TP. Hồ Chí Minh quyết định tạm hoãn đến trường đối với học sinh lớp 1

Theo kế hoạch trước đó của UBND TP. Hồ Chí Minh, từ ngày 13/12/2021, toàn bộ học sinh lớp 1, lớp 9 và lớp 12 sẽ đi học trực tiếp tại trường. Tuy nhiên, sau khi lấy ý kiến từ các phụ huynh, đa số đều chưa đồng tình cho học sinh lớp 1 trở lại trường do các em chưa được tiêm vắc – xin và tình hình dịch bệnh trên địa bàn Thành phố còn diễn biến phức tạp... Trước sự lo lắng của phụ huynh lãnh đạo thành phố đã thay đổi quyết định tạm thời chỉ cho học sinh lớp 9 và lớp 12 trở lại trường.

Vừa qua, Sở Giáo dục và Đào tạo TP. Hồ Chí Minh đã tổ chức khảo sát lấy ý kiến của phụ huynh về việc cho trẻ lớp 1 đi học trực tiếp từ ngày 13/12. Theo thống kê được tổng hợp từ các phiếu thăm dò, lấy ý kiến phụ huynh trong buổi họp của 565 trường tiểu học với tổng số học sinh lớp 1 là hơn 131.200 em. Số người tham gia cho ý kiến là 121.700. Trong đó có 36.316 phụ huynh đồng ý cho con học trực tiếp (29,82%), hơn 85.400 người không đồng ý (hơn 70%). Đồng thời, lo ngại biến chủng mới Omicron của vi rút SARS-CoV-2 đang lây lan nhanh trên thế giới cũng là một thông tin rất  đáng lo ngại.


Trước tình hình đó, sáng 8/12, Lãnh đạo  UBND TP. Hồ Chí Minh đã có chỉ đạo khẩn, quyết định tạm thời chưa tổ chức dạy học trực tiếp tại các cơ sở giáo dục cho trẻ 5 tuổi và học sinh lớp 1 cho đến khi có thông báo mới. Vấn đề này đã được Sở Giáo dục và Đào tạo đề xuất với lãnh đạo Thành phố trước đó, do các em học sinh trong lứa tuổi này chưa được tiêm vắc – xin, tình hình dịch bệnh tại Thành phố còn rất phức tạp với hàng ngàn ca nhiễm mỗi ngày. Bên cạnh đó, trẻ em lứa 5 tuổi và học sinh lớp 1 vẫn còn quá nhỏ để tự ý thức bảo vệ bản thân mình trước dịch bệnh.

hinh-1-1638952157.jpegChưa cho học sinh lớp 1 đi học trực tiếp là một quyết định được nhiều phụ huynh đồng tình. (Hình VOV.VN)

Từ ngày 13/12, chỉ thí điểm tổ chức học tập trực tiếp cho khối lớp 9, lớp 12 đối với các cơ sở giáo dục đủ điều kiện an toàn trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 và đã được Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thủ Đức, các quận, huyện kiểm tra, thẩm định và phê duyệt kế hoạch, phương án phòng, chống dịch Covid-19 tại đơn vị.


Sau thời gian thí điểm việc tổ chức học tập trực tiếp đối với học sinh khối lớp 9, lớp 12 (từ ngày 13/12 đến hết ngày 25/12), UBND TP. Hồ Chí Minh giao Sở Giáo dục và Đào tạo chủ trì phối hợp Sở Y tế và Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19 TP. Thủ Dức, các quận, huyện tổng kết, rút kinh nghiệm và tham mưu UBND TP. Hồ Chí Minh xem xét, quyết định việc tiếp tục, mở rộng dần đối tượng hoặc tổ chức dạy học trực tiếp toàn thành phố từ ngày 3/1/2022.


Liên quan đến việc này, Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh, ông Nguyễn Văn Nên cho biết: "Tôi đã hội ý với các lãnh đạo TP. Hồ Chí Minh và có ý kiến cần phải trì hoãn kế hoạch này, bởi không ai bắt buộc mình phải thực hiện. Mặc dù kế hoạch TP. Hồ Chí Minh đưa ra là vậy nhưng tình hình đang diễn biến không như mong muốn thì nên trì hoãn… Gia đình nào cũng vậy, có con cho đi học nên cũng có tâm trạng lo sợ, trong khi mình chưa tiêm vắc-xin cho các cháu thì sự lo lắng là đúng”.


Bí thư Thành ủy TP. Hồ Chí Minh cũng cho rằng dù đã lên kế hoạch nhưng cần tùy vào tình hình diễn biến để có quyết định phù hợp, chứ không nên cứng nhắc. Bởi theo ông, ý kiến người dân là rất quan trọng và cần nhìn thấy sự không yên tâm của phụ huynh.


Liên quan đến vấn đề cho học sinh, sinh viên đến trường của Thành phố, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh vừa ký công văn khẩn về việc thí điểm dạy học trực tiếp tại 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp trực thuộc Sở này bắt đầu từ ngày 13/12/2021 theo Kế hoạch số 3997/KH-UBND của UBND thành phố.


Theo đó, 5 cơ sở giáo dục nghề nghiệp được tổ chức học trực tiếp lý thuyết và thực hành cho những học sinh, sinh viên, học viên năm cuối để làm đồ án tốt nghiệp. Cụ thể, Trường Cao đẳng Lý Tự Trọng (3.000 sinh viên), Trường Cao đẳng nghề (500 sinh viên), Trường Cao đẳng Đại Việt Sài Gòn (500 sinh viên), Trường Cao đẳng kỹ thuật Cao Thắng (1.000 sinh viên) và Trường Trung cấp Kỹ thuật - Công nghệ Hùng Vương (600 sinh viên).


Tuy nhiên Sở Lao động - Thương binh và Xã hội TP. Hồ Chí Minh lưu ý, yêu cầu người tham gia giảng dạy và học tập phải tiêm đủ vắc xin phòng Covid-19 hoặc là F0 đã khỏi bệnh không quá 6 tháng… Đồng thời, các cơ sở giáo dục nghề nghiệp định kỳ tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng toàn bộ khuôn viên, phòng làm việc và các phòng học; xây dựng phòng cách ly và phương án sử dụng trong trường hợp phát hiện người có biểu hiện của bệnh, cũng như kịch bản chi tiết để xử lý tình huống phát hiện người học có biểu hiện bệnh…/.