Trầu cau nét đẹp người Việt…

Ông bà ta có câu: Miếng trầu là đầu câu chuyện. Miếng trầu làm cho người ta gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Với người lạ, miếng trầu để làm quen, kết bạn; với người quen, miếng trầu là tri ân, tri kỷ. Miếng trầu cũng làm người ta ấm lên trong những ngày đông lạnh giá, làm nguôi vơi bớt nỗi buồn khi nhà có tang, được chia sẻ cảm thông bởi họ hàng, bạn bè, làng xóm.

trau-cau-net-dep-nguoi-viet-1647323570.jpg

Tôi là một cô gái được sinh ra với thời hiện đại nhưng tôi không quên những hình ảnh quê hương, những nét cổ truyền trong phong tục người Việt. Khi trở về quê hương nhìn các bà dưới quê têm trầu cánh phượng rất đẹp và các bà ăn rất ngon môi đỏ thắm nhìn rất gợi quê. Dần tôi lớn tôi càng được hiểu thêm về nét trầu cau trong phong tục nước nhà quê hương.

Tôi biết từ xưa, trầu cau đã là một thứ khởi đầu các lễ nghĩa của dân tộc Việt Nam. Trầu cau vừa biểu hiện phong cách, vừa thể hiện tình cảm dân tộc độc đáo. Tục ăn trầu trở thành một nếp sống đẹp, từ việc tế tự, tang lễ, cưới xin, việc vui mừng, việc gì nhân dân ta cũng lấy miếng trầu làm trọng. Miếng trầu làm người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn. Và với các nam nữ thanh niên xưa thì nó là cội nguồn để bắt đầu tình yêu, bắt đầu câu hát, để vào với hội làng hội nước.

Người ta thường têm trầu cánh phượng để tỏ lòng trịnh trọng và biểu hiện tài khéo léo, cái nét văn hoá trong tâm hồn người. Trầu têm cánh phượng cùng với huyền thoại trầu cau mang ý nghĩa nhân văn sâu sắc, nó vừa là tình yêu, vừa là nghệ thuật, là tài năng, là tính cách, là con người cá nhân hoàn thiện, hoàn mỹ.

Đối với các nam nữ thanh niên nam nữ xưa kia thì miếng trầu là nguyên cớ để bắt đầu một tình yêu, một cuộc hôn nhân - "Miếng trầu nên dâu nhà người". Trong việc cưới, hỏi nhận lễ vật trầu cau là đồng nghĩa với việc nhận lời cầu hôn, là giao ước giữa hai họ. Đó là một nghi thức độc đáo của người Việt. Trong hôn nhân, trầu cau có một vai trò quan trọng. Tuy chỉ "Ba đồng một mớ trầu cay" nhưng "Miếng trầu nên dâu nhà người". Trong lễ cưới, hỏi và mâm cỗ cúng tơ hồng - vị thần của hôn nhân, bao giờ cũng phải có buồng cau và tệp lá trầu. Người ta xem buồng cau có đẹp không, cuống lá trầu có tươi không mà ước đoán được rằng đôi lứa ấy có đẹp duyên không. Theo tục lệ, nhà ai có con gái gả chồng, sau khi ăn hỏi xong cũng đem trầu cau biếu hàng xóm và bà con nội ngoại. Vì miếng trầu là tục lệ, là tình cảm nên ăn được hay không cũng không ai từ chối. Miếng trầu nồng thắm luôn có mặt trong hôn lễ là sự khơi gợi, nhắc nhở mọi người hướng về một tình yêu son sắt, một cuộc sống vợ chồng gắn bó, thủy chung và luôn lấy nghĩa tình làm trọng.

Tôi thấy trên khắp đất nước ta đâu đó nơi thôn dã có hàng cau đứng đợi luôn có dây trầu gần kề chờ bên giống như một gia đình đàm ấm có vợ chồng không xa cách. Trầu luôn đi kèm cùng cau. Trầu cau còn đi vào giấc ngủ của con người từ ngày này qua năm khác và hiển nhiên đi vào cuộc sống sinh hoạt của người Việt bằng những câu ví, câu đố, ca dao, ngạn ngữ, tục ngữ dân gian, những câu hát trao duyên, câu hát mời trầu của trai gái. Bên cạnh những "vôi nồng", "miếng trầu cánh phượng", "cau bổ bốn bổ ba", là những "trầu giải yếm giải khăn", "trầu loan, trầu phượng, trầu tôi trầu mình" là những "trầu tính trầu tình", "trầu nhân, trầu ngãi"... để rồi thành "trầu mình lấy ta", "trầu nên vợ nên chồng"…

Tôi không quên một câu truyện về sự tích trầu cau – một câu chuyện bi ai mà thắm đượm nghĩa tình với hình tượng khó quên: cây cau - người chồng, dây trầu - người vợ và hòn đá (vôi) - đứa em trai chồng... Sự tích ấy có tự khi nào không ai biết. Sau này, trong một lần Vua Hùng đi qua, được nghe câu chuyện cảm động đã sai người lấy quả bổ thành miếng nhỏ rồi nhai với lá cây dây leo thì thấy vị cay nồng, nhai thêm với chút bột lấy từ tảng đá thì thấy thơm và môi đỏ thắm. Người bèn đặt tên cho lá cây dây leo là lá Trầu, quả là quả Cau và bột từ phiến đá là Vôi rồi dạy cho dân Việt dùng ba thứ vôi, cau và trầu làm biểu tượng tình nghĩa thắm thiết anh - em, vợ - chồng. Tục ăn trầu có từ đó và được phổ biến trong dân gian.

Nét tài hoa của người Việt còn thể hiện trong việc têm miếng trầu. Nhìn miếng trầu được têm người thưởng thức không chỉ hiểu rõ tình cảm của người mời trầu mà còn đánh giá được sự khéo tay của người têm trầu. Trong dân gian, một cơi trầu têm khéo léo có thể nói lên tài hoa của người têm. Qua đó còn phần nào thấy được cả nền nếp giáo dục của gia đình. Chỉ là têm một miếng trầu mà dân gian đã tinh tế sáng tạo ra nhiều kiểu dáng khác nhau: trầu cánh phượng, trầu cánh kiếm, trầu mũi mác, trầu cánh quế... Tùy hoàn cảnh, tùy tình huống, miếng trầu được têm theo những cách khác nhau và ý nghĩa tượng trưng của từng kiểu dáng cũng thật rõ ràng.

Ngày nay, tuy con người đã tiến xa hơn trong nhiều lĩnh vực kinh tế - xã hội - văn hóa, nhưng miếng trầu quả cau vẫn là một phong tục đẹp, thể hiện bản sắc riêng. Ngoài ra, ăn trầu còn cho người ta cảm giác hơi say say, từ đó câu chuyện tâm tình, cởi mở... Ngà ngà đúng lúc, đúng nơi, khi sống nhàn, khi cần thư giãn, khi cần vui chơi, giải trí “sống với" bạn bè. Đó cũng là phép biện chứng "say-tỉnh" của miếng trầu, của cái sự ăn trầu.. và chính tôi một cô gái phố thị hiện đại nhưng tôi không bao giờ quên trầu câu và ý nghĩa.