Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong là chất gì vậy?

Trong Truyện Kiều có một đoạn rất đáng nhớ. Đó là đoạn mô tả một sự kiện mang tính bước ngoặt trong quan hệ Kim - Kiều.

truyen-kieu-1638547597.jpgẢnh internet

 

Chúng ta biết trước đó, vì mê mẩn "sắc nước hương trời" của Thúy Kiều (trong một lần tình cờ gặp mặt vào tiết Thanh minh tảo mộ), Kim Trọng đã tìm cách thuê được nhà "Ngô Việt thương gia" ở sát ngay cạnh nhà Vương Ông (thân sinh chị em Kiều) để hi vọng có cơ hội gặp lại người đẹp.

Thế rồi thời cơ đã đến. Trong một lần đi dạo "Tường đông ghé mắt ngày ngày hằng trông", Kim Trọng bất ngờ nhặt được chiếc kim thoa (do Thúy Kiều vô ý đánh rơi trong vườn). Cầu được ước thấy, thế là điều mong đợi đã đến. Một buổi sáng tinh sương, khi nhác thấy Thúy Kiều "quanh tường ra ý tìm tòi ngẩn ngơ", Kim Trọng lập tức đánh tiếng, nói mình là người nhặt được kim thoa và nhân dịp này bày tỏ nỗi lòng với người mà chàng đã bao ngày "thầm yêu trộm nhớ". Đáp lời chàng Kim (nhún nhường và hoa mĩ) "Tiện đây xin một hai điều/ Đài gương soi đến dấu bèo cho chăng", nàng Kiều đã nói:

Ngần ngừ nàng mới thưa rằng

Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong

Dầu khi lá thắm chỉ hồng

Nên chăng thì cũng tại lòng mẹ cha.

Sẽ có người hỏi rằng: "Chất hằng phỉ phong" là chất gì mà nàng Kiều đưa ra ví von vậy? [Trong cách dùng hiện nay (chủ yếu trong văn chương) thì từ này có nghĩa là "thanh bạch, chẳng có gì đáng kể." (Từ điển tiếng Việt, Trung tâm Từ điển học, NXB Đà Nẵng, 2020)]

Phỉ phong (nói ngược của phong phỉ: 菲葑) là tên gọi hai loại rau: rau phong và rau phỉ. Theo Từ điển Truyện Kiều (Đào Duy Anh, NXB Khoa học Xã hội 1974) thì đây là hai thứ rau ăn củ được trồng nhiều ở Trung Quốc xưa. Cây thân củ này giống như rau su hào ở ta.

Bình thường khi dùng rau phỉ và rau phong, người ta chỉ ăn củ (gọt bỏ vỏ) và bỏ lá (như ta vẫn thấy lá su hào ở nhiều nơi người ta chỉ dùng trong chăn nuôi lợn gà, trâu bò...). Nhưng với người nông dân nghèo khó, thì những lá của nó (cả lá non và lá già) đều được tận dụng làm thức ăn (lá non luộc, nấu canh, lá bánh tẻ hay lá già muối dưa).

Kinh Thi có câu "Thể phong thể phỉ vô dĩ hạ thể", có nghĩa là "Đừng thấy rễ rau phong không tốt mà bỏ luôn cọng và lá của nó". Cách tận dụng này được dân gian lấy làm hình ảnh biểu trưng, ngụ ý tính cần kiệm cũng như tính cách quê mùa mộc mạc của người lao động. Còn từ "băng tuyết" (trong ngữ đoạn "thói nhà băng tuyết") thì băng là giá, tuyết là tuyết lạnh, hàm ý "tiết trong trắng".

Qua câu thơ "Thói nhà băng tuyết chất hằng phỉ phong" Thúy Kiều muốn gián tiếp hàm chỉ sự trắng trong, tấm lòng chân thành, giản dị, mộc mạc của mình và gia đình mình. Nàng bộc bạch nỗi niềm đó để chàng Kim có cơ hội hiểu thêm và hiểu rõ gia cảnh nhà nàng trước khi có những quyết định quan trọng cho đời mình.

Phỉ phong hai thứ rau thường

Mà nên câu nói mở đường đôi ta...