Hà Nội: Phục dựng nghi lễ cung đình tại Hoàng thành Thăng Long

Ngày 4/2, tại Di sản Hoàng thành Thăng Long, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội đã phục dựng nghi lễ cung đình Thăng Long xưa thông qua hoạt động văn hóa mừng Tết Nguyên đán “Tân Sửu nghênh Xuân”.


Đón Xuân mới Tân Sửu 2021, Hoàng Thành Thăng Long được trang trí rực rỡ. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Lần đầu tiên, Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội phối hợp với một số tổ chức, đơn vị văn hóa thực hành nghi lễ Tiến Xuân ngưu, một nghi thức độc đáo trong cung đình xưa, diễn ra vào ngày Lập Xuân, với mong muốn xua tan giá rét mùa Đông, đón mùa Xuân mới và mùa màng bội thu, no ấm.

Lễ Tiến Xuân ngưu được thể nghiệm tại Hoàng thành Thăng Long dựa trên kết quả nghiên cứu về nghi lễ cung đình, bao gồm các nghi thức diễn ra tại sân Điện Kính Thiên như: Rước Xuân ngưu, Tiến Xuân ngưu, Ban Xuân ngưu, Phép đả Xuân ngưu (Đánh trâu mùa Xuân).

Theo sử sách, để chuẩn bị cho sự kiện này, cứ đến tháng 11 hàng năm, Bộ công được triều đình giao nhiệm vụ làm một tượng trâu đất lớn, một tượng thần Câu Mang lớn cùng hơn nghìn tượng trâu đất và thần Câu Mang nhỏ, tô màu theo ngũ hành. Trong đó, trâu đất mang ý nghĩa tiêu tan khí lạnh, còn thần Câu Mang là vị thần cai quản mùa Xuân. Sau khi tượng trâu đất và thần Câu Mang được hoàn thành, triều đình tổ chức tế thần mùa xuân rồi đem chôn tượng thần Câu Mang ở nơi đất sạch, tổ chức lễ rước tượng trâu đất đến điện tiến Vua. Lễ Tiến xuân ngưu được tổ chức tại điện Kính thiên đúng ngày Lập Xuân với sự tham gia của người đứng đầu triều đình và đầy đủ bá quan văn võ. Sau phần nghi thức là đến lễ Ban Xuân ngưu cho các quan và các cung miếu trong kinh thành.

Cũng trong ngày 4/2 (ngày 23 tháng Chạp năm Canh Tý), Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội tổ chức lễ ông công, ông Táo, lễ dựng cây nêu. Bên cạnh đó, Trung tâm tổ chức chuỗi các hoạt động trưng bày, trải nghiệm tương tác, góp phần gìn giữ những nét đẹp văn hóa truyền thống và phục vụ nhân dân đón Xuân vui Tết.


Không gian trưng bày với chủ đề "Tân Sửu nghênh Xuân". Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Trưng bày “Tân Sửu nghênh Xuân” giới thiệu hình ảnh độc đáo về nghi lễ Tiến Xuân ngưu thông qua mô hình thần câu mang tế Xuân, Xuân ngưu Vua ban trong nghi lễ ngày lập Xuân thời Lê Trung hưng; cùng các phong tục và truyền thống tốt đẹp của dân tộc trong ngày Tết Nguyên Đán như: Không gian thờ cúng, đón Tết, phong tục chúc Tết và mừng tuổi ngày Tết, nghệ thuật thư pháp, tranh vẽ với chủ đề chào đón mùa Xuân… Đặc biệt, cụm trang trí “ Cầu Xuân như ý”, nổi bật với mô hình gia đình nhà trâu vàng chào đón năm mới, hệ thống đèn lồng truyền thống, pano hoạt cảnh du Xuân, cùng các tiểu cảnh hoa Xuân rực rỡ..., giúp du khách và các gia đình lưu lại những khoảnh khắc ấm áp của mùa Xuân mới.

Chương trình Tết Việt “ Tân Sửu nghênh Xuân”dành nhiều nội dung và không gian riêng cho trẻ em vui chơi, tìm hiểu lịch sử, giáo dục truyền thống như: Kể chuyện lễ Tiến Xuân ngưu thời Lê Trung Hưng, Tết ở Hoàng cung gắn với phong tục khai bút, xin chữ...; sáng tạo trải nghiệm “Phẩm vật nghênh Xuân”, xin chữ đầu xuân, tô tranh dân gian, nặn tò he, làm hoa đào, hoa cúc bằng tay, làm hoa và con giống bằng lá cây với sự hướng dẫn của nghệ nhân Nguyễn Mạnh Thắng...


Đoàn hành lễ mang cá chép đi thả. Ảnh: Thanh Tùng/TTXVN

Do ảnh hưởng của dịch COVID-19, Trung tâm đã chủ động giảm quy mô các hoạt động, chỉ thực hiện các nghi lễ chính, không tập trung đông người và tăng cường các biện pháp phòng dịch như: vệ sinh khử khuẩn, bố trí máy đo thân nhiệt tự động, bình dung dịch sát khuẩn tay tự động, thường xuyên cập nhật Thông điệp 5K tới du khách…
Chương trình diễn ra đến hết ngày 1/3. Khu di sản nghỉ các ngày 10, 11, 12/2 ( tức ngày 29, 30 tháng Chạp năm Canh Tý và mùng 1 Tết Tân Sửu). Các điểm di tích vẫn phục vụ khách dâng hương miễn phí. Mở cửa phục vụ khách tham quan khu di sản từ ngày 13/2 (tức mùng 2 Tết Tân Sửu).