Nội dung trên được Thủ tướng Phạm Minh Chính chia sẻ tại hội nghị trực tuyến với cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương về các giải pháp tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh đại dịch COVID-19 sáng 26/9.
“Từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ 4 tới nay, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều cuộc gặp với cộng đồng doanh nghiệp trong nước và doanh nghiệp FDI. Doanh nghiệp có yêu cầu, đề xuất gì, Chính phủ cố gắng đáp ứng trong điều kiện tốt nhất có thể”, Thủ tướng nhấn mạnh.
Cho rằng nền kinh tế đang gặp nhiều khó khăn do nguyên nhân khách quan từ dịch bệnh, cũng là những khó khăn chung của nhiều nước trên thế giới, tuy vậy, Thủ tướng khẳng định không vì khó khăn mà chúng ta bi quan, hoang mang, lo sợ.
Tình hình càng khó khăn, phức tạp, càng phải đoàn kết, phát huy dân chủ, huy động trí tuệ tập thể, lắng nghe và tôn trọng ý kiến của nhau, lấy khó khăn, thách thức làm động lực vươn lên, khẳng định mình, đưa đất nước phát triển và lấy khó khăn để thực hiện sự thay đổi, như chuyển đổi số.
Thủ tướng cũng gửi lời cảm ơn của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cộng đồng doanh nghiệp trong suốt gần 2 năm vừa qua đã đồng hành phòng, chống dịch và phát triển kinh tế xã hội. “Cảm ơn bao nhiêu cũng không đủ, chúng ta bằng hành động cụ thể để thể hiện tình cảm của Đảng, Nhà nước, nhân dân với doanh nghiệp và của doanh nghiệp với Đảng, Nhà nước, nhân dân”, Thủ tướng chia sẻ.
Theo Thủ tướng, trước những ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19, Chính phủ đã rất quyết liệt, nhanh chóng ban hành các chính sách, giải pháp tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ cho doanh nghiệp, người lao động, người dân.
Thời gian tới, Chính phủ đang chỉ đạo xây dựng kịch bản thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh COVID-19, xây dựng dự án luật sửa đổi, bổ sung nhiều luật để tiếp tục tháo gỡ các khó khăn trong sản xuất, kinh doanh
“Sau một thời gian phòng chống dịch hết sức quyết liệt, quyết tâm, với sự thay đổi chiến lược, nhờ đó chúng ta đang từng bước kiểm soát hiệu quả dịch bệnh, đặc biệt tại những nơi tâm dịch như TP.HCM, Bình Dương, Đồng Nai, Long An…”, Thủ tướng cho hay.
Báo cáo của Phòng Thương mại & Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết quyết tâm của Chính phủ là không để kinh tế suy giảm nhưng vẫn phải đảm bảo an toàn, chống dịch trong sản xuất kinh doanh và ổn định dân sinh.
Gần hai năm chống dịch, nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp được Chính phủ, các bộ ngành đưa ra nhằm vừa đảm bảo chống dịch, vừa phát triển kinh tế. Đầu tháng 9, Nghị quyết 105 hỗ trợ doanh nghiệp, hộ kinh doanh được Chính phủ ban hành với loạt điểm mới được các doanh nghiệp kỳ vọng tháo gỡ những khó khăn họ đang phải đối mặt, để thích ứng dần với tình hình dịch bệnh.
Khảo sát của VCCI cho thấy 81,4% hiệp hội doanh nghiệp, liên minh hợp tác xã đồng ý với nhận định các nhiệm vụ, giải pháp của nghị quyết sẽ giúp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp một cách hiệu quả. Chỉ 3% không đồng ý.
Tuy nhiên, Bộ Kế hoạch & Đầu tư dẫn phản ánh của các doanh nghiệp cho biết vẫn còn những nút thắt trong thực thi Nghị quyết 105, gây cản trở doanh nghiệp, hộ kinh doanh tiếp cận chính sách hỗ trợ.
Đơn cử như việc thiếu thống nhất ở một số địa phương, thủ tục phức tạp, điều kiện đưa ra để tiếp cận chính sách chưa phù hợp thực tế nên tỷ lệ doanh nghiệp được hỗ trợ về thuế, tín dụng hay cho vay ưu đãi theo Nghị quyết 105 còn thấp.
Báo cáo của này cũng cho biết cộng đồng doanh nghiệp đang rất cần một hướng dẫn chi tiết các điều kiện tổ chức sản xuất an toàn trong tình hình mới. Kế hoạch mở cửa, phục hồi kinh tế cần được Chính phủ phác thảo rõ, để doanh nghiệp chủ động phương án sản xuất, kinh doanh. Điều này phù hợp với bối cảnh khi Chính phủ đã xác định sống chung với COVID-19, thay vì mục tiêu "zero COVID-19" trước đây.
Ngoài ra, Chính phủ và các bộ, ngành cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện cải cách thủ tục hành chính vì hiện nay, quy định giãn cách có thể gây ra khó khăn cho tiếp cận khách hàng, đối tác kinh doanh. Đặc biệt với thủ tục chưa chấp nhận nộp hồ sơ trực tuyến, kiểm soát giấy đi đường.
Doanh nghiệp kiến nghị trong thời kỳ có dịch, tất cả các cơ quan hành chính từ trung ương đến địa phương cần chấp thuận các hồ sơ, văn bản scan, các hình thức gửi online trong việc giải quyết các thủ tục hành chính. Cùng các kiến nghị về tiêm vắc xin cho công nhân, thực hiện các quy định phòng chống dịch phù hợp, đặc biệt khi áp dụng mô hình "3 tại chỗ", "1 cung đường 2 điểm đến"…
Ngoài những giải pháp chung đã nêu trong nghị quyết, Chính phủ cần xây dựng những giải pháp riêng theo đặc thù từng ngành hàng. Cần tổ chức thực hiện trao đổi ý kiến cụ thể với từng ngành thông suốt từ cấp quản lý nhà nước ngành dọc và các doanh nghiệp thuộc đối tượng chịu ảnh hưởng và nâng cao hiệu quả thực thi.