Bình gốm Hiển Lễ.
Hiển Lễ là làng gốm cổ nhất Việt Nam, có từ thời Vua Hùng dựng nước, thuộc xã Cao Minh, thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc ngày nay. Làng Hiển Lễ có tên Nôm là làng Kẻ Dẫy, nằm cạnh ngã ba sông Cà Lồ, nơi bắt đầu của những tuyến thương mại buôn bán đồ gốm tấp nập thời bấy giờ. Hàng hóa vận chuyển theo đường sông xuôi về Hà Nội, ngược lên Việt Trì, Yên Bái, Tuyên Quang..., với những bến đò nổi tiếng như Bến Vàm, Bến Nam Viêm, đã được sách “Đại Nam nhất thống chí ” ghi chép cẩn thận, tỉ mỉ.
Theo Đông các Đại học sĩ Nguyễn Bính, phụng soạn vào năm 1572, ghi rõ: Tổ nghề gốm làng Hiển Lễ do ông Vũ Lục, người quê gốc Thanh Hóa. Hai vợ chồng ông vốn là một gia đình giàu có, nhưng hiếm muộn con cái, biết thành thạo nghề gốm sứ, lại sẵn lòng từ thiện. Hai ông bà thường đi chu du thiên hạ. Vào một ngày đẹp trời ông bà đến làng Hiển Lễ, thấy dân cư nơi này hiền lành, một vùng thuần nông, ông bà bèn dừng chân và quyết định sinh cơ lập ở làng Hiển Lễ và truyền nghề gốm cho bà con lối xóm. Tại đây ông bà sinh hạ được một cháu trai, về sau được dân làng Hiển lễ tôn vinh là Đức Thành.
Dân làng Hiển Lễ được ông Lục dạy nghề làm gốm và phát triển khá nhanh, trở thành làng nghề gốm đầu tiên của Việt Nam, từ thuở Vua Hùng. Những phát hiện về khoa học khảo cổ học cũng đã chứng minh cho luận cứ này, bởi cách làng Hiển Lễ không xa, các nhà khoa học đã phát hiện được các di vật dọi xe chỉ thời Đông Sơn ở đầu Công nguyên và một số đồ gốm thời nhà Hán và mộ gạch thời nhà Đường.
Thời đó, việc buôn bán gốm nơi đây rất tấp nập trên bến dưới thuyền ngược xuôi, đâu đâu cũng thấy chất đầy đồ gốm. Việc làm ăn của dân làng gốm Hiển Lễ rất phát đạt. Vì thế dân gian có câu:
Muốn ăn cơm trắng cá trôi,
Thì về Hiển Lễ chuốt nồi với anh.
Làng Hiển Lễ có một tục lệ bất thành văn là không một ai được truyền nghề ra ngoài. Nhưng thực tế trong làng có một cô gái lấy chồng ở làng Hương Canh và đã truyền nghề cho nhà chồng. Cô gái vừa dạy xong phần tạo dáng nồi, chưa kịp dạy làm vung, thì cô ta lăn đùng ra chết. Vì thế, dân Vĩnh Phúc có câu: “Nồi Hương Canh, vung Hiển Lễ” là vậy!
Làng Hiển Lễ có một nguồn nguyên liệu đất sét rất dồi dào. Mỏ đất sét này khác biệt với đất sét của các nơi khác. Đất sét Hiển Lễ màu gan trâu, chịu lửa tốt, nên đồ gốm Hiển Lễ chắc bền, không bị nứt khi bị nhiệt độ cao.
Sản phẩm gốm Hiển Lễ chủ yếu là đồ dùng sinh hoạt hàng ngày của người dân nơi thôn dã như các đồ gốm đun nấu, nồi, ấm, chõ, vại, bình vôi, lọ hoa, ấm tích, chén hạt mít, chum, chĩnh, nồi gánh nước ..., trong đó các loại chum, vại, chĩnh .. học cách chế tác gốm Hương Canh.
Trong những năm gần đây, người thợ gốm Hiển Lễ còn sản xuất thêm các mặt hàng gạch ngói, gạch chỉ, gạch lát nền (giống gạch Bát Tràng). Loại gạch này được đóng khuôn nung theo phương pháp thủ công cổ truyền nên gạch chắc, đanh, được thị trường ưa chuộng.
Qua các cuộc khai quật khảo cổ cho thấy rằng, xưa kia, người thợ Hiển Lễ cũng sản xuất gốm sành, bởi họ đã tìm thấy trong khu vực làng Hiển Lễ cũ các loại sành mỏng, mịn, mầu xám đen hoặc xám xanh, chất lượng sản phẩm rất cao.
Gốm Hiển Lễ khác biệt với các dòng gốm khác, ngoài chất liệu của đồ gốm, cách lấy đất, luyện đất của Hiển Lễ cũng khá độc đáo, do người xưa truyền lại cho con cháu sau này. Người dân Hiển Lễ khẳng định rằng một trong những tiêu chuẩn của gốm sành là khi gõ vào tiếng kêu phát ra phải gần với tiếng kêu của kim loại. Đó là thứ sành được nung già, chắc, mịn được làm từ đất sét tốt chịu lửa.
Để phục vụ cho việc chế tác đồ gốm, người thợ gốm Hiển Lễ đã sử dụng một số dụng cụ cổ truyền rất đơn giản, gồm:
-Bàn xoay: là một mâm gỗ tròn, đường kính khoảng 58 – 60 cm, được đặt
chìm hoặc nổi trên mặt đất. Thời trước người ta dùng bộ trục quay bàn xoay bằng sứ, nay dùng trục sắt, kèm vòng bi sắt. Trong khi tạo hình (chuốt), bàn xoay di chuyển do ngón chân cái của người thợ đẩy .
-Miếng giẻ vài cũ : được nhúng nước, dùng để chuốt (tạo dáng), không bị dính.
-Cái quẹt: là một dụng cụ bằng gỗ hình dáng giống cái mai, dùng quẹt đất thừa
trong và ngoài đồ gốm khi còn ướt. Dụng cụ này chỉ dùng chế tác các loại đồ gốm có kích thước lớn: chum, vại, chĩnh...
-Cái cạo: hình phễu, có cán bằng gỗ, lưỡi cạo là một miếng sắt mỏng, dùng để
cạo sửa đồ gốm có kích thước lớn.
-Cái bập vân: dụng cụ tạo hoa văn, là một nửa ống tre bổ dọc, chừa lại một
khe hở hẹp. Khi tạo hoa văn, đồ gốm để lên bàn xoay, cho quay chậm, rồi dùng hai cạnh sắc của “bập vân”, bập đều lên thân đồ gốm, thành các đường kẻ dọc hoặc kẻ chéo.
Đối với đồ gốm kích thước lớn, thương thân dày, việc bập các vân chủ yếu ở thân, tạo cho đồ gốm nhẹ hơn, khi nung dễ bay hơi nước, đồ gốm chín đều từ ngoài vào trong, khi bưng bê, không bị trơn, tránh tuột khỏi tay.
-Cái văng: là một que tre nhỏ, dùng cắt phôi gốm ra khỏi bàn xoay, sau khi tạo
dáng xong. Đầu que tre để cắt phôi gốm vót mỏng chỉ còn cật tre, để tạo độ sắc bén, cắt phôi gốm dễ dàng hơn. Khi cắt xong, người thợ một tay bê gốm, còn tay kia ép sát “cái văng” vào đế gốm, rồi mới nhấc phôi gốm ra khỏi bàn xoay.
Cách luyện đất: Đất lấy về đánh thành đống, ủ đất cho ngầu. Sau đó dùng chân đạp, nhào trộn đất cho nhuyễn đạt độ dẻo cần thiết.
Chuốt gốm: chuốt gốm là công đoạn tạo dáng, dùng phương pháp “dải cuộn” (đất vê thành những dải tròn dài) trên bàn xoay. Nhưng trước khi chuốt, phải rắc một ít tro bếp lên mâm bàn xoay, để chống dính. Tiếp đó lấy một thỏi đất nhỏ dàn mỏng đều để tạo đáy đồ gốm, sau đó lầy thỏi đất khác (dải cuộn), dài khoảng 50 – 60cm (gọi là khoong be xung quanh tạo thành cho đồ gốm, có dáng hình trụ tròn. Khi tạo thành đồ gốm xong, người thợ dùng giẻ ướt vuốt nhẵn đáy và bên trong, bên ngoài thành của đồ gốm. Tiếp đó tạo miệng, rồi dùng “vòng chuốt” cạo xóa các vết lồi lõm, do đường “dải cuộn” tạo ra.
Việc tạo dáng đã hoàn chỉnh, người thợ dùng “cái văng” cắt đáy đồ gốm ra khỏi bàn xoay mang phơi khô. Phơi gốm mộc trong bóng râm, hoặc trong nhà nơi thoáng gió, cho gốm se lại và khô từ từ, Tiếp đó dùng “vòng chuốt” cạo vành miệng, sửa gốm một lần nữa, tạo độ tròn của đáy gốm, độ sắc cạnh.
Nung gốm: Người Hiển Lễ gọi là “lồ”. Đất làm nền lò lấy ở đồng ruộng, đó là loại đất xám nhạt có pha cát. Đất đem về trộn với các mảnh vỡ của lò nung cũ và các mảnh gốm vỡ, rồi dùng chày vồ đầm, nện tạo cho nền lò cứng, vững chắc. Làm vòm lò (gọi là xưởng) cũng dùng loại đất này, nhưng trộn thêm nhiều mảnh gốm vỡ, gạch non đập nát (gọi là thét), làm cho vòm vững bền, không bị tan rã khi gặp phải mưa to gió lớn. Khi nung nhiều lần các mảnh gốm vỡ tự cháy, tạo độ liên kết chắc chắn hơn.
Hình minh họa một lò gốm ở Hiển Lễ.
Đất làm vòm lò nung được vẩy nước tạo độ ẩm ướt, dẻo, rồi dùng “cái đập” (bằng tre hoặc gỗ), đập mạnh lên vòm tạo độ liên kết chặt chẽ của đất vòm, cốt vòm làm bằng tre cây.
Lò gốm Hiển Lễ có hai loại: lò bầu và lò cóc:
-Lò bầu: loại lò cổ truyền thống của làng gốm Hiển Lễ, được làm dốc nghiêng
từ 300 - 350, với chiều dài khác nhau tùy theo khả năng của chủ lò, nhưng thông thường khoảng 5m hoặc 7 – 8m. Lò bầu gồm hai ngăn: bầu đốt, thân lò và lỗ thoát khói.
Bầu đốt: mặt bằng hình thang cân, nơi cho nhiên liệu vào đốt, gồm các bộ phận: cửa lò, mặt lò và mắt lò nằm trên cửa lò. Mắt lò là một lỗ tròn để quan sát vào bên trong lò khi nung. Cửa lò cổ hình vòm cuốn, cao chừng 30 – 37cm, rộng 25cm
Thân lò: (gọi là đậu), hình lòng thuyền, nơi cho phôi gốm vào lò nung. Giữa bầu đốt và thân lò tạo thành bậc cao, chênh nhau khoảng 20 – 30cm. Thân lò cổ không có cửa ra vào .
Các lỗ thoát khói, đặt cuối lò, nằm ngang sát với chân tường sau cửa lò.
Lò cóc: Ở Hiển Lễ lò cóc có hai loại.: Lò cóc thân hai ngăn và lò cóc thân một ngăn. Lò cóc thân hai ngăn là lò cóc cải tiến.
Hình ảnh minh họa cuốn sách "Các làng gốm cổ truyền Việt Nam".