Vĩnh Phúc: Phòng, chống dịch cúm gia cầm chủng H5N1 và H5N6

Tuy Vĩnh Phúc đến thời điểm này chưa xuất hiện bệnh cúm gia cầm nhưng nguy cơ này xuất hiện, lây lan rất cao và có nguy cơ ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng, vì từ đầu tháng 1/2020 đến nay, nước ta đã xuất hiện 8 ổ dịch cúm gia cầm H5N6 tại 4 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Quảng Ninh, Thanh Hóa và Nghệ An.

 

IMG_8838 (FILEminimizer)(1)

Lực lượng thú y huyện Vĩnh Tường tích cực phun thuốc khử trùng ngăn chặn mầm mống dịch bệnh tại chuồng trại

Ông Lê Xuân Công, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Vĩnh Phúc cho biết:  Tổng đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh là hơn 11 triệu con. Sau khi bệnh dịch tả lợn châu Phi bùng phát gây thiệt hại cho người chăn nuôi, nhiều hộ đã chủ động tận dụng chuồng trại sẵn có để nuôi gà, vịt, nhờ vậy mà tổng đàn tăng. Công tác phòng chống dịch bệnh ở đàn gia cầm trên địa bàn tỉnh từ trước đến nay được người chăn nuôi chủ động thực hiện như: tiêm phòng vắc xin, vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại. Để phòng chống dịch hiệu quả, kinh nghiệm rút ra là phải chủ động phòng bệnh cho đàn gia cầm, áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học, ngăn chặn mầm bệnh xâm nhập vào cơ sở chăn nuôi; tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho đàn gia cầm; thường xuyên vệ sinh tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi bằng hóa chất, vôi bột; hạn chế người ngoài ra vào khu vực chăn nuôi, che chắn chuồng trại; kiểm soát nguồn con giống nhập về để chăn nuôi phải rõ nguồn gốc, được nuôi cách ly, theo dõi. Cần giám sát chặt chẽ vật nuôi, khi có biểu hiện bất thường cần báo ngay cho cán bộ thú y hoặc chính quyền cơ sở biết để xác minh làm rõ nguyên nhân và có hướng giải quyết kịp thời.

Tại huyện Vĩnh Tường (Vĩnh Phúc) có hơn 11.000 hộ chăn nuôi gia cầm với tổng số hơn 881.000 con gia cầm các loại. Sau khi có văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh, huyện đã huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Từ ngày 12 - 16/2/2020, Phòng NN&PTNT huyện Vĩnh Tường đã phối hợp với Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh tổ chức đợt tổng vệ sinh, phun khử trùng tiêu độc môi trường chăn nuôi tại 29/29 xã, thị trấn trong toàn huyện với hơn 24.560 hộ; tiêm phòng bổ sung vắc xin cúm cho hơn 21.000 con vịt thuộc 5 xã (Nghĩa Hưng, Tân Tiến, Vân Xuân, Kim Xá, Yên Bình). Theo kế hoạch sẽ tiến hành tiêm vắc xin cúm gia cầm cho 325.500 con gia cầm (ngan, gà, vịt) của các hộ chăn nuôi quy mô từ 1.000 con trở xuống từ nay cho đến ngày 30/4/2020. Cùng với việc thực hiện công tác tiêm phòng cho đàn gia cầm, huyện sẽ tổ chức tổng vệ sinh, tiêu độc, khử trùng tập trung chuồng trại, môi trường chăn nuôi cho các hộ có chăn nuôi gia súc, gia cầm.

21

Người chăn nuôi trên địa bàn xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) luôn chủ động các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm cho đàn vật nuôi của gia đình. Ảnh: Hồng Liên

Đi cùng cán bộ Phòng Nông nghiệp Vĩnh Tường chúng tôi tới nhà ông Trần Văn Trung, thôn Đình, xã Yên Bình (Vĩnh Tường). Gia đình ông hiện nuôi khoảng 4.000 con gà. Ông Trung chia sẻ: “Trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch cúm gia cầm từ đầu năm nay, gia đình tôi luôn chú ý theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt tình hình, đồng thời tăng cường công tác phòng, chống dịch. Cán bộ thú y xã đã đến trực tiếp các nhà có nuôi gia cầm để hướng dẫn chúng tôi phun thuốc tiêu độc, tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh nhằm bảo vệ đàn nuôi…”.

Với quy mô chăn nuôi lớn, nên việc phòng, chống dịch bệnh cho vật nuôi luôn được gia đình anh Chu Văn Tuyến, thôn Nội, xã Tân Tiến (Vĩnh Tường) quan tâm; nhất là khi thời tiết mùa Xuân luôn có mưa ẩm như hiện nay. Anh Tuyến cho biết: Hiện nay, gia trại của gia đình nuôi trên 7.000 gà đẻ và gà hậu bị; gia đình đã được chính quyền tuyên truyền về dịch CGC, mặc dù trên địa bàn chưa xuất hiện dịch bệnh. Tuy nhiên, đây là thời điểm các hộ chăn nuôi tái đàn, trong quá trình mua bán, vận chuyển giống gia cầm rất dễ mang mầm bệnh ở tỉnh khác xâm nhập vào đàn gia cầm của địa phương. Do đó, gia đình không chỉ khử trùng bằng vôi bột, phun hóa chất (3 lần/tuần) đối với chuồng trại mà còn không thả rông gia cầm. Nhờ tuân thủ nghiêm các quy trình đó, nên nhiều năm nay, đàn gia cầm của gia đình luôn khỏe mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao.

Theo khuyến cáo của Bộ Y tế, cúm gia cầm là bệnh truyền nhiễm nguy hiểm, có tốc độ lây lan nhanh và làm chết hàng loạt gia cầm. Đặc biệt, bệnh có thể lây sang người. Vì vậy, người chăn nuôi cần thực hiện tốt 5 không: Không giấu dịch; không bán chạy gia súc, gia cầm bị bệnh; không vận chuyển gia súc, gia cầm và sản phẩm gia súc, gia cầm bị bệnh; không ăn thịt gia súc, gia cầm ốm, chết hoặc không rõ nguồn gốc; không vứt xác gia súc, gia cầm ốm, chết ra ngoài môi trường...