Vĩnh Phúc: Bưởi Vĩnh Tường - Hương vị đất phủ

Bằng sự cần cù, chịu khó, nhiều hộ nông dân huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) đã biến những mảnh đất nông nghiệp hiệu quả kinh tế thấp thành những vườn bưởi xum xuê trái ngọt, đem lại thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

Thực hiện chuyển dịch cơ cấu cây trồng, trong những năm gần đây, UBND huyện Vĩnh Tường đã khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để người dân các xã vùng bãi tập trung trồng thâm canh cây bưởi Diễn tăng thu nhập, làm giàu chính đáng. Đến nay, nhiều người dân đã có thu nhập cao từ trồng bưởi Diễn với hàng trăm triệu đồng/năm. Loại cây trồng này đã ngày càng thu hút được nhiều hộ gia đình tham gia và mở rộng diện tích.

Cây bưởi là loài cây dễ trồng, không đòi hỏi kỹ thuật quá cao, chỉ cần chăm sóc chu đáo là cho thu hoạch khá. Đối với quả bưởi Diễn có nhiều ưu điểm như mẫu mã đẹp, khi chín vỏ màu vàng, tôm đều, vị ngọt mát thanh khiết, chín vào dịp Tết Nguyên Đán, có thể để trong thời gian nhiều tháng kể từ khi hái mà chất lượng vẫn không ảnh hưởng.

IMG_0213

Vườn bưởi của gia đình ông Phùng Văn Tân đem lại hiệu quả kinh tế cao

Ngày nào cũng vậy, trên vườn bưởi với gần 200 gốc của gia đình, ông Phùng Văn Tân (thôn Yên Định, xã Phú Đa) – Chủ tịch Hội trồng bưởi Vĩnh Tường có mặt từ sáng sớm đến chiều muộn để vun tưới, chăm sóc cho cây. Ông Tân cho biết, trước đây khi chưa có chương trình phát triển cây bưởi, gia đình tôi đã trồng qua không ít loại cây. Sau vài năm không cho thu hoạch, cuối cùng đành phải chặt bỏ đi, tốn kém biết bao công sức, thời gian mà không mang lại hiệu quả. Năm 2005, gia đình liên kết với Viện Bảo vệ Thực vật đưa cây bưởi Diễn về trồng thử nghiệm trên vườn nhà. Sau 3 năm, cây bưởi Diễn đầu tiên của gia đình bắt đầu cho quả, số lượng tuy ít nhưng bù lại quả đẹp. Nhờ thực hiện đúng các biện pháp kỹ thuật thâm canh nên bưởi trong vườn nhà ông Tân sinh trưởng tốt, không sâu bệnh, tỷ lệ đậu quả cao.số lượng quả tăng lên qua từng năm, thu nhập vì thế cũng cao hơn. Đến nay, sau 15 năm trồng, với gần 200 gốc bưởi này, mỗi năm, ước tinh gia đình ông Tân thu nhập gần nửa tỷ đồng.

81996691_723803878146605_3044410245473370112_n

Bưởi Diễn trồng ở Vĩnh Tường vị ngọt, nhiều nước, hương thơm đặc trưng

Bưởi Diễn trồng ở huyện Vĩnh Tường được người tiêu dùng rất ưa chuộng bởi vị ngọt, hương thơm đặc trưng, cùi mỏng và nhiều nước. Do trong quá trình chăm sóc gia đình các hộ nông dân hầu như không sử dụng các loại thuốc hóa học nên bưởi được nhiều người dân trong vùng tin, mua. Những gốc bưởi đã cho trái sai lúc lỉu, vàng rực, sẵn sàng cho dịp Tết Nguyên đán Canh Tý tới.

Tính đến cuối năm 2019, diện tích trồng bưởi của huyện Vĩnh Tường đạt trên 100 ha, chiếm gần 18% tổng diện tích cây ăn quả toàn huyện, tập trung chủ yếu ở các xã vùng bãi như: Vĩnh Ninh, Phú Đa, Phú Thịnh, Vĩnh Thịnh… Trong đó, giống bưởi được trồng chủ yếu là bưởi Diễn với diện tích gần 50 ha, chiếm gần 57%. Diện tích có quy mô 0,5 ha/hộ trở lên khoảng 18 hộ. Riêng xã Vĩnh Ninh có diện tích trồng nhiều nhất (12 ha), hộ trồng nhiều nhất là 0,372 ha. Hiện nay, Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường có khoảng gần 100 hội viên. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, Hội trồng bưởi huyện Vĩnh Tường đã thống nhất và sớm đưa ra những quy trình trồng và chăm sóc cây bưởi một cách khắt khe hơn, đảm bảo những quả bưởi được dán tem nhãn sẽ có chất lượng tốt nhất, tăng sức cạnh tranh của thương hiệu bưởi Vĩnh Tường trên thị trường. Ngoài ra, việc người dân các địa phương huyện Vĩnh Tường đồng thuận “dồn thửa, đổi ruộng” cũng là điều kiện tốt để người dân chuyên canh cây hàng hóa, xây dựng sản phẩm cây trồng có chất lượng và uy tín.

82657310_856443108119603_6298267083692048384_n

Ông Lê Đức Anh, Trưởng phòng Nông nghiệp huyện Vĩnh Tường (ảnh trên) cho biết, thực hiện chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, phòng đã bám sát chương trình chỉ đạo của huyện, thường xuyên tuyên truyền, vận động nông dân chuyển đổi diện tích canh tác cho giá trị thấp sang sản xuất chuyên canh cây bưởi. Đồng thời, xây dựng kế hoạch vận động nông dân phát triển thương hiệu “Bưởi Vĩnh Tường hương vị đất phủ” áp dụng khoa học vào sản xuất theo quy trình bưởi hữu cơ và Vietgap. Ngoài ra còn thực hiện đề tài khoa học “Nghiên cứu giải pháp bảo quản bưởi sau thu hoạch trên địa bàn tỉnh” với cách bảo quản trong cát khô kéo dài thời gian bảo quản lên tới 6 tháng, giúp cho các hộ trồng có thể bảo quản quả bưởi lâu hơn với chi phí thấp.

IMG_0216

Bưởi Vĩnh Tường được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể

Ngày 17/10/2019, Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa Học và Công Nghệ) đã ra Quyết định số 91525/QĐ-SHTT về việc cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu tập thể “Bưởi Vĩnh Tường hương vị đất phủ”. Việc cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu sẽ giúp các hội viên yên tâm mở rộng diện tích trồng bưởi, tăng khả năng cạnh tranh cho sản phẩm trên thị trường, ổn định đầu ra và góp phần nâng cao thu nhập. Đồng thời, giúp người tiêu dùng yên tâm khi sử dụng sản phẩm có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng, đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm.

“Vĩnh Tường còn nhiều tiềm năng phát triển cây bưởi, mong mỏi của người dân trồng bưởi là chính quyền địa phương sẽ tiếp tục đồng hành, tạo điều kiện để người dân phát triển sản xuất theo hướng an toàn để tăng giá trị nông sản và gắn bó lâu dài với loại cây này”, ông Phùng Văn Tân – Chủ tịch Hội trồng bưởi Vĩnh Tường chia sẻ.