Tục đầu năm mua muối của người Việt

Muối là biểu tượng của sự mặn nồng gắn bó trong tình cảm. Gừng cay muối mặn có nhau.

lay-muoi-lam-ngon-1644114737.jpg 

 

Từ khi còn bé, tôi đã nghe mẹ nói: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua vôi".

Rồi mẹ tôi giảng giải:  Đầu năm mua muối để cầu mong mặn mà ấm áp cả năm. Còn cuối năm mua vôi, để trang trí quét lại nhà cửa sân vườn. Vì ngày đó chưa có sơn như bây giờ. Hơn nữa còn có ý: Bạc như vôi... Những gì bạc bẽo cuối năm nên bỏ đi hết.

Muối là biểu tượng của sự mặn nồng gắn bó trong tình cảm. Gừng cay muối mặn có nhau.

Khi lớn lên, tôi lại nghe có người nói: "Đầu năm mua muối, cuối năm mua dầu".  Là dầu đèn để thắp ba ngày Tết... Không biết câu nào chính xác hơn, nhưng từ khi biết tự lập đến nay, bao nhiêu mùa xuân, bấy nhiêu cái Tết, cứ mỗi năm tôi đều lặng lẽ mua một gói muối. Dù nhà còn hay hết vẫn cứ mua.

Ở các thành phố lớn thì sau giao thừa là có người đi bán muối rong. Tiếng rao đầu xuân: “Ai mua muối không...?” len vào đêm vắng...  mang đến mặn nồng cả năm cho thị thành.

Còn ở quê tôi, đồng bào dân tộc ít theo tập tục này, nên muối chỉ có ở các cửa hàng tạp hóa. Ai mua cứ thế đến mua.

Có thể là mùng 2 mùng 3 Tết.  Cứ đầu năm mua một gói muối về nhà thì mới thấy yên lòng.

Sau này, khi thế hệ mình qua đi rồi, không biết lớp trẻ có còn theo nữa không?  Nhưng theo tôi, đó là phong tục đẹp, giản dị, thuần Việt mà ta nên duy trì qua các thế hệ.  Bởi nó không cầu kỳ đòi hỏi gì cả. Chỉ là mua một gói muối vào dịp đầu năm với hi vọng mặn nồng, ấm áp hạnh phúc an khang cả năm...

Một việc làm tốt như thế ta nên duy trì quá đi chứ? Phải không thưa quý vị?

Chúc năm mới an lành hạnh phúc đến mọi nhà.

 

Mồng 6 Tết Nhâm Dần – PT

Chuyện làng quê