76 tuổi – lứa tuổi người ta lựa chọn nghỉ ngơi thì ông Ngô Tôn Đức (Thụy Khuê, Tây Hồ, Hà Nội) lại cắp sách tới trường để nâng cao tri thức pháp luật như bao bạn trẻ đã, đang là sinh viên của trường Đại học Luật Hà Nội, bởi với ông “Đi học là để bắt đầu một trang mới, bắt đầu một cuộc đời có ích”.
Lần đầu tiên Trạm yêu thương có một khách mời yêu cầu chương trình làm riêng giấy mời để “làm bằng chứng” xin phép giáo viên cho nghỉ học. Sở dĩ ông Đức làm thế vì 3 năm nay, ông chưa nghỉ học một buổi nào. Ông chia sẻ lý do chọn trường Luật bởi mong muốn giúp được mọi người biết phân biệt đúng, sai, làm theo pháp luật.
Mang đến Trạm yêu thương bảng điểm năm học vừa qua của mình, ông Ngô Tôn Đức tự hào khoe thành tích của năm học 2020-2021 đầy khó khăn, dù học online ông vẫn đạt mức giỏi. Bảng điểm của sinh viên U80 toàn điểm 8 và 9, thậm chí “còn được Hiệu trường Đại học Luật khen thưởng, nổi tiếng cả trường”. Trên sân khấu của Trạm yêu thương, ông Đức say sưa kể về lịch trình học dày đặc: ban ngày đi học, tối lên giảng đường, đêm ôn bài đến 1-2 giờ sáng. Thậm chí mỗi khi có bài tiểu luận, dù đã đi nằm rồi nhưng chợt nghĩ ra vấn đề gì, ông Đức lại bật dậy viết bổ sung vào bài.
Chăm chỉ học là thế nhưng ông Đức cũng chia sẻ không ít tình huống dở khóc dở cười về hành trình sinh viên Đại học những năm vừa qua. Đi đăng ký học thì ông bị nhầm đi xin học cho con, vào lớp thì bạn học nhầm là giảng viên, giáo sư của trường… Thế nhưng qua nhận xét của giáo viên đứng lớp, người sinh viên cao tuổi nhất trường luôn chăm chú nghe giảng. Ông là trường hợp đặc biệt chẳng cần điểm danh vì luôn đến sớm 15 phút và không lẫn với ai được. Và rất nhiều ý kiến về sinh viên đặc biệt này sẽ được bật mí trong phóng sự của Trạm yêu thương.
Tự tin đánh giá mình làm gì cũng giỏi, cái gì hay cũng học, cũng biết, nhưng ông Đức phải thành thực về điểm yếu của mình khi học online. Đó là, phải nhờ đến cô cháu gái học sau ông 1 khóa – Minh Phượng – người mà ông mệnh danh là “cánh tay phải”. Và cũng chính cô gái này sẽ bật mí nhiều “điểm yếu” khác của sinh viên 76 tuổi trong Trạm yêu thương.
Bên cạnh việc học, nhân vật của Trạm yêu thương cũng chia sẻ về cuộc sống của mình với nhiều khó khăn và mất mát. Ông tự nhủ mình đang học cho bản thân và học cho cả 3 người con đã mất nữa. Với ông Đức, việc học Đại học chỉ là mới bắt đầu, là tấm vé thông hành cho việc ông sẽ học lên Thạc sĩ và Tiến sĩ sau này.
Xoay quanh chủ đề “Không bao giờ là quá muộn để bắt đầu”, chương trình Trạm yêu thương còn kể cho khán giả câu chuyện của ông Minh, bà Cúc – cặp vợ chồng ở Long Xuyên - An Giang đã bước qua tuổi 70 nhưng vẫn cùng nhau đi “phượt” xuyên Việt, sang cả Lào, Campuchia, Myanmar... Theo đuổi đam mê “phượt” khi đã bước sang tuổi 73, nhưng với ông Minh không bao giờ là muộn, chỉ cần có vợ đồng hành trên mọi nẻo đường.
Mang tới hiều câu chuyện thú vị minh chứng cho việc theo đuổi đam mê không bao giờ là muộn, Trạm yêu thương tiếp tục là điểm hẹn đáng chờ đợi trong những ngày đầu năm mới với nhiều mục tiêu phía trước. Trạm yêu thương – chưa bao giờ là muộn để bắt đầu phát sóng lúc 10h00 mùng 5 Tết trên kênh VTV1.