Tục dọn gian thờ cuối năm của người Thái Tây Bắc

VOV.VN - Gian thờ và bàn thờ tổ tiên luôn được người Thái chú trọng, đặc biệt hơn là mỗi độ tết đến xuân về, vào ngày cuối năm trước khi bước sang năm mới, người Thái có tục dọn gian thờ và bàn thờ tổ tiên.

Với người Việt Nam nói chung, đồng bào dân tộc Thái nói riêng, thờ cúng ông bà tổ tiên là đạo hiếu tốt đẹp lâu đời, thể hiện lòng thành kính biết ơn sâu sắc của con cháu đối với cha mẹ, ông bà đã khuất. Với ý nghĩa sâu sắc như vậy, gian thờ và bàn thờ tổ tiên luôn được người Thái chú trọng, đặc biệt hơn là mỗi độ tết đến xuân về, vào ngày cuối năm trước khi bước sang năm mới, người Thái có tục dọn gian thờ và bàn thờ tổ tiên.

Tục dọn gian thờ và bàn thờ tổ tiên (theo tiếng Thái gọi là tọn cọ) để chuẩn bị cho việc thờ cúng tổ tiên trong dịp Tết và bước sang năm mới để cầu mong mọi thành viên trong gia đình luôn mạnh khoẻ, bình an, năm mới mưa thuận gió hoà, làm ăn thuận lợi.

Ông Cà Văn Hịch, người Thái, ở bản Co Pục, xã Chiềng Ngần, thành phố Sơn La cho biết: Theo quan niệm của người Thái, phải là chủ nhà là đàn ông hay là con trai trong nhà mới được vào dọn gian thờ, nếu chủ nhà không có nhà và không có con trai thì phụ nữ mới được vào dọn. Trước khi dọn gian thờ và bàn thờ phải chuẩn bị 1 đĩa trầu cau, 2 chén rượu đặt lên bàn thờ sau đó thắp hương khấn vái với nội dung: “Kính thưa ông bà tổ tiên, năm hết tết đến con cháu trong gia đình sẽ tổ chức cúng tết năm mới cho ông bà tổ tiên. Bây giờ con cháu sẽ xin phép được lau rửa, quét dọn gian thờ cho sạch sẽ. Cầu mong ông bà tổ tiên đừng trách phạt con cháu, phù hộ cho con cháu trong gia đình”.

Sau khi khấn vái xong, chờ nén hương cháy được nửa hoặc cháy hết thì gia chủ mới tiến hành dọn bàn thờ và những đồ vật trong gian thờ. Trong gian thờ và bàn thờ của người Thái không có nhiều đồ vật cầu kì, chỉ gồm có bát hương, 1 cái đĩa để lên trên đó 2 chén rượu, cạnh bàn thờ thì sẽ có 1 chai rượu và 1 chai nước (người Thái gọi là chài nặm tông), ở góc trong phía trên bàn thờ có cheo 1 cái túi (người Thái gọi là thồng phì hươn) trong đó có 1 quyển sổ để ghi danh sách những người đã khuất trong gia đình.

Những đồ vật được đặt trên bàn thờ và có trong gian thờ đều được mang ra ngoài để lau rửa và thay mới. Như bát hương, theo quan niệm của người Thái, nếu trong năm vừa qua, trong gia đình xảy ra nhiều chuyện không may, không tốt thì sẽ thay bát hương mới, còn nếu trong năm qua gia đình làm ăn phát đạt, con cháu khoẻ mạnh, không xảy ra chuyện gì thì có thể giữ lại.  Đối với chén, đĩa và chai nước thì sẽ rửa sạch và thay mới nước. Sau khi quét dọn và lau rửa sạch sẽ, bàn thờ và những đồ vật trong gian thờ sẽ được đặt lại vị trí cũ.

Sau khi quét dọn xong gian thờ và bàn thờ được đặt lại như cũ thì sẽ tiến hành lấy bánh chưng, nải chuối, các loại hoa quả và bánh kẹo được gia đình chuẩn bị từ trước đặt lên bàn thờ. Khi bày biện xong thì chủ nhà sẽ có lời khấn vái báo cáo với ông bà, tổ tiên: “Năm hết tết đến, con cháu trong gia đình có bánh chưng, hoa quả, bánh kẹo dâng lên  ông bà, tổ tiên. Mời ông bà tổ tiên rủ nhau xuống ăn cùng con cháu, đừng bảo ai không biết, đừng bảo ai không nghe. Ăn xong phù hộ cho con cháu sang năm mới làm ăn thuận lợi, nói được nhiều người nể, mùa màng bội thu, đi làm việc nhà nước thì đạt nhiều kết quả. Cầu mong ông bà tổ tiên phủ hộ cho con cháu”.

Ngoài thờ cúng tổ tiên vào những ngày tết, ngày lễ, từ xa xưa, người Thái đã hình thành riêng cho dân tộc mình lịch thiên can theo chu kỳ cứ 10 ngày quay vòng một lần. Dựa theo lịch này, mỗi gia đình, dòng họ sẽ chọn lấy ngày phù hợp với họ nhà mình để cất nhà, cưới xin  hay làm lễ cúng bái ông bà tổ tiên... Theo lịch thiên can này, tùy theo từng gia đình, dòng họ, người Thái  duy trì cứ 10 ngày làm cơm cúng tổ tiên một lần, gọi là “Pạt tống”.

Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đến nay vẫn được đồng bào Thái trân trọng gìn giữ. Và tục dọn gian thờ, bàn thờ ngày cuối năm cũng được các gia đình đồng bào Thái thực hiện để các thế hệ người Thái hiểu được truyền thống tốt đẹp của văn hóa dân tộc mình.