Yên Bái: Giữ gìn bản sắc văn hóa Dao trong ngày xuân

Trong bối cảnh hội nhập sâu rộng với các nền văn hóa khác, nhiều nét văn hóa của đồng bào Dao đang dần bị mai một. Ý thức được điều này, nhiều người am hiểu về văn hóa dân tộc Dao đã tranh thủ các dịp lễ tết, hay những ngày nông nhàn để truyền dạy văn hóa truyền thống cho con cháu.

Dân tộc Dao ở Yên Bái có nhiều ngành, như: Dao đỏ, Dao làn tuyển, Dao quần  trắng, Dao quần chẹt..., ngoài các điểm chung, mỗi ngành Dao còn có những nét văn hóa đặc sắc riêng. Trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng với các nền văn hóa khác, nhiều nét văn hóa của đồng bào Dao đang dần bị mai một.

Ý thức được điều này, nhiều người am hiểu về văn hóa dân tộc Dao đã tranh thủ các dịp lễ tết, hay những ngày nông nhàn để truyền dạy văn hóa truyền thống của dân tộc mình cho con cháu. 

Là người am hiểu về văn hóa, phong tục, tập quán, chữ viết của người Dao,  ông Dương Trung Vi ở xã Minh An, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái luôn trăn trở về việc bảo tồn, gìn giữ các nét văn hóa dân tộc mình, bởi lớp trẻ ngày nay không nhiều người quan tâm đến việc lưu giữ, bảo tồn truyền thống văn hóa của dân tộc.

Từ thực tế ấy, mỗi dịp tết đến xuân về, ông Vi lại cùng những người hiểu về chữ viết, nghi thức người Dao ở xã tổ chức buổi gặp mặt để vừa thăm chúc nhau, vừa khơi dậy niềm tự hào văn hóa dân tộc, từ đó vận động lớp trẻ tham gia vào các lớp học chữ Nôm Dao do nhóm ông truyền dạy.

 Ông Vi cho biết, lớp trẻ người Dao không còn nhiều hứng thú với việc học chữ của dân tộc mình, nên người truyền dạy phải tâm huyết, tỉ mỉ, vừa dạy vừa động viên, chia sẻ với người học. Ông Dương Trung Vi nói: "Chữ Nôm Dao cũng có các cấp độ như chữ Quốc ngữ. Nội dung trong các sách Nôm Dao rất hay và sâu xa, chủ yếu là răn dạy làm người, những điều cấm kỵ không được phạm phải, rồi đến các nghi lễ trong đời sống. Hiện nay, có nhiều nguyên nhân nên chữ Nôm Dao đang bị mai một, ở một số thôn bản không ai biết chữ Nôm Dao. Vì vậy ngoài nỗ lực của chúng tôi, rất mong các cấp, các ngành quan tâm giúp đỡ để mở được những lớp học chữ Nôm Dao bài bản hơn cho lớp trẻ".

 

Nôm Dao là loại chữ tượng hình, khó viết, khó học. Mỗi người học thường phải theo từ 2 đến 3 năm liên tục mới có thể biết đọc, biết viết cơ bản. Vì thời gian học kéo dài, nên để không ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, phát triển kinh tế của người học, các lớp dạy học chữ Nôm Dao ở Minh An được tổ chức vào buổi tối; riêng các ngày lễ, ngày tết thì học vào ban ngày. Để cho người học hứng thú, có thêm kinh nghiệm, hạn chế bỏ dở giữa chừng, người truyền dạy (các thầy cúng) cũng thường tổ chức cho các học viên đi thực tế qua các nghi lễ cấp sắc, tết nhảy, giải hạn, lễ cưới…

Anh Dương Trung Lưu, người dân ở Minh An cho biết mình rất vui khi bằng sự kiên trì, tích cực học hỏi, từ một người “mù” chữ nôm Dao, nay anh đã có thể đọc thông, viết thạo loại chữ này: "Em thấy biết sử dụng chữ Nộm Dao rất hữu ích trong cuộc sống, các việc như lễ cấp sắc, tết nhảy, lễ giải hạn, xem ngày làm nhà, đám cưới...đều nằm trong đó. Bây giờ rất ít người biết chữ Dao nên em đã cố gắng theo học, tích lũy kiến thức để phục vụ đời sống hằng ngày và để lưu giữ bản sắc văn hóa của dân tộc mình".

Thổ cẩm là loại vải được đồng bào dệt thủ công, qua bàn tay khéo léo của người phụ nữ Dao đã trở thành những bộ trang phục với họa tiết, hoa văn độc đáo, là nét văn hóa truyền thống đặc sắc của đồng bào Dao trong may mặc, cũng như trong đời sống sinh hoạt thường ngày.

Để lưu giữ nét văn hóa truyền thống ấy, cứ vào dịp tết, ngày lễ, những khoảng thời gian nông nhàn, chị em phụ nữ Dao ở Minh An lại tụ họp tại nhà văn hóa thôn để vừa vui xuân, vừa chia sẻ, trao đổi với nhau về cách thêu những hoa văn, họa tiết trên trang phục người Dao như: hình ảnh chim muông, thú rừng, đồi núi, các loài hoa…

 

Bà Triệu Thị Duyên - người dệt thổ cẩm rất khéo ở xã Minh An, huyện Văn Chấn cho biết: "Tôi cảm thấy mình cần phải có trách nhiệm với dân tộc mình, mình biết thêu, mình phải dạy con cháu để truyền đời này sang đời khác, nếu không lớp già qua đi sẽ không còn ai biết nữa. Tôi luôn tâm niệm, là người Dao mình cần phải lưu giữ những gì thuộc về truyền thống, khi tham dự các ngày lễ, đi chơi tết thì nên mặc nó, nó là sắc màu dân tộc".

Cùng với chữ viết và trang phục truyền thống, dân ca cũng là một phần không thể thiếu trong đời sống sinh hoạt của người Dao ở Minh An nói riêng, tỉnh Yên Bái nói chung. Trước đây, mỗi khi rảnh rỗi, hay mỗi dịp lễ tết, vào nhà mới, đám cưới… bà con thường hát những bài dân ca Dao truyền thống nói về tình yêu đôi lứa, những điều răn dạy, quá trình xây dựng cuộc sống mới; các nghệ nhân còn sáng tác lời mới có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương đất nước... Ngày nay do xu thế hội nhập, giao thoa văn hóa giữa các dân tộc, thế hệ trẻ người Dao không còn mấy ai biết hát những làn điệu dân ca dân tộc mình, thậm chí nhiều người còn không biết nói tiếng Dao.

Với mong muốn bản sắc văn hóa dân tộc được phát huy, một số nghệ nhân người Dao ở Minh An đã tham gia vào các đội văn hóa, văn nghệ ở thôn, bản để tổ chức truyền dạy cho lớp trẻ những điệu múa, những bài hát giao duyên truyền thống, múa chuông, múa bắt ba ba, múa kiếm, múa đao của người Dao...

Bà Triệu Thị Dong, một trong những người vừa biết hát, vừa biết sáng tác dân ca dân tộc Dao nói: "Tôi thích hát từ khi tôi còn nhỏ, lớn lên được bố mẹ dạy hát, tôi thấy bài hát người Dao mình rất gần gũi với cuộc sống. Ngày nay, bài hát Dao không chỉ được sử dụng trong các nghi lễ, mà còn có trong các hội diễn nữa, vì thế, thời gian qua tôi đã cố gắng truyền dạy cho lớp trẻ biết hát làn điệu dân ca Dao".

 

Ông Dương Đức Tơ, Chủ tịch Hội người Cao tuổi xã Minh An, huyện Văn Chấn - người được xã phân công phụ trách việc bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc Dao ở Minh An cho biết: Ông thường xuyên lồng ghép nội dung về lưu giữ, bảo tồn văn hóa vào các cuộc họp thôn, bản. Hiện tuy chưa mở thành lớp học, hay câu lạc bộ chính thức, nhưng các nghệ nhân và chị em phụ nữ ở xã đã lập thành các nhóm nhỏ, hoặc từng nhóm tự dạy và học chữ nôm Dao, học hát dân ca Dao...

"Mấy năm qua, nhận thức được vấn đề chữ viết rất cần thiết. Do đó, dù chưa có chủ trương, chưa có kinh phí, nhưng bà con ở các thôn đã mở một số lớp do các nghệ nhân truyền dạy. Qua các lớp này cũng đã có một số người viết được, đọc được, dịch được, hiểu được và áp dụng được vào trong cuộc sống. Đối với thêu thùa và hát dân ca thì chưa mở lớp được, nhưng ở các thôn bản đã có học theo nhóm và được chính quyền khuyến khích".

 Đón xuân này, bà con người Dao ở Minh An nói riêng, ở tỉnh Yên Bái nói chung rất phấn khởi khi qua một năm, bản làng lại có thêm những người biết đọc, biết viết chữ Nôm Dao; biết thêu; biết hát dân ca dân tộc mình. Cùng với đó, là có thêm nhiều hộ thoát nghèo, thêm những bản làng thay da đổi thịt.

Vui hơn nữa là vào quý II năm nay, với sự hỗ trợ của Hội khuyến học tỉnh Yên Bái, lần đầu tiên trên địa bàn xã Minh An, huyện Văn Chấn sẽ có một lớp học về văn hóa Dao được tổ chức bài bản. Đây sẽ là cơ hội tốt để các nét văn hóa của đồng bào được lưu truyền mãi mãi.