Then Vân

Một ngày cuối năm chúng tôi tìm về thôn Hố Cao (xã Hương Sơn, huyện Lạng Giang, tỉnh Bắc Giang) để gặp bà Then Chu Thị Vân có tiếng trong vùng.

chu-thi-van-1640583728.JPGThen Vân (Chu Thị Vân- Thôn Hố Cao, Hương Sơn, Lạng Giang, Bắc Giang)

 

Từ thị trấn Kép vượt qua những mạch đồi xô lô của dãy Bảo Đài, qua hồ nước mênh rồi đến cụm dân cư ẩn sâu trong rừng đại ngàn, đó là chính là thôn Hố Cao. Con đường bê tông năm giữa những triền đồi và những vạt ruộng hẹp đang vào vụ gặt. Đến ngã ba đầu thôn đi tiếp vào phía cuối thôn, chúng tôi đến một ngôi nhà hai tầng còn khá mới đó là nhà nghệ nhân hát Then Chu Thị Vân. Chị Vân sinh năm 1968 và đã lên chức bà nội. Kể về Then, chị Vân cho biết: "Hát Then là không phải như hát Quan họ của vùng Kinh Bắc, Ví dặm của xứ Nghệ. Với các thể loại dân ca ấy, thì trẻ già, trai gái, ai thích thì hát và hát bất kể ở nơi nào nhưng hát Then là hát trong lễ cúng. Người hát Then là một dạng thày cúng và phải có "số" làm thày" mới hát được".

Chị Vân lấy chồng là người ở tỉnh Lạng Sơn nhưng bị bạo bệnh đã qua đời cách đây 10 năm để lại cho chị hai cậu con trai. Đến nay cháu lớn đã lập gia đình ở nhà làm ruộng. Cháu thứ hai đi làm công nhân ở dưới Bắc Ninh. Ngôi nhà hai tầng khang trang nằm trên sườn đồi ở cuối thôn nhìn về hướng tây bắc có không gian khoáng đạt. Hàng ngày chị đi làm ruộng và rừng, khi có người mời mới đi cúng Then. 

Dẫn lên thăm gian thờ đặt trên tầng hai được bài trí khá cầu kỳ. Phía trước có cây đàn tính, bên trên bày rất nhiều sắc bùa đủ màu, phía dưới là oản phẩm, hương hoa. Cách bài trí cho thấy ban thờ là của thầy cúng, không phải của một nghệ nhân hát Then có tiếng trong vùng. Khi được hỏi về hát Then, chị Vân giải thích:“Tôi là thầy Then và gọi là thầy cúng cũng được. Then tiếng Nùng cũng có nghĩa là cúng. Không phải tôi thích làm thầy Then đâu mà do Thánh chọn đấy!. Hồi con gái tôi bị bệnh“lẩn thẩn”, đi hết bệnh viện này đến bệnh viện khác chữa không được, gia đình phải mời thầy cúng đến giải trừ tôi mới khỏi bệnh. Thầy bảo muốn trả ơn Thánh thì phải làm nghề Then. Thế là tôi học hát Then, học cách cúng lễ khoảng một tháng rồi ra làm thầy Then từ đó”. 

Chị cho biết thêm: "Thầy Then khác thầy Mo ở chỗ thầy Mo chỉ đàn ông làm, còn thầy Then thì chủ yếu đàn bà làm. Thầy mo cũng hát, nhưng theo điệu khác và hát theo sách. Thầy Then hát không được giở sách, phải học thuộc lòng. Thầy mo làm lễ cúng trừ bệnh tật, mừng thọ, ma chay, không xem bói. Thầy Then có xem bói và làm lễ cúng giải hạn, trừ bệnh tật, mừng thọ nhưng không làm lễ ma chay". Hát Then có rất nhiều bài khác nhau từ "Then Khen hương" tức là lên đường báo cáo với Ngọc hoàng gia chủ cúng việc này, việc nọ, rồi đến bài cúng giải hạn, trừ bệnh tật, mừng thọ... Tùy theo loại lễ cúng thì đều có bài hát riêng như lễ dâng tổ tiên...

Thầy Then bình thường thì làm công việc đồng áng, khi được mời mới xách đàn tính và một số đồ tế đi cúng. Khi cúng, thầy Then có thể hát suốt một đêm một ngày với khoảng 10 điệu khác nhau, trong đó có điệu chỉ dài 5 phút, có điệu kéo dài cả tiếng đồng hồ. Khi cúng Then, gia chủ phải sắm lễ gồm  2 gà mái, 1 gà trống, gạo, xôi và tiền lễ. Tùy theo loại hình cúng và hoàn cảnh của gia chủ mà bày lễ to hay nhỏ, tiền lễ có thể vài chục đến vài trăm ngàn đồng. Đồng bào Tày - Nùng có quan niệm: Then là người được thần linh cử xuống trần gian cứu nhân độ thế. “Then” trong tiếng Tày-Nùng là “Thiên” (Trời). Bà Then (Pà thẻn) là người của Trời. Hình ảnh hát Then ví như cô tiên cầm đàn ca hát bay bổng giữa ngàn mây xanh, là hát theo mây, theo gió“thẻn mấn, thẻn pha”.

Vào dịp đầu năm, nhiều gia đình có điều kiện thì mời thầy Then về làm lễ cầu an (Pèng ên), cúng sinh nhật (pù sảng lường); cúng nhà mới (án hờn); cúng chuộc hồn (shuộc huồn); cúng tổ tiên (kà sthến)… Thầy Then thỉnh thánh thần, tiên tổ phù hộ cho gia chủ bình an, ăn nên làm ra, gặp mọi điều tốt lành. Người Nùng có phong tục cúng sinh nhật dành cho cha mẹ từ 60 tuổi trở lên để con cái bày tỏ sự hiếu thảo hay một số loại cúng lế khác cũng có lời riêng. Khi cúng tiếng trầm bổng ngân nga từ cây đàn tính quyện với những lời ca, tiếng hát của Then như đưa mọi người vào một thế giới hư ảo, huyền bí. Người ta vững tin rằng Then sẽ thỉnh lời cầu xin tới các đấng Thần, Phật, Ngọc hoàng những mong ước của gia chủ. Lời then lúc thủ thỉ, sôi động, lúc lại trầm buồn, ngẫm ngợi. Mỗi đoạn hát là một tâm trạng, một sắc thái, khi căng thẳng, lo lắng, khi hồ hởi, vui tươi tạo ra những âm thanh lung linh huyền diệu. Trong hát Then, kèm theo lời hát là những động tác phất quạt. Qua mỗi một cửa ải phải phất quạt ba lần: lần thứ nhất thỉnh tứ phương, lần thứ 2 thỉnh các thầy ở cửa mây xanh mây trắng, lần thứ 3 là biểu tượng của những tia chớp, tia sét…

Việc của gia chủ càng nặng, thì tiếng quạt phất càng to. Hỗ trợ cho nghệ nhân hát Then còn có nhạc ngựa, biểu trưng cho đoàn quân chuyển bước trong cuộc hành trình gian nan vất vả. Thầy Then đại diện cho gia chủ giao tiếp với thần linh đến lúc nửa đêm hoặc tận sáng. Người nghe như được sống trong buổi hồng hoang, khi con người và thiên nhiên chung sống giao hòa gần gũi. Những lời ca khắc họa tất thảy mọi cỏ cây hoa lá, muông thú đều có linh hồn trong thế giới tự nhiên (vạn vật hữu linh).

Chị Vân cho rằng khi "Thánh nhập", lời hát cất lên là lúc hồn chị cũng phiêu diêu bay theo mây gió, không thể nhớ nổi tất cả lời các bài hát khi không làm lễ, không có thánh nhập. Đơn cử là bài "Khẳm Hải" là bài Then tối cổ của người Nùng đến các bậc cao niên cũng ít biết đến. Khi "Thánh nhập" thì chị Vân hát "Khẳm Hải"  từ một góc khuất xa xăm nào đó trong tâm hồn xuất hiện cho chị ca hát ca ngợi vẻ đẹp ở nơi thiên đến, vẻ đẹp của con đường đi xuống trần gian với bao hoa thơm, khi tỉnh thì chị hoàn toàn không nhớ nổi. Chính bài "Khẳm Hải" đã tạo sự lôi cuốn trong nhiều cuộc thi và mang về cho chị nhiều giải thưởng cao của tỉnh, khu vực Bắc Bộ và Liên hoan hát Then cả nước ở Cao Bằng.

Trước đây hát Then bị coi là dạng hoạt động mê tín dị đoan nên bị ngăn cấm. Ngày nay hát Then được coi là bản sắc văn hóa của dân tộc Tày, Nùng được khuyến khích bảo tồn. Các điệu Then cũng được cải biên phục vụ tuyên truyền và góp vui trong dịp hội hè. Cải biên chỉ có điệu Khen hương là phù hợp, còn các bài giải hạn, trừ bệnh không thể đặt được lời mới. Các bài Then trên sân khấu hay hội diễn văn nghệ quần chúng nghe đều na ná nhau, chỉ khác mỗi lời. Đặt lời cho Then cũng không dễ và hát bằng tiếng Kinh càng khó, vì phải ép nhạc, ép vần, thành ra điệu hát bị biến dạng. Khi trình diễn một đoạn Then, chị Vân khoác chiếc áo truyền thống của phụ nữ Nùng, ôm đàn tính hát trước bàn thờ một cách say sưa. Tiếng đàn và giọng chị vút cao mượt mà, khác hẳn với chất giọng hơi khàn. Chị hát  điệu Then cải biên lời mới với nội dung ca ngợi xã Hương Sơn.

          “Ai mà thăm Hương Sơn quê noọng (em)    
          Đừng chê Hương Sơn em nghèo đói đấy      
          Hương Sơn noọng chỉ có cái nương cái rẫy đấy    
          Và những cánh đồng bậc thang...”.   
          Hương Sơn là xã còn nghèo với 3.000 hộ dân, trong đó 56% là người Tày-Nùng. Đồng ruộng ít, đồi thì nhiều. Thôn Hố Cao có 130 hộ với trên 554 khẩu, cái nghèo vẫn đeo đẳng. Gia đình chị Vân có hơn 1 sào ruộng và 1 héc-ta đồi trồng bạch đàn và là hộ khá trong thôn. Điều đáng ngại là chị lo trình độ hát Then của các thầy Then đang đi xuống, có chiều hướng mai một. Là một nghệ nhân hát then có tiếng ở huyện và tỉnh, nhiều hội diễn quần chúng chị Vân tham gia đạt giải vàng, giải bạc, bằng khen. Nhưng chị cho biết so với người thầy đã dạy và các bậc tiền bối xưa thì giọng chị còn kém xa và thuộc ít điệu hơn, ngón đàn cũng chưa điêu luyện bằng.

Ở Hương Sơn cũng một số thầy Then nhưng chỉ giỏi cúng không giỏi hát, chất giọng chưa đạt và thuộc ít làn điệu. Vốn cổ có xu hướng mai một dần, nhưng đội ngũ kế cận thì chưa thấy. Chị Vân cho biết học Then không phải do con người chủ động mà phải có“hợp số” và“được Thánh chọn”. Những người như thế thường là người trong dòng họ. Hơn 30 năm qua chị đã đặt chân lên các thôn bản nghèo ở các tỉnh Bắc Giang, Lạng Sơn, Cao Bằng cúng lễ tạo phúc cho biết bao gia đình. Qua hành nghề Chị Vân đã được thăng cấp 13 quai, là bậc cao nhất trong Then.

Đến bậc này, bà Then có thể giao tiếp với thần linh một cách nhẹ nhàng… Và để ghi nhận sự phấn đấu không mệt mỏi trong gìn giữ bản sắc văn hóa của dân tộc, ngày 8/5/2019 chị Chu Thị Vân được Chủ tịch nước công nhận là nghệ nhân dân gian (Quyết định số 356/QĐ-CTN), đồng thời cũng là nghệ nhân Then đầu tiên của huyện Lạng Giang. Với các hoạt động của mình, chị Chu Thị Vân đã cùng những nghệ nhân khác trong cả nước đã gìn giữ, phát huy tục hát Then tín ngưỡng trong thời đại mới, góp phần để ngày 13/12/2019, tổ chức UNESCO của Liên hợp quốc công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Tuy nhiên, hiện nay do các yếu tố ngoại lai tác động, người theo chị học Then chỉ có một và nỗi no thất truyền đã và đang hiện hữu với loại hình văn hóa cổ đặc sắc này.