồi kẻ thù vô hình COVID ập đến đã cướp đi mạng sống của ba mẹ bé. Chỉ trong một tháng, bé trở thành trẻ mồ côi. Thương bé vô cùng vì em mồ côi cả cha lần mẹ và còn bị viêm da dị ứng nữa. Toàn thân bé bị lở loét, nhiều khi vết thương rỉ máu, nhiễm trùng đau đớn. Hiện tại, Thầy cũng đã đưa con đi lên TP. Hồ Chí Minh để thăm khám, chữa chạy, thuốc thang theo chỉ dẫn của bác sĩ, các vết thương cũng đã khô lại, mong rằng bệnh của con sớm được chữa khỏi.
Có nuôi trẻ mới thấy được những vất vả, cực nhọc, vậy mà một tay Thầy quán xuyến nuôi một lúc 6 trẻ nhỏ. Mỗi ngày bất kể từ sáng sớm hay tối khuya, Thầy và bảo mẫu đều pha sữa cho các bé uống. Bé uống sữa, bé ăn dặm…Mỗi khi cho ăn, Thầy và bảo mẫu lại trở thành diễn viên bất đắc dĩ khi hát, múa mặt cười, mặt dữ để cố gắng cho được từng muỗng bột, muỗng sữa vào miệng các con.
Để chuẩn bị những kiến thức cơ bản về chăm trẻ nhỏ, ngoài việc hỏi kinh nghiệm những Phật tử đã từng làm mẹ, Thầy con thường xuyên lên Youtube để học. Vậy mà khi những hình huống nửa đêm các bé sốt cao, co giật… Thầy cũng không tránh khỏi bối rối. Lâu thành quen, giờ đây hình ảnh tay ẵm, chân chạy, nhanh chóng đưa bé đến bệnh viện, hay cắt cử thay nhau nuôi bé bị bệnh nặng giờ không còn xa lạ nữa. “Sống ở gần chùa được chứng kiến đức từ bi của Thầy mà khâm phục. Để nuôi nấng được các cháu, Thầy như là người đàn bà đông con, lúc nào cũng tất tưởi, lo toan, chăm cho con từ miếng ăn giấc ngủ" Phật tử Nguyễn Thị Kiều chia sẻ.
Sau quãng thời gian nhận nuôi những trẻ em bị bố mẹ bỏ rơi, mồ côi, Đại đức Thích Nguyên Tâm nhận ra rằng, càng ngày càng có nhiều trẻ em bị bỏ, bị mất đi tình yêu thương của cha mẹ. Và nỗi đau đáu khiến Thầy nghĩ đến việc phải cứu những đứa trẻ mồ côi sớm đã thiếu đi tình thương. Những lo toan vất vả chăm sóc trẻ sơ sinh, những ngày ngược xuôi ra vào bệnh viện khi bọn trẻ ốm đau sẽ còn tiếp diễn. Nhưng khi được hỏi nuôi lũ trẻ có bao giờ thầy cảm thấy mệt và nản không?Nụ cười hiền hậu, ánh mắt ấp áp Thầy chia sẻ: "Vất vả thì cũng có rất nhiều vất vả, nhưng chỉ cần được nhìn thấy bọn trẻ lớn lên bên nhau mỗi ngày là Thầy không thấy mệt”. Thầy Nguyên Tâm cho biết nhà chùa cũng đang hoàn tất hồ sơ xin phép các ngành chức năng mở rộng để có thể tiếp nhận thêm các bé bị bỏ rơi nuôi dưỡng, bao bọc cho các bé đến khi đủ tuổi sẽ cho các em học văn hóa để lớn lên trở thành những công dân tốt cho xã hội.
Hiện nay, để duy trì và nuôi dưỡng các bé, Thầy phải chắt chiu từng đồng từ khoản tiền ít ỏi của các Phật tử cúng dường để mua sữa, tả, bỉm, thức ăn… "Nhiều lúc các con quấy khóc cũng rất mệt mỏi, căng thẳng nhưng cũng phải cố gắng gượng. Và nhất khi các con vui vẻ chơi đùa cùng nhau, thấy các con nở nụ cười mọi mệt mỏi lại tan biến. Tấm lòng của Thầy Nguyên Tâm dành cho các bé đã làm lay động trái tin của nhiều Phật tử, để rồi nhiều người đã tình nguyện đến chùa để cùng hỗ trợ thầy chăm sóc các bé. Để các bé có được cuộc sống tốt đẹp hơn, rất mong các nhà hảo tâm, nhóm thiện nguyện cùng chung tay đồng hành cùng với mái ấm Phước Linh. Mọi sự phát tâm, ủng hộ quý vị có thể liên hệ trực tiếp với Thầy Thích Nguyên Tâm qua số điện thoại: 0949495599 để Thầy có thêm điều kiện chăm sóc các con được tốt hơn.
Nhật Lệ