Tháng hai

Tháng hai về trong tiết trời nồm ẩm, mưa phùn bay lất phất. Bất chợt tôi nhìn thấy trên cây bàng ven đường, lá bàng chưa rụng hết. Vậy là năm nay cái rét sẽ kéo dài hơn rồi!

275247263-1882106458643285-1470526592704651128-n-1646796484.jpgẢnh minh họa

Ông tôi vẫn nói: "lá bàng tai trâu, thầu đâu chum chúm chân chó ấy là dấu hiệu trời ấm áp rồi"! "Thầu đâu" là gì? Chính là tên gọi khác của cây xoan, thứ cây một thời đã gắn bó với văn hóa và đời sống của người dân nông thôn Bắc bộ.

Xưa kia xoan được trồng rất phổ biến ở Nam Định quê tôi, xoan lớn lên cùng những đứa trẻ. Đến khi người ta lập gđ ra ở riêng thì đốn hạ vườn xoan mang ngâm kỹ rồi dùng gỗ làm nhà, từ vì kèo, cột, xà tới cánh cửa... cho tới những thứ quen thuộc như bàn ghế, giường tủ cũng có thể dùng gỗ xoan rất tốt lại rẻ, các bà các mẹ thì dùng lá xoan giấm chuối, trứng gà cho mau chín....

Mùa đông thì xoan rụng lá, nhìn những cành xoan xác xơ và gầy guộc cho đến khi xuân về, những đầu cành bật chồi non và lúc mà ta thấy những chồi non ấy chum chúm tựa như đầu ngón chân chó thì đó dấu hiệu giao mùa, từ đây ko còn những trận gió mùa mạnh gây rét đậm nữa. Xoan ra chồi non cũng kèm theo nụ, rồi nụ nở hoa. Ngày nhỏ, tôi ghét cái mùa này, không khí thì ẩm ướt, đường làng thì lầy lội và cơ man nào là muỗi. Bà tôi bảo: "muỗi hoa xoan" làm đứa trẻ ngây thơ như tôi cứ ngỡ đến mùa này thì muỗi nó chui ra từ những chùm hoa xoan vậy. Rồi mùa hè đến, bọn trẻ chúng tôi lại thi nhau trèo lên cây xoan bẻ những chùm quả để làm đạn nghịch, súng là những thân cây hóp, cắt đôi quả xoa nạp đạn là bắn nhau đì đoàng

Tôi lớn lên rồi vào cấp 3, lúc đó mới cảm nhận được vẻ đẹp lãng mạn của hoa xoan mỗi độ xuân về. Tôi yêu cái mầu trắng tím ấy như yêu quê hương mình vậy. Hoa xoan thì đâu chả có, nhưng cái mùa xoan nở rộ trong cái không gian đồng bằng Bắc bộ với mưa xuân thì thật đặc biệt. Mưa xuân êm êm, những chùm xoan như nặng trĩu mưa rồi như vỡ bung rụng xuống đường đi, trong vườn nhà, vương trên tóc ai... Hoa xoan nở rộ như những dải mây phủ nhẹ lên những tán cây. Hoa xoa cùng với hương bưởi, hương cam và biết bao nhiêu loài hoa của đồng nội hòa quyện làm lên hương của mùa xuân quê nhà ko thể nào quên! Trong cái không gian và thời gian ấy đặc biệt thêm ý nghĩa bởi rất nhiều những hội làng là sinh hoạt văn hóa truyền thống của người dân nông thôn hay bên những xóm đạo thì đây lại trùng vào mùa lễ phục sinh, nghi lễ quan trọng của người Công giáo. Hoa xoan và mưa xuân cũng đi vào thơ ca và nhạc họa.... Ta ko thể quên những câu thơ của Nguyễn Bính:

"Bữa ấy mưa xuân phơi phới bay

Hoa xoan lớp lớp rụng vơi đầy

Hội chèo làng Đặng đi ngang ngõ

Mẹ bảo thôn Đoài hát tối nay..."

Hay trong 1 bài hát có câu:

"Hoa xoan khi xưa nở đầy

Mà anh hay nói

Là hoa thương nhớ..."

Tôi lên thành phố học, con đường nhỏ bên sông hồi đó còn nhiều xoan lắm, tôi chở người ấy mấy chục cây số đường về trên chiếc xe đạp cũ... đi trong mùa hoa xoan nở rộ, trong tiết trời mưa bụi đổ êm êm chỉ để kể cho nhau nghe những câu chuyện ko có điểm đầu và điểm cuối....

Thời gian thấm thoát thoi đưa,lại một mùa xuân nữa, mưa xuân vẫn phơi phới bay nhưng những con đường ko còn lầy lội. Nhà cửa đã xây to đẹp ko còn dùng gỗ xoan, ko ai còn muốn trồng xoan nữa. Những giậu hóp xưa đã được thay bằng tường xây. Trẻ con đã chơi đồ chơi Trung Quốc, ko đứa nào biết đến súng đạn xoan. "Con đường xưa em đi " bây giờ đã mở rộng thành quốc lộ, người ta ngồi xe hơi về quê chứ ai chịu ngồi sau xe đạp... Và mùa hoa xoan chỉ còn trong hoài niệm mà thôi...

"Nam Định mình ơi

Hoa xoan rơi trắng đường quê

Nhớ đêm hội chèo, nhớ chợ Viềng mồng tám...

....Nam Định mình ơi! Nam Định mình ơi...!"

7/3/2022

Chuyện Làng quê