Nghi lễ chính của lễ hội Quán Âm 19/2.
Lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng còn có tên gọi khác là Lễ hội Quán Âm 19/2, được tổ chức hàng năm tại Chùa Quán Thế Âm (số 48 đường Sư Vạn Hạnh, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng) và các địa điểm liên quan khác tại Di tích quốc gia đặc biệt - Di tích Danh thắng Ngũ Hành Sơn.
Đây là lễ hội dân gian truyền thống mang đậm yếu tố tín ngưỡng Phật giáo, gắn liền với Di tích quốc gia đặc biệt - Danh lam thắng cảnh Ngũ Hành Sơn và đời sống tâm linh, tín ngưỡng của cộng đồng địa phương, đại diện cho bản sắc văn hóa của thành phố Đà Nẵng được lưu truyền, gìn giữ đến ngày nay.
Quang cảnh Lễ chính của lễ hội Quán Âm 19/2.
Lễ hội Quán Thế Âm 19/2 được tổ chức trong ba ngày, từ ngày 17, 18 và 19 tháng 2 (âm lịch) hàng năm, trong đó ngày 19 là ngày lễ chính thức. Lễ hội gồm hai phần: Lễ và Hội. Phần lễ là các nghi lễ tín ngưỡng Phật giáo và nghi lễ truyền thống của địa phương. Phần hội là những sinh hoạt văn hóa truyền thống mang đậm tính nhân văn, đậm đà bản sắc văn hóa dân tộc. Trong ba ngày diễn ra lễ hội, ngoại trừ các sự kiện đặc biệt của từng năm thì phần lớn các sự kiện thường niên tổ chức đan xen kết hợp giữa phần Lễ và phần Hội. Hai phần này hòa quyện với nhau, trong lễ có hội và ngược lại trong hội có lễ.
Ngày nay, lễ hội Quán Thế Âm Ngũ Hành Sơn, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vẫn được gìn giữ, bảo tồn và phát huy. Đây là một lễ hội tổ chức quy mô lớn, kết tinh những giá trị văn hóa Phật giáo với văn hóa truyền thống của dân tộc dân tộcViệt Nam.
Quang cảnh Lễ chính của lễ hội Quán Âm 19/2.
Hiện nay, thành phố Đà Nẵng có 6 di sản văn hóa phi vật thể đã được đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia gồm: Nghề làm đá Non Nước Ngũ Hành Sơn, Nghệ thuật Tuồng xứ Quảng, Lễ hội Cầu Ngư, Bài Chòi, Nghề làm mắm Nam Ô và Lễ Hội Quán Thế Âm, quận Ngũ Hành Sơn, thành phố Đà Nẵng vừa được đưa vào danh mục.
Các hệ thống di sản của thành phố Đà Nẵng hàng năm đã thu hút đông đảo người dân, du khách, học sinh, sinh viên đến tham quan, nghiên cứu, học tập góp phần thúc đẩy việc bảo tồn và phát huy các giá trị di sản văn hóa của dân tộc và góp phần thúc đẩy phát triển du lịch bền vững.