Việt Nam: Chủ động, tích cực và trách nhiệm với cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc

Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc (HĐBA  LQH) trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, bày tỏ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được HĐBA xem xét, thảo luận, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế.

Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên thảo luận mở của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc. (Nguồn: UN)

Thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt 

Từ ngày 1/1/2020, Việt Nam chính thức đảm nhiệm cương vị Ủy viên không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) nhiệm kỳ 2020-2021 và giữ vai trò Chủ tịch HĐBA tháng 1/2020. 

Trong cương vị Chủ tịch, Việt Nam đã điều hành các công việc định kỳ và đột xuất như: xây dựng và thông qua chương trình làm việc của tháng, chủ trì các cuộc họp chính thức và tham vấn kín của HĐBA, thúc đẩy thương lượng và chủ trì thông qua các quyết định của HĐBA. Bên cạnh đó, Việt Nam đã chủ trì buổi làm việc giữa các nước thành viên HĐBA với Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ), duy trì quan hệ phối hợp thường xuyên với báo chí sở tại và quốc tế, thay mặt HĐBA thông tin cho báo chí sau các cuộc họp, duyệt ký và cho lưu hành các tài liệu, văn bản quan trọng của HĐBA trên cương vị Chủ tịch.

Việt Nam đã tham gia đóng góp vào công việc chung của HĐBA trên tinh thần chủ động, tích cực và trách nhiệm, bày tỏ quan điểm của Việt Nam về các vấn đề được HĐBA xem xét, thảo luận, thể hiện rõ lập trường của Việt Nam ủng hộ tuân thủ Hiến chương LHQ và các nguyên tắc cơ bản của luật pháp quốc tế; nỗ lực thúc đẩy ngăn ngừa xung đột, giảm căng thẳng, tìm giải pháp thỏa đáng cho các tranh chấp, xung đột; ủng hộ vai trò của LHQ, các phái bộ gìn giữ hòa bình LHQ và các tổ chức khu vực. Đối với một số vấn đề phức tạp, có khác biệt quan điểm giữa các nước, Việt Nam đã chủ động nhấn mạnh HĐBA cần nỗ lực tham vấn để có đồng thuận, qua đó các nước thấy được sự tham gia thiện chí, tích cực, xây dựng của ta.

Tạo dấu ấn Việt Nam

Với cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ, Việt Nam đã có sáng kiến tổ chức, hai sự kiện quan trọng của HĐBA, tạo dấu ấn Việt Nam tại HĐBA.

Thứ nhất, là thảo luận mở của HĐBA với chủ đề “Thúc đẩy tuân thủ Hiến chương LHQ trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế” do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì với sự tham gia và phát biểu của tổng cộng 111 diễn giả (trong đó có đại diện của 106 quốc gia). Đây là số diễn giả cao nhất từ trước đến nay trong các cuộc thảo luận mở của HĐBA. Trong phát biểu, Tổng thư ký LHQ và các nước đều cho rằng trong bối cảnh LHQ và chủ nghĩa đa phương đứng trước nhiều thách thức, Hiến chương LHQ tiếp tục là nền tảng của luật pháp và quan hệ quốc tế hiện đại, các nguyên tắc của Hiến chương vẫn giữ nguyên giá trị và ngày càng thiết thực; nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, củng cố chủ nghĩa đa phương.

Trong thảo luận cũng nổi lên quan ngại về tình hình căng thẳng leo thang tại Trung Đông, các vấn đề phức tạp khác như tình hình Ukraine, Jammu-Kashmir, tình hình phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, khủng bố quốc tế; một số nước phương Tây lên án các vi phạm quyền con người, đề cao vấn đề trừng phạt các tội ác diệt chủng, chống lại loài người.

Về phía Việt Nam, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đã khẳng định Việt Nam luôn coi việc tuân thủ Hiến chương LHQ, luật pháp quốc tế là phương thức quan trọng hàng đầu vun đắp hòa bình bền vững; cho rằng HĐBA và các nước thành viên HĐBA cần đi đầu trong việc tuân thủ và thực hiện Hiến chương, đồng thời đề nghị các nước thành viên LHQ tăng cường đối thoại, đề cao chủ nghĩa đa phương, phát huy tối đa các công cụ Hiến chương đã đề ra; tăng cường hiệu quả và vai trò của các tổ chức khu vực, đặc biệt trong phối hợp với LHQ và HĐBA.

Dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, lần đầu tiên HĐBA thông qua Tuyên bố Chủ tịch về Hiến chương LHQ khẳng định giá trị bền vững của Hiến chương trong duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, phát triển luật pháp quốc tế và điều chỉnh quan hệ giữa các quốc gia; tái khẳng định cam kết của HĐBA đối với tôn chỉ, mục đích của Hiến chương; nhấn mạnh tất cả các nước, các cơ quan LHQ, các tổ chức khu vực... cần luôn hành động phù hợp với Hiến chương LHQ, bảo đảm xử lý các vấn đề liên quan đến hòa bình và an ninh quốc tế phù hợp với Hiến chương.

Thứ hai, là phiên họp đầu tiên của HĐBA về hợp tác giữa LHQ và ASEAN. Phiên họp đã đánh giá cao các thành tựu của ASEAN trong hội nhập, phát triển kinh tế, giữ gìn hòa bình, ổn định ở khu vực và đóng góp ngày càng nhiều vào công việc chung của cộng đồng quốc tế, đặc biệt là đối với hoạt động gìn giữ hòa bình LHQ; hoan nghênh vai trò và đóng góp của Việt Nam (đăng cai Hội nghị thượng đỉnh Mỹ-Triều, tổ chức đào tạo theo mô hình 3 bên cho các hoạt động gìn giữ hòa bình, phối hợp hiệu quả với LHQ trong lĩnh vực phụ nữ, hòa bình và an ninh...); thể hiện sự coi trọng hợp tác song phương và đa phương với ASEAN trên nhiều lĩnh vực như thúc đẩy thương mại, kinh tế, an ninh mạng, biến đổi khí hậu, hàng hải...; mong muốn ASEAN tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt trong việc giải quyết các thách thức và duy trì hòa bình, an ninh ở khu vực và thế giới. Nga, Tunisia (là thành viên của các tổ chức khu vực khác như Tổ chức hợp tác Thượng Hải, Liên minh châu Phi) đã chia sẻ kinh nghiệm thành công và đề xuất các biện pháp tăng cường hợp tác với ASEAN.

Cuộc họp đã đề cập tới hai vấn đề khu vực là Biển Đông (Đức, Bỉ, Pháp, Anh, Estonia, Nga, Mỹ, Trung Quốc) và Rakhine (Đức, Mỹ, Pháp, Anh, Tunisia-phát biểu thay mặt Nam Phi và Niger, Bỉ, Estonia, Nga, Trung Quốc).

Về vấn đề Biển Đông, các nước đều hoan nghênh tiến trình đàm phán Bộ quy tắc ứng xử (COC) giữa ASEAN và Trung Quốc, kêu gọi xây dựng lòng tin, ngăn ngừa xung đột và giảm căng thẳng. 

Về vấn đề Rakhine, các nước đều hoan nghênh và ghi nhận vai trò của ASEAN, Trung tâm hỗ trợ nhân đạo ASEAN (AHA) trong việc giải quyết vấn đề hồi hương ở bang Rakhine. 

Việt Nam đã nhấn mạnh vai trò và đóng góp của ASEAN trong hình thành và chia sẻ các chuẩn mực ứng xử, tăng cường hợp tác với các đối tác thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, thúc đẩy văn hóa hòa bình, tham vấn và đối thoại; nhấn mạnh ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực, vai trò trung tâm của LHQ trong hệ thống đa phương toàn cầu, tăng cường hợp tác ASEAN-LHQ, trong đó có lĩnh vực an ninh hàng hải; đồng thời nêu các ưu tiên mà Việt Nam dự kiến thúc đẩy giữa LHQ và ASEAN.

Đánh giá cao vai trò, sự tham gia của Việt Nam

Sự tham gia tích cực, chủ động và có trách nhiệm của Việt Nam với cương vị Ủy viên không thường trực HĐBA LHQ đều được các nước đánh giá cao. Các nước đều thể hiện tôn trọng vai trò, sự tham gia của Việt Nam; ủng hộ cách làm và các sáng kiến, nội dung Việt Nam thúc đẩy. 

Pháp đánh giá Việt Nam đã điều hành khéo léo và hiệu quả, giúp giảm căng thẳng các cuộc thảo luận về Trung Đông, Libya.

Indonesia chúc mừng Việt Nam hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ tháng Chủ tịch và tin tưởng sự hiện diện của hai nước ASEAN cùng trong HĐBA sẽ mang lại nhiều giá trị hơn nữa cho cả nhóm.

Bỉ bày tỏ ấn tượng với thành công của thảo luận mở về 75 năm Hiến chương LHQ và sẽ phải cố gắng giữ nhịp khi đảm nhiệm chức Chủ tịch tháng 2/2020.

Nga, Trung Quốc chia sẻ với Việt Nam về lập trường, quan điểm trên nhiều vấn đề.

Ấn Độ và Myanmar cảm ơn Việt Nam đã nỗ lực hỗ trợ bạn trong việc hạn chế những thảo luận về các vấn đề liên quan đến bạn trong chương trình của HĐBA.

 

Dư luận báo chí quốc tế đánh giá tích cực vai trò của Việt Nam trong tháng Chủ tịch HĐBA. Tạp chí Geopolitical Monitor (Canada) đánh giá Việt Nam đang là tâm điểm chú ý của toàn cầu với vị trí, uy tín và trách nhiệm kép là Chủ tịch ASEAN 2020 và Chủ tịch HĐBA tháng 01/2020. Hãng tin Tân Hoa Xã (Trung Quốc), Hãng Thông tấn Pháp (AFP) đưa tin về việc Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh chủ trì phiên Thảo luận mở đã thu hút sự quan tâm kỷ lục của các nước thành viên LHQ.

Từ thực tiễn hoạt động trong tháng 1/2020 cho thấy HĐBA vẫn tiếp tục là cơ chế đa phương đóng vai trò quan trọng hàng đầu, chưa thể thay thế trong việc gìn giữ hòa bình và an ninh quốc tế; đồng thời có thể có tiếng nói chung trên các vấn đề không có cọ xát cơ bản về lợi ích hoặc đáp ứng quan tâm chung của đông đảo các nước như tuân thủ Hiến chương LHQ, thúc đẩy hợp tác với các tổ chức khu vực, các hoạt động gìn giữ hòa bình. 

Việt Nam đã hoàn thành nhiệm vụ là Chủ tịch HĐBA thành công, đáp ứng tốt các mục tiêu, yêu cầu và phương châm đề ra trong Đề án tổng thể tham gia HĐBA đã được Bộ Chính trị phê duyệt. Lãnh đạo LHQ và các nước bày tỏ chúc mừng và đánh giá cao việc Việt Nam điều hành công việc HĐBA một cách chuyên nghiệp, minh bạch, có tham vấn rộng rãi; hoan nghênh sáng kiến của Việt Nam tổ chức 2 sự kiện điểm nhấn trong tháng 1/2020. Hai sự kiện này đã thực sự để lại dấu ấn quan trọng, thể hiện vai trò nòng cốt, dẫn dắt theo quan điểm chỉ đạo của Chỉ thị 25 ngày 8/8/2018 của Ban Bí thư về đẩy mạnh và nâng tầm đối ngoại đa phương. Chủ đề “Tuân thủ Hiến chương LHQ” là rất đúng và trúng, đáp ứng lợi ích chung của cộng đồng quốc tế về hòa bình, ổn định, tôn trọng luật pháp quốc tế, và kịp thời về thời điểm khi chủ nghĩa đa phương và LHQ gặp nhiều thách thức. Đây cũng là sự kiện điểm nhấn đầu tiên cho năm 2020 kỷ niệm 75 năm thành lập LHQ, có tính định hướng cho hoạt động của LHQ thời gian tới.

Việc HĐBA lần đầu tiên họp về hợp tác LHQ-ASEAN đã giúp nâng cao nhận thức rộng rãi về vai trò, đóng góp của ASEAN và tầm quan trọng của hợp tác ASEAN-LHQ. Lần đầu tiên tại HĐBA, vấn đề Biển Đông được nhiều nước quan tâm, chủ động đề cập và trao đổi tương đối cụ thể; các ý kiến phát biểu không đi vào tranh cãi về chủ quyền tại Biển Đông mà tập trung nêu đậm những tác động có thể có đối với hòa bình và an ninh quốc tế.

Việc đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch HĐBA là kết quả bước đầu quan trọng, tạo thuận lợi cho tham gia của Việt Nam tại HĐBA trong thời gian tới. Kết quả này có được nhờ chủ trương, đường lối đối ngoại đúng đắn của Đảng, Nhà nước và đánh giá đúng tình hình, xu hướng quốc tế; cũng như vị thế, vai trò quốc tế và năng lực đa phương ngày càng tăng của Việt Nam. Bên cạnh đó, Việt Nam đã có sự chuẩn bị từ rất sớm, kỹ lưỡng và toàn diện, đặc biệt là nghiên cứu các vấn đề để đưa ra sáng kiến, cũng như xây dựng lập trường đối với tất cả các vấn đề trong chương trình nghị sự HĐBA. Việt Nam cũng đã tham vấn, trao đổi chặt chẽ với tất cả các thành viên HĐBA, nhất là các nước P5, qua đó tạo dựng đồng thuận, ủng hộ vai trò Chủ tịch và các đề xuất, sáng kiến của Việt Nam.