Tết xưa và nay

Tản mạn chuyện Tết xưa và nay cho người lớn thì hồi tưởng, trẻ con thì hình dung!

tet-xua-1643445803.jpgẢnh minh họa

 

Âu cũng vì nay đã Hăm Tư – tháng Chạp âm lịch. Cơm tối xong nhấp chén chè chát ngồi ngẩn ngơ hoài niệm… về Tết xưa.

Nhắc đến chữ Tết hẳn những người giờ sắp thành ông/bà ngoại mới cảm hết được cái hương vị nồng nàn và những hình ảnh lung linh như thế nào. Tôi cũng chỉ được sinh ra vào cuối thập niên 8X nhưng cũng may mắn được tận hưởng những cái Tết đoàn viên ấm áp ở những vùng quê bình dị như thế.

Trước tiên phải nhắc tới lớp đối tượng trẻ con. Với bọn trẻ con thời đó thì Tết là tất cả những gì tuyệt vời nhất mà tâm hồn trong sáng của chúng chờ đợi.

Tết được nghỉ học này, được ăn nhiều bánh kẹo này, được đi chơi, may quần áo mới, và đặc biệt là có “xiền” thứ xa xỉ nhất mà bọn trẻ con thời bấy giờ 1 năm chỉ được “sờ” nhiều lần vào dịp này. Ở quê tôi sẽ có vài kiểu “trẻ con tiêu tiền” phổ biến. Thứ nhất là những gia đình có người lớn thoát ly làm kinh tế hoặc buôn bán ở xa cuối năm về thăm nhà sớm nên bọn trẻ con những nhà này được “mở hàng” hay còn gọi là lì xì sớm hơn những đứa trẻ khác. Thứ 2 là những thằng nhóc gia đình buôn bán, chợ búa, tạp hóa,… giáp tết đông khách nên “xỉa” được của bố mẹ, phần còn lại thì đứa nào đến Tết cũng được cho tiền không sớm thì muộn, không nhiều thì ít – bởi đó là văn hóa “Tiêu Tết”. Mà trẻ con thời nào cũng thế nghịch ngợm nhưng hồn nhiên, gần tết có tiền là phải “ăn chơi”, tiêu xài cho bõ những ngày thiếu thốn.

Cỡ ngoài 20 Âm lịch là các ngõ xóm được thắp bóng điện đỏ (cái này chỉ đến tết mới có) chỉ còn vài ngày là được nghỉ học ăn tết nên chắc chỉ có mấy đứa ngoan hiền, chăm học là ở nhà, còn lại thì ngã 3, ngã 7, quán hàng đồ chơi là sẽ đông nhung nhúc. Súng ống, bóng bay, đồ chơi,… đủ các màu sắc trông đến hoa cả mắt. Mấy đứa ít tiền thì chơi súng bơm nước đuổi nhau phun như mưa. Những thằng có điều kiện hơn, chất chơi hơn thì súng bắn đạn giả nổ đì đoàng inh tai nhức óc, mấy thằng láu cá hoặc lớn hơn chút thì làm pháo bằng thuốc diêm hay thuốc pháo thừa gom nhặt được.

Một nét văn hóa không thể bỏ qua nữa là chợ phiên ngày Tết, ở quê tôi là chợ phiên vào các ngày 2-4-7-9, mà đã là chợ tết thì càng phiên cuối giáp tết lại càng đông vì người lớn thì thu vén xong công việc, đồng áng để đi “sắm tết”.

Trẻ con thì đã được nghỉ học nên kéo nhau đi chợ để được ăn quà, được mua quần áo, ăn xin – ăn mày khắp nơi kéo về, móc túi, trộm cướp cũng tranh thủ thời cơ hành nghề. Nói chung người người nhà nhà kéo nhau đi chợ.

Tết nó nồng nàn, lung linh là vậy để miêu tả hết nó phải dùng từ “thiêng liêng” nữa, Tết là 1 nét truyền thống văn hóa rất riêng được duy trì qua rất rất nhiều thế hệ ở Việt Nam. Người trước sẽ bảo người sau, để rồi tất cả mọi người sẽ tự hiểu Tết đến sẽ phải làm những gì và được những gì. Trẻ con thì nghe thấy từ Tết đã cười sung sướng đơn giản vì những niềm vui khó cưỡng như đã kể ở trên.

Người lớn thì sau 1 năm làm việc đầy vất vả, bận rộn thì Tết là dịp duy nhất để sum vầy, để quây quần trong những bữa cơm ấm cúng, được hỏi thăm chúc tụng những điều tốt đẹp cho nhau. Cơm no rượu say, đánh bài, đánh bạc, tổ tôm, chọi gà,… Nói thế để hiểu hết ý nghĩa của cái Tết xưa nó to lớn như nào, dù đàn ông hay đàn bà, từ người già, thanh niên, trẻ em nghĩ đến tết là cái gì đó có thể cho phép mình vượt qua giới hạn của cuộc sống bình dị hàng ngày, mặc dù sau đó biết là tốn kém và lãng phí nhiều lắm. Chẳng thế mà các cụ đã để lại câu nói “Ôi giời! cả năm có 03 ngày tết”.

Ở câu nói đó để hiểu rộng hơn không phải là các cụ bảo con cháu cứ ăn chơi đi, lãng phí đi mà thêm nữa là sự thiêng liêng của 03 ngày tết. Đó là những ngày đặc biệt nhất của 1 năm, những bữa cơm đoàn viên, ai ai dù đi đâu làm gì cũng mong tìm về quê hương để “ăn Tết”. Là những ngày mà bao nỗi buồn cũng cố xua đi chỉ để lại niềm vui và sự hứng khởi, những vất vả âu lo hàng ngày cũng được cất lại phía sau.

Hồi tưởng tiếp theo là cái mùi Tết. Với riêng tôi thì Tết xưa có cái mùi vị rất riêng mà tết bây giờ không còn nữa hoặc rất ít khi được hít hà trọn vẹn nó.

Đó là mùi khói nhang, mùi lá chuối – lá dong phơi, mùi khói khét của củi nấu bánh chưng,… những thứ mùi mà đi đến đâu cũng ngửi thấy.

Đấy là 1 vài nét rất thú vị của Tết xưa. Còn giờ đây, với 1 xã hội phát triển chóng mặt, thời đại của công nghệ và tư duy nhiều “chấm” chúng ta có thể chúc tụng bằng video call, lì xì bằng internet banking,… Sự tiện lợi và thực dụng đã ở mức tối đa thì hương vị nồng nàn thú vị của Tết sẽ dần mai một và có thể biến mất. Và đặc biệt là sự ảnh hưởng khủng khiếp của đại dịch Covid đã đảo lộn tất cả truyền thống, văn hóa, đời sống hàng ngày

Có lẽ với tình hình dịch bệnh hiện nay hoặc với tư tưởng của những người hoài cổ, xa quê hương cho dù đã rất giàu có và thành đạt thì phải đánh đổi nhiều tiền để được ăn 1 cái Tết xưa như thế cũng xứng đáng lắm. Những cái Tết mà bọn trẻ đi học bằng xe điện, xài iphone 12-13 ngày nay khó hình dung ra được nó “ngon” như nào?

Theo Chuyện Làng Quê