Ngày 17.11, ban tổ chức buổi hoà nhạc "Là con gái để toả sáng" đã họp báo công bố về chương trình. Đây là sự kiện do Quỹ Dân số Liên hợp quốc (UNFPA) phối hợp với Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam tổ chức.
Buổi hoà nhạc sẽ có sự góp mặt của những nữ nghệ sĩ độc tấu trẻ xuất sắc và đầy triển vọng. Chương trình được tổ chức nhân tháng Hành động vì bình đẳng giớivà phòng chống bạo lực đối với trẻ em gái. Qua đó, giúp mọi người nhìn nhận và hiểu rõ hơn về việc ngăn chặn lựa chọn giới tính trên cơ sở định kiến giới và tôn vinh phụ nữ trong xã hội.
Các khách mời trao đổi thộng tin với báo chí xung quanh buổi Hoà nhạc giao hưởng vì bình đẳng giới. Ảnh: Đăng Huỳnh
Bà Naomi Kitahara - Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam nhấn mạnh: "Buổi hoà nhạc hướng tới mục tiêu kết nối tất cả mọi người, kết nối phụ nữ và nam giới, kết nối các trẻ em gái và trẻ em trai và kết nối những người có hoàn cảnh văn hoá - xã hội khác nhau đến từ những vùng, miền ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới".
"Tư tưởng "trọng nam khinh nữ" cần phải thay đổi, và chúng ta cần nhấn mạnh việc đem lại giá trị bình đẳng cho các bé gái trong mọi hoàn cảnh. Vì mục đích này, buổi hoà nhạc sẽ có sự tham gia của giới trẻ Việt Nam, được trình chiếu và phát sóng trực tiếp trên mạng xã hội để có thể tiếp cận tới mọi vùng miền ở Việt Nam cũng như trên toàn thế giới" - Bà Naomi Kitahara phát biểu.
Bà Trần Tuyết Ánh - Vụ trưởng Vụ Gia đình, Bộ Văn hoá Thể thao và Du lịch cho rằng vấn đề bạo lực gia đình và bất bình đẳng giới và vấn đề tồn tại trong xã hội, đặc biệt ở các vùng nôn thôn. Đại dịch COVID-19 ảnh hưởng đến xã hội, tình trạng thất nghiệp diễn ra khiến cho bạo lực gia đình cũng vì thế mà diễn ra nhiều hơn.
"Mục đích của buổi hoà nhạc chính là nâng cao nhận thức của mọi người về vai trò của người phụ nữ trong xã hội. Từ đó lan toả tình yêu thương với trẻ em trong mỗi gia đình, đặc biệt là các trẻ em gái" - Bà Trần Tuyết Ánh nói.
Buổi hoà nhạc sẽ diễn ra lúc 20h00 ngày 27.11 tại Nhà hát lớn Hà Nội.
Số liệu từ cuộc Điều tra Quốc gia về bạo lực đối với phụ nữ ở Việt Nam năm 2019 mà UNFPA hỗ trợ đã chỉ ra, cứ 3 phụ nữ thì có 2 người (chiếm tỉ lệ 62.9%) phải chịu một hoặc nhiều hình thức bạo lực về thể xác, tình dục, tinh thần và bạo lực kinh tế cũng như kiểm soát hành vi do chồng gây ra trong cuộc đời. Có đến 90,4% phụ nữ bị chồng bạo lực đã không tìm sự giúp đỡ từ các đơn vị cung cấp dịch vụ chính thức, chủ yếu do sợ bị tai tiếng, kỳ thị và phiền hà.
Tình trạng lựa chọn giới tính dựa trên cơ sở định kiến giới có thể nhìn nhận trực tiếp qua "tỉ số giới tính khi sinh", và tie số này của Việt Nam cao thứ 3 thế giới, sau Trung Quốc và Ấn Độ. Báo cáo Tình trạng dân Dân số Thế giới 2020, ước tính mỗi năm Việt Nam thiếu hụt 40.800 trẻ sơ sinh gái.
ĐĂNG HUỲNH 17/11/2020 | 15:32