Thủ tướng: Tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu

VOV.VN - Thủ tướng đề nghị tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu.

Ngày 3/3, Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2/2022. Dự phiên họp có các Phó Thủ tướng: Phạm Bình Minh, Lê Minh Khái, Vũ Đức Đam, Lê Văn Thành; các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ. Phó Chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân cùng dự Phiên họp. 

Phiên họp tập trung thảo luận về một số nội dung chính: Tình hình kinh tế-xã hội tháng 2 và 2 tháng đầu năm; tình hình thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội; Dự thảo chương trình phòng chống dịch COVID-19 giai đoạn năm 2022-2023; báo cáo nghiên cứu tiền khả thi các dự án đường vành đai 4 Vùng Thủ đô Hà Nội và vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh; công tác chuẩn bị tổ chức SEA Games lần thứ 31…

Phát biểu tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh, phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững, tinh thần là "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả".

 

Trong tháng 2 và 2 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được giữ vững; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Chỉ số CPI tháng 2 tăng 1,42%, 2 tháng tăng 1,68%. Thị trường tiền tệ, tỷ giá ổn định, lãi suất tiếp tục duy trì mặt bằng thấp. Vốn FDI đăng ký tăng thêm 02 tháng tăng 123,8%, cho thấy nhu cầu đầu tư và kỳ vọng của nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi, phát triển kinh tế của nước ta.

Trong tháng 2 số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường gấp 1,7 lần so với doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Tính chung 2 tháng, số doanh nghiệp gia nhập và quay trở lại thị trường tăng 46,2% so với cùng kỳ.

Về phòng công tác chống dịch COVID-19, tiếp tục quyết liệt triển khai Nghị quyết 128/NQ-CP với tinh thần thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19. Triển khai thần tốc chiến dịch tiêm chủng mùa Xuân; chuẩn bị điều kiện, đẩy nhanh nhập khẩu để tổ chức tiêm cho trẻ 5-11 tuổi. Đến nay, Việt Nam đã tiếp nhận trên 218 triệu liều, tiêm gần 202 triệu liều; trên tổng dân số, tỷ lệ bao phủ tiêm chủng vắc xin 1 liều đạt 98,6%, 2 liều đạt 93,1%. 

 

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn và Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng nhận định, tình hình kinh tế trong nước tháng 2 có những chuyển biến tích cực: “Vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài đăng ký tăng thêm 2 tháng đầu năm tăng 123,8 % so với cùng kỳ cho thấy nhu cầu đẩy mạnh mở rộng đầu tư cũng như phản ánh kỳ vọng của các nhà đầu tư nước ngoài đối với sự phục hồi ổn định kinh tế trong trung và dài hạn của nước ta. Các tổ chức tài chính, các tổ chức quốc tế cũng như các đối tác của chúng ta đều xác định Việt Nam vẫn là một địa điểm an toàn và kiểm soát dịch bệnh, thời gian vừa rồi khi Thủ tướng tiếp xúc với các tập đoàn, các doanh nghiệp họ đều đánh giá cao cái chuyện này, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô và kiểm soát tốt dịch bệnh và bắt đầu chuyển hướng rất phù hợp phù hợp. Các tổ chức tài chính quốc tế như World Bank và các tổ chức khác đánh giá là khả năng tăng trưởng của chúng ta trong năm nay từ 6 đến 6,5 %. Tín dụng thì đến 25 tháng 2 tăng 2,52 % đây là mức cao gấp 5 lần so với mức 0,52 % cùng kỳ năm ngoái, cho thấy hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và người dân thì đã quay trở lại”.

Bên cạnh đó, Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể cho rằng trước tình hình thế giới diễn biến phức tạp đã ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước đặc biệt là giá xăng dầu: “Tình hình chiến sự của Nga và Ukraine và một số tình hình nổi lên do đó ảnh hưởng đến giá xăng dầu, trong đó cũng ảnh hưởng đến các dự án trọng điểm. Đây cũng là vấn đề hết sức quan tâm để có giải pháp hợp lý. 

"Thì hệ lụy hoạt động sản xuất, xuất nhập khẩu làm gián đoạn nguồn cung một số mặt hàng chiến lược, đặc biệt là xăng dầu bằng chứng chúng ta đã thấy giá rất cao, đêm qua đã lên tới 110 hơn 110 đô và khả năng còn cao nữa”, Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho biết.

Thảo luận về giải pháp theo Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng cần phải dùng nhiều giải pháp đồng bộ, đặc biệt về việc bình ổn giá xăn dầu: "Chúng ta phải dùng nhiều giải pháp đồng bộ. Thứ nhất, giải pháp về sản xuất trong nước. Thứ hai là giải pháp về vấn đề nhập khẩu xăng dầu. Thứ ba là giải pháp quản lý của mình đối với xăng dầu nội địa."

Sau khi nghe các đại biểu thảo luận, phát biểu kết luận phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh, trong tháng 2, dưới sự lãnh đạo của Đảng, sự vào cuộc của các cấp chính quyền, của nhân dân, doanh nghiệp kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, lạm phát ở mức thấp, các cân đối lớn được giữ vững; an ninh lương thực, an ninh năng lượng được bảo đảm. Nông, lâm nghiệp, thủy sản phát triển ổn định. Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được quan tâm, tăng cường. Chú trọng công tác bảo đảm đời sống nhân dân; Trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, quốc phòng, an ninh được giữ vững; đối ngoại được đẩy mạnh. Thông tin, truyền thông được tăng cường, nhất là phục vụ phòng, chống dịch.

 

Bên cạnh kết quả đạt được, Thủ tướng cũng chỉ rõ những khó khăn, thách thức: “Bên cạnh những kết quả đạt được vẫn còn những khó khăn, thách thức diễn biến của tình hình dịch bệnh vẫn còn phức tạp, nhất là Hà Nội và các tỉnh miền Bắc; Kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn vẫn tiềm ẩn rủi ro, áp lực về lạm phát tăng cao xu thế thế giới, chi phí sản xuất đầu vào, xăng dầu logic về nguyên liệu đều tăng cả, về hoạt động sản xuất kinh doanh của nhân dân và doanh nghiệp còn nhiều khó khăn; thị trường xuất nhập khẩu đang có biến động lớn sau xung đột Ukraina. Việc mở cửa thị trường còn gặp khó khăn do dịch bệnh phức tạp. Việc mở cửa trường học vừa qua chúng ta vừa làm vừa rút kinh nghiệm. Tuy nhiên bước đầu cũng gặp những khó khăn”.

Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh các nhiệm vụ, giải pháp cần tập trung thời gian tới trước hết, các bộ, ngành, địa phương cần theo dõi, bám sát, nắm chắc tình hình, diễn biến thế giới và khu vực có liên quan tới các lĩnh vực chỉ đạo, điều hành để chủ động xử lý, giải quyết theo thẩm quyền, nếu vượt thẩm quyền thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định.

Tiếp tục kiểm soát hiệu quả dịch bệnh và thực hiện nghiêm các công thức, phương châm phòng chống dịch đã được tổng kết. Bộ Y tế đánh giá chính xác tình hình dịch bệnh; nghiên cứu, đánh giá tình trạng kháng thể bảo vệ trước SARS-CoV-2 trên phạm vi cả nước, tham khảo kinh nghiệm quốc tế để có biện pháp phù hợp, hiệu quả để tiến tới bình thường hóa với dịch bệnh, xem COVID-19 là bệnh đặc hữu. Thủ tướng chỉ đạo thành lập Tổ công tác đặc biệt giải quyết các vấn đề có liên quan tới tình hình Ukraine do Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh làm Tổ trưởng.

Tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn, điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ, phối hợp chặt chẽ, chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và các chính sách khác. Nghiên cứu một số chính sách về thuế, phí để giảm chi phí đầu vào; nâng cao năng lực sản xuất xăng dầu trong nước.

Thủ tướng yêu cầu đẩy mạnh công tác phòng chống tiêu cực, tham nhũng, nhất là liên quan tới công tác phòng chống dịch, giá cả nguyên vật liệu, xăng dầu. Bên cạnh đó, Thủ tướng yêu cầu, đẩy mạnh giải ngân đầu tư công: “Đẩy mạnh đầu tư công, nhất là đầu tư cho hạ tầng, các bộ, ngành, các địa phương mà chưa phân bổ xong vốn cho đầu tư công trung hạn thì đề nghị các đồng chí điều chỉnh, không để nữa, hết quý 1 là anh không phân bổ được thì tôi đề nghị là cứ điều chỉnh, còn trách nhiệm người ta tính sau kiểm điểm phê bình ta đánh giá sau, nhưng trước hết phải giải quyết vấn đề tình thế, về phân bổ tích cực, đúng hướng, khả thi ba chương trình mục tiêu quốc gia; tích cực giải ngân vốn đầu tư ODA, vốn vay của nước ngoài và có một số biện pháp tích cực mạnh mẽ để chúng ta thúc đẩy việc này.”

Thủ tướng nhấn mạnh, cần bám sát chương trình làm việc của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, tập trung hoàn thiện các đề án trình Bộ Chính trị, Ban Bí thư bảo đảm chất lượng, tiến độ.

Trong tháng 3, các bộ, ngành, địa phương phải hoàn thành phương án, kế hoạch triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và theo phân công. Thủ tướng giao Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam tiếp tục chỉ đạo hoàn thiện dự thảo chương trình phòng chống dịch bảo đảm sát tình hình để sớm trình ban hành trong tuần này.

Thủ tướng lưu ý tập trung chuẩn bị thật tốt cho SEA Games 31. Tiếp tục giải quyết các công việc tồn đọng, xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án, doanh nghiệp thua lỗ; rà soát, bảo đảm an sinh xã hội, nhất là chăm lo cho những người khó khăn, yếu thế, vùng sâu, vùng xa. Việc giải quyết vấn đề hàng hóa tồn đọng tại biên giới cửa khẩu phải vừa có giải pháp trước mắt, vừa có giải pháp lâu dài.

Thủ tướng nêu rõ, phải tiếp tục bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ, thúc đẩy các hoạt động đối ngoại, hội nhập sâu rộng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, an dân.

Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần "không để đầu năm thong thả, cuối năm vất vả", phải quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt, hiệu quả, linh hoạt, sáng tạo trong điều hành, đạt kết quả ngay trong quý I, tạo đà cho cả năm 2022 là năm chiến thắng dịch bệnh, phục hồi nhanh, phát triển bền vững.

Trong buổi chiều, Chính phủ đã thảo luận, cho ý kiến về báo cáo nghiên cứu tiền khả thi Dự án đường Vành đai 4 Vùng Thủ đô và Dự án đường Vành đai 3 Thành phố Hồ Chí Minh. Phiên họp có sự tham dự của Bí thư Thành ủy TP Hà Nội và Bí thư Thành ủy TP Hồ Chí Minh.

Tại cuộc họp, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ ngành và lãnh đạo 2 thành phố đã thể hiện quyết tâm cao thực hiện dự án. Thủ tướng nhấn mạnh, Chính phủ sẽ ưu tiên nguồn lực thỏa đáng cho các dự án, yêu cầu các cơ quan, địa phương có liên quan tiếp thu các ý kiến tại cuộc họp, phối hợp chặt chẽ, làm việc "cả ngày cả đêm" để nhanh chóng hoàn thiện các báo cáo cần thiết trình các cấp có thẩm quyền theo đúng quy trình, quy định, thủ tục và kế hoạch, chương trình làm việc một cách chặt chẽ, thuyết phục, khả thi, bảo đảm tiến độ và chất lượng.