Tết này, chúng con vẫn sẽ về bên mẹ

"Tết này các con đừng về"! Mẹ tôi run rẩy nói qua điện thoại. "Họ đến nhà vận động mẹ. Thôi mấy anh em cứ ăn Tết trong đó, mẹ ở một mình quen rồi, mấy ngày Tết cũng sẽ trôi qua nhanh thôi..." - Mẹ tôi như nghẹn đi vì nước mắt rồi cúp máy!

me-gia-1641633242.jpg 

 

 

Nghe những lời dằn lòng của mẹ, mà thấy đau xót quá! Tục ngữ có câu: "Trẻ cậy cha, già cậy con", cha thì mất sớm, mẹ ở vậy nuôi chúng con khôn lớn thành người. Lúc chúng con trưởng thành, cũng là lúc lưng mẹ đã còng vì một nắng, hai sương vất vả. Thế mà, khi đủ lông, đủ cánh, vì miếng cơm manh áo, vì ruộng đồng không đủ nuôi chúng con hai bữa cơm no, chúng con đã bỏ mẹ lại trong căn nhà trống trải ở quê để vào miền nam mưu sinh kiếm sống. Chúng con thật bất hiếu phải không? Lúc mẹ trái nắng trở trời, ngọn đèn le lói trước gió đông lạnh giá, mẹ chẳng có ai chăm sóc. Lúc mẹ cần một sức vóc đàn ông trai tráng để làm những việc nặng nhọc trong nhà, thì những thằng con trai to khỏe của mẹ lại đi mãi chưa về... Suốt đời này, kiếp này, chúng con không thể trả được công ơn sinh thành, nuôi dạy của mẹ.  Mỗi khi chúng con áy náy và lo lắng, mẹ vẫn nói: "Cuộc đời là kiếp đồng lần", "Một mẹ nuôi được mười con, nhưng mười con không nuôi được một mẹ". Mẹ an ủi để chúng con khỏi day dứt, mẹ chấp nhận sự cô đơn để chúng con có tương lai no đủ!

Quê hương là để trở về, chẳng có lý lẽ nào có thể ngăn cản được chúng con trở về bên mẹ.

Chẳng phải mỗi khi cây đào trong vườn nhà chúm chím những bông hoa đầu tiên, mẹ đã khấp khoải, mẹ đã chờ mong chúng con trở về nhà? Chẳng phải đàn gà chạy bộ tự tay mẹ chăm bẵm; con lợn cọc mẹ nuôi riêng một góc cũng để đợi chúng con về có thực phẩm tươi ngon mà ăn trong ngày Tết...

Đằng đẵng suốt cả năm trời, mẹ sống trong cô đơn hưu quạnh, bên ngôi nhà lạnh lẽo vắng bóng người, cũng chỉ để đợi chờ giờ phút sum vầy bên những đứa con  xa! Dù chúng con có khôn lớn, có trưởng thành, nhưng bên mẹ, chúng con vẫn là những đứa trẻ vụng dại ngày nào. Dù chúng con có mạnh khỏe, có tràn đầy nhựa sống, nhưng vẫn muốn được hòa quyện vào cơ thể gầy gò, nhăn nheo của mẹ để đón nhận sự nồng ấm của tình mẫu tử!

Xa mẹ, chúng con mới nhận ra rằng, chúng con trở về không chỉ vì mẹ, mà vì chính chúng con. Chúng con cần có mẹ là chỗ dựa tinh thần! Chúng con cần có mẹ để gắn kết tình cảm anh em ruột thịt! Mẹ cũng chính là quê hương, là gạch nối tình cảm cội nguồn, dòng tộc...

Những người đưa ra cái "khuyến cáo"  đó, nên đặt lòng mình vào tâm tư, tình cảm của những người con tha phương cầu thực;  nỗi lòng của những bà mẹ ngóng chờ con suốt 360 ngày trong năm, để có một ngày xuân thực sự. Nhà nước đã có chủ trương sống chung với dịch bệnh; đâu đâu cũng có dịch bệnh hoành hành, nhưng dịch bệnh đều nằm trong tầm kiểm soát của Nhà nước. Vậy có cần thiết phải khuyến cáo như vậy để gây hiểu lầm hay không. Và những bà mẹ nông dân kia có hiểu được những ẩn ý đằng sau một văn bản như vậy hay không?

Mẹ ơi, dù thế nào chúng con cũng sẽ trở về bên mẹ! Dù chỉ là ít ngày thôi, để rồi lại ra đi mà để lại nỗi hụt hẫng chờ mong cho mẹ. Dù cũng chẳng đỡ đần gì được mẹ. Nhưng chúng con sẽ phải về. Về để mang mùa xuân cho mẹ! Vì đời người chẳng biết thế nào, mẹ đã già, và mùa xuân chỉ còn đếm từng mùa thôi mẹ nhỉ...?!

 

 

Theo Chuyện làng quê