GỐM LÀNG NGÒI – NÉT CHÂN PHƯƠNG TRÊN ĐẤT BẮC GIANG

Trần Mạnh Thường

Ẩn mình nơi miền quê Bắc Giang yên bình, gốm làng Ngòi – thôn Tân Ninh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng – đang từng bước hồi sinh và vươn mình mạnh mẽ. Từ những cục đất sét mộc mạc, qua đôi bàn tay tài hoa của nghệ nhân, những tác phẩm gốm độc đáo mang đậm hồn quê và văn hóa dân gian đã ra đời, đưa tên tuổi làng gốm nhỏ vươn tầm trong nước và quốc tế.

Trang tường gốm Làng Ngòi.

Làng Ngòi là tên gọi dân gian của thôn Tân Ninh, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang. Ngòi là một làng gốm cổ truyền, ra đời từ mấy thế kỷ trước. Hiện nay, gốm làng Ngòi là một dòng gốm riêng biệt. So với nhiều thương hiệu gốm cổ truyền Việt Nam, thì gốm làng Ngòi còn rất mới mẻ, rất ít người biết đến. Tuy vậy, qua thời gian và sự nỗ lực không ngừng của những người thợ nơi đây, gốm làng Ngòi đã sớm khẳng định được thương hiệu, bởi nét độc đáo, giản dị, chân chất. nhưng mang đậm bản sắc dân tộc, đã tạo nên phong cách riêng, được nhiều thị trường  trong nước và nước ngoài ưa thích. 

Sau một thời gian dài bị lãng quên, nhưng với tâm huyết của những người con xứ sở,  gốm làng Ngòi từng bước được phục hồi, xây dựng được thương hiệu trên thị trường  gốm và có mặt tại nhiều công trình xây dựng  trên khắp mọi miền đất nước,  đồng thời đã vượt biên giới Việt Nam đến với bạn bè quốc tế như Nhật Bản, Ấn Độ, Ai Cập và một số nước châu Âu.

Nếu như trước đây gốm làng Ngòi tập trung sản xuất sản phẩm dòng gốm gia dụng: bình, lọ hoa, tượng người, tượng thú vật... thì những năm gần đây, sản phẩm gốm của làng Ngòi là tranh tường khổ lớn, được đắp nổi, là loại sản phẩm  được tạo hình nhiều và được người tiêu dùng ưa chuộng hơn. Đây là dòng sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật cao và được dùng trong nhiều không gian  khác nhau  với bộ tranh tứ bình “Xuân hạ thu đông”; “Ngũ hổ quần cư”; “Ngư tiều canh mục”; “Mã đáo thành công”; “Chí Phèo – Thị Nở”... Để thể hiện những bức tranh đó một cách sinh động, ngộ nghĩnh đòi hỏi nghệ nhân phải có một năng khiếu tạo hình mới mẻ, tinh tế. Cái khó của loại tranh này chính là ý tưởng phác đồ sao cho hợp logic, vừa đảm bảo tính lịch sử, lại phải có tính thẩm mỹ cao. Một cái khó nữa là mỗi bức tranh tường đều không thể làm đại trà, nhân bản bằng cách đổ khuôn, như một số tranh tường xây dựng, mà ngược lại đều phải được nghệ nhân thực hiện thủ công  đơn chiếc một.

Tượng người đôi diễn viên liền anh liền chị.

Nguyên liệu để làm ra sản phẩm gốm làng Ngòi là loại đất sét  mầu vàng hoặc mầu xanh búp dong, được phân bố nhiều ở vùng ven sông Cầu. Vì vậy, gốm làng Ngòi  luôn có hai mầu  rất đặc trưng là mầu men nước dưa và mầu xương đất. Khác với gốm sứ Bát Tràng, Hà Nội, chuyên vẽ và trang trí bằng mầu hay gốm sứ Phù Lãng , Bắc Ninh  chỉ vuốt và dội nước men, thì gốm làng Ngòi được trang trí bằng họa tiết, hoa văn đắp nổi, thể hiện sinh động trên chất liệu gốm nâu sành  rất đặc trưng  do chính đôi bàn tay  của các nghệ nhân gốm tài ba của làng Ngòi tạo nên. 

Gốm làng Ngòi là sự kết tinh bởi sự đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn cùng tình yêu quê hương xứ sở, yêu nền văn hóa dân gian, cùng đôi bàn tay tài hoa, sáng tạo...tất cả tạo nên dòng gốm làng Ngòi, mang phong cách rất riêng biệt, độc đáo không bị hòa lẫn.  Nét riêng biệt đầu tiên khắc ấn ghi tên cho gốm làng Ngòi là bắt đầu từ nội dung của nó. Các sản phẩm gốm làng Ngòi rất đa dạng, phong phú đều mang đậm tâm hồn Việt. Đó là bình hoa, lọ hoa nghệ thuật, đèn vườn, gạch trang trí nội, ngoại thất với những họa tiết, hoa văn như hoa sen, lá khoai, lá lúa, lá dong, họa tiết thổ cẩm. Các hoa văn, họa tiết này đều được đắp nổi. Sản phẩm độc đáo thứ hai của gốm sứ làng Ngòi là gốm tượng dân gian đang được người tiêu dùng ưa chuộng. Đó là những bức tượng phổng theo hình ảnh nhân vật văn học: Chí Phèo,Thị Nở, Lão Hạc…

Gốm tượng dân gian Chí Phèo - Thị Nở.

Nhưng có lẽ phần độc đáo được khách hàng thích thú nhất và cũng là thế mạnh nổi trội nhất gốm làng Ngòi là loại tranh tường đắp nổi, khổ lớn. Loại tranh tường gốm mầu được ghép nhiều mảnh dựa trên nền tảng một số tranh dân gian nổi tiếng, đang có nguy cơ thất truyền như tranh Hàng Trống, Hà Nội, tranh Đông Hồ, Bắc Ninh và tranh Kim Hoàng (Hà Tây, Hà Nội)..., trong đó có cả những nét văn hóa vùng miền của cả nước – khoác trên mình chiếc áo văn hóa dân gian cổ truyền, gốm làng Ngòi lại tạo ra cho mình cái lạ, cái ngộ nghĩnh. Người xem sản phẩm gốm làng Ngòi bị cuốn hút bởi nét mộc mạc, dân dã, gần  gũi với người dân nhưng lại vô cùng độc đáo ở họa tiết trang trí. Vì vậy, đến nay gốm làng Ngòi không chỉ được mọi người biết đến mà còn trở thành một thương hiệu gốm có uy tín trên thị trường gốm sứ Việt Nam. Gốm sứ làng Ngòi ngày nay không chỉ thị trường trong nước chấp nhận mà còn chiếm được sự mến mộ của bạn bè quốc tế.

Gốm Làng Ngòi bình dị chất phác.

Nói đến sự hồi sinh của gốm sứ  làng Ngòi, làm sống lại một nghề truyền thống của làng,  hầu hết  những người trong nghề đều nghĩ ngay tới nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến, người đã khai sinh ra dòng gốm độc đáo. Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến sinh năm 1977, tại làng Ngòi, xã Tư Mại, huyện Yên Dũng, tỉnh Bắc Giang, trong một gia đình nông dân nghèo. Bố mẹ, anh em không một ai làm nghệ thuật, nhưng quê hương anh, làng Ngòi, từ xa xưa đã  có nghề làm gốm sứ, đã bị thất truyền từ lâu. Chính vì thế, khiến anh luôn luôn đau đáu nghĩ đến nghề của cha ông để lại, nên anh nung nấu ý chí quyết tâm hồi sinh lại làng nghề. Hơn nữa từ thuở ấu thơ, cậu bé,  Khuyến đã yêu thích nghề “nặn đất”, vẽ tranh, nên sau khi tốt nghiệp cấp 3, anh đã quyết định thi vào Khoa Gốm trang trí, Trường Đại học  Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội, để thực hiện ước mơ của mình. Sau 6 năm đằng đẵng đèn sách, tốt nghiệp ra trường, khuyến đi làm thuê cho nhiều lò gốm từ Bắc vào Nam để học hỏi thêm thực tế cái nghề mà anh từng đeo đuổi.  Học cách làm gốm của các dòng gốm nổi tiếng như gốm Chu Đậu, Hải Dương, Phù Lãng Bắc Ninh, Thổ Hà Bắc Giang, Bát Tràng Hà Nội, Đông Triều, Giếng Đáy, Quảng Ninh, Cường Phát, Lái Thiêu, Bình Dương...Từ những kiến thức sách vở được học hành bài bản, được cọ xát với thực tế tại các lò gốm  mà anh đã tiếp cận, kết hợp với năng khiếu trời cho, sự khéo léo của đôi bàn tay, Lưu Xuân Khuyến trở về quê, đã biến “cục đất sét”, loại nguyên liệu rẻ tiền, lại dễ kiếm tại quê nhà thành những sản phẩm có gí trị nghệ thuật cao. Chính vì vậy, gốm làng Ngòi  hôm nay  trở thành tên gọi riêng mà anh đặt cho các sản phẩm  của mình. Mỗi sản phẩm do anh sáng tạo ra  là sự kết tinh  của niềm đam mê nghệ thuật, sự cần mẫn, cùng tình yêu quê hương đất nước, yêu nền văn hóa dân gian và của đôi bàn tay  tài hoa  sáng tạo của người nghệ nhân.

Nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến bên tác phẩm quê hương của mình.

Gốm sứ làng Ngòi không chỉ hồi sinh  mà còn phát triển rực rỡ, trước hết là nhờ công lao  của nghệ nhân Lưu Xuân Khuyến, đã tạo ra được dòng gốm độc đáo đặc biệt thu hút khách hàng nhất, đó là dòng tranh tường khổ lớn, đắp nổi  được ghép  từ những  mảnh gốm mầu dày, có bức dày tới 10cm, rất khó làm, rất công phu, tỉ mỉ trong chế tác và đặc biệt kỹ thuật nung hết sức cẩn thận.

Ông Tôn Gia Hóa, một chuyên gia cao cấp về gốm sứ, Phó Chủ tịch Hiệp hội  Làng nghề  Việt Nam  đánh giá: Gốm làng Ngòi hiện nay là dòng gốm rất đặc biệt  đã trở thành thương hiệu  của Bắc Giang.

Hình ảnh minh họa cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam".

Bài viết của tác giả Trần Mạnh Thường trích trong cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam" do Viện Kinh tế, Văn hóa và Nghệ thuật phối hợp với NXB Dân Trí xuất bản năm 2025.