Bắc Giang: Bảo tồn vốn quý dân ca

Sưu tầm tài liệu; tự mua sắm trang phục, đạo cụ; duy trì hoạt động đều đặn… là những việc đã, đang được các câu lạc bộ (CLB) dân ca ở xã Vô Tranh, huyện Lục Nam (Bắc Giang) thực hiện nhằm bảo tồn, phát huy giá trị  di sản văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS). Xin chia sẻ nội dung trên http://vanhien.vn/ đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/...

bac giang dan ca

Một buổi sinh hoạt của CLB hát Then thôn Mỏ Sẻ - Đồng Mạ, xã Vô Tranh (Lục Nam)

Vui vì được hát

8 giờ sáng, tại nhà văn hóa thôn Đồng Mạ, gần 20 thành viên CLB hát Soọng Cô của xã đã ngồi tập luyện. Ông Lưu Đình Tiến (73 tuổi), dân tộc Sán Dìu, Chủ nhiệm CLB chia sẻ: Hát Soọng Cô là loại hình diễn xướng dân ca dân gian bắt nguồn từ chính cuộc sống lao động của đồng bào dân tộc. Lời ca, giai điệu của Soọng Cô chủ yếu ca ngợi vẻ đẹp thiên nhiên, truyền tải tâm tư, tình cảm, mong ước cuộc sống no đủ tới con người.

CLB hát Soọng Cô xã Vô Tranh thành lập năm 2009, ban đầu chỉ có hơn 10 thành viên. Những ngày đầu, CLB gặp nhiều khó khăn vì đặc điểm của hát Soọng Cô không có nhạc đệm, một số người trong xã biết hát song qua đời từ lâu nên chẳng mấy ai được truyền dạy. 

Có người biết đôi chút nhưng chủ yếu truyền miệng, không có tài liệu hướng dẫn. Thế nên, dù là thôn có đông đồng bào dân tộc Sán Dìu nhưng không phải ai cũng biết hát Soọng Cô. “Đích thân tôi đến nhiều nơi sưu tầm tài liệu của các nhà nghiên cứu đưa về để bà con học”, ông Tiến nói.

Đến nay, CLB thu hút gần 20 thành viên, nhiều người 70-80 tuổi nhưng vẫn nhiệt tình học hát. Hằng tháng, vào tối hôm Rằm, CLB sinh hoạt tại nhà văn hóa thôn. Lý giải thời gian hát vào dịp này, bà con cho rằng, đó là nét đẹp văn hóa từ xa xưa còn lưu lại. Ngoài hát mừng đám cưới, chúc Tết, cầu mong mùa màng tươi tốt…, những tối trăng Rằm, trai gái thường tỏ tình nhau qua câu hát, cũng từ đây biết bao đôi nên vợ nên chồng.

Do nguồn kinh phí hỗ trợ từ cấp trên có hạn nên mọi thành viên trong CLB tự đóng góp gây dựng quỹ, mua trang phục, dụng cụ biểu diễn song ai nấy đều cảm thấy vui. Cũng vì yêu câu hát, một số gia đình có cả hai vợ, chồng tham gia. 

Đơn cử như vợ chồng ông Từ Văn Hải - bà Dương Thị Hòn; ông, bà Trần Văn Thông - Hoàng Thị Sơn dù bận rộn với vườn tược, chăn nuôi nhưng hầu như 10 năm nay chưa bỏ buổi sinh hoạt nào. Các gia đình còn động viên 3 cháu nội, từ 7-8 tuổi tham gia như các cháu Từ Diệp Ân, Từ Minh Vy, Trần Thanh Thúy.

Rời thôn Đồng Mạ, chúng tôi được lãnh đạo UBND xã đưa tới nhà văn hóa thôn Mỏ Sẻ cách đó vài cây số để tìm hiểu thêm về một loại hình dân ca cũng được chính quyền địa phương quan tâm khôi phục là hát Then của dân tộc Tày. Bước chân vào nhà văn hóa, tiếng đàn tính hòa quện tạo ra âm thanh độc đáo, vui tai. CLB hát Then thôn Mỏ Sẻ-Đồng Mạ được thành lập tháng 8-2018 với 17 thành viên. Phần lớn thành viên tuổi đời từ 40 đến 60. 

“Thấy người lớn, thanh thiếu niên tiếp cận với mạng xã hội, phim ảnh trên internet nhiều, hát nhạc hiện đại nhiều mà ít quan tâm tới làn điệu dân ca DTTS, chúng tôi suy nghĩ phải thành lập CLB để giữ gìn làn điệu Then của dân tộc mình”, bà Vi Thị Kim, Chủ nhiệm CLB cho hay.

Tuy mới hoạt động được vài tháng nhưng các thành viên CLB đã thuộc và hát được một số bài then cổ, then mới như: Non xa xa, Lời cây đàn tính, Đón tiên, Suối Lê Nin nhớ Bác… Những lúc nông nhàn, hội viên lại có mặt ở nhà văn hóa luyện tập. Đây cũng là dịp để chia sẻ, giao lưu, trao đổi kinh nghiệm trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi dạy con cháu…

Giữ gìn di sản

Trao đôi với ông Trần Văn Bộ, Phó Chủ tịch UBND xã Vô Tranh được biết, xã có 13 thôn, gần 10 nghìn nhân khẩu, đồng bào DTTS chiếm 48%, chủ yếu là dân tộc Tày, Sán Dìu, Cao Lan, Hoa. Chịu tác động mạnh mẽ của các loại hình âm nhạc hiện đại, một số làn điệu dân ca đồng bào DTTS đứng trước nguy cơ mai một. 

Thông qua hoạt động của các nhóm hạt nhân yêu văn nghệ, UBND xã phối hợp với Trung tâm Văn hóa, Thông tin và Thể thao huyện Lục Nam tư vấn, giúp đỡ thành lập 2 CLB là hát Soọng Cô và Then.

Dù là xã đặc biệt khó khăn, ngân sách còn hạn hẹp song thời gian qua, UBND xã hỗ trợ thêm một phần kinh phí cho các CLB hoạt động, nhất là những cuộc giao lưu, biểu diễn, chia sẻ kinh nghiệm ở trong và ngoài huyện. Mặt khác, phối hợp với các cơ quan chuyên môn sưu tầm, bổ sung tài liệu từ các chuyên gia, nhà nghiên cứu cũng như hỗ trợ mua sắm hệ thống âm thanh, nhạc cụ biểu diễn. Ở các lễ hội, sự kiện văn hóa do xã, thôn tổ chức, UBND xã thường xuyên chỉ đạo lồng ghép hát Soọng Cô, hát Then… 

Năm 2018, 2019, CLB hát Soọng Cô xã Vô Tranh và hát Then thôn Mỏ Sẻ - Đồng Mạ đã đoạt 4 giải cao ở các hội diễn, liên hoan do huyện Lục Nam tổ chức. Phó Chủ tịch UBND xã Trần Văn Bộ nói: “Điều chúng tôi vui nhất đó là những làn điệu dân ca nơi này vẫn được gìn giữ. Tuy nhiên, để lớp trẻ hôm nay kế thừa và phát huy giá trị di sản, rất cần sự quan tâm, giúp đỡ nhiều hơn nữa của chính quyền và ngành chức năng”.