Ngọ Môn là cổng chính nằm ở phía Nam của Hoàng thành Huế, theo sách Đại Nam Nhất Thống Chí ghi chép, Ngọ Môn được xây dựng vào năm Minh Mạng thứ 14 (1833), khi triều Nguyễn tổ chức quy hoạch lại toàn bộ mặt bằng kiến trúc Hoàng thành. Nguyên tại vị trí này trước đây là Nam Khuyết Đài, được xây dựng vào đầu thời vua Gia Long.
Ngoài chức năng là cổng chính ra vào Hoàng Cung thì đây còn là một lễ đài trong nhiều sự kiện trọng đại của triều đình. Đây là nơi vua ngự xem duyệt binh, dự các lễ Truyền lô - xướng danh các sĩ tử thi đỗ tiến sỹ, lễ Ban sóc (ban bố lịch vào năm mới cho cả nước).
Đặc biệt vào năm 1945, chính tại nơi đây, vua Bảo Đại đã tuyên bố thoái vị, trao ấn kiếm lại cho cách mạng và nền phong kiến Việt Nam chính thức cáo chung.
Với vai trò quan trọng như vậy, Ngọ Môn luôn được quan tâm trùng tu, sửa chữa, đặc biệt vào năm Minh Mạng thứ 20 (1939) và dưới các đời vua Thành Thái, Khải Định. Sau khi triều Nguyễn cáo chung vào năm 1945, Ngọ Môn vẫn luôn được quan tâm bảo tồn, trùng tu vào các năm 1956, 1963 vì đây là một công trình đặc biệt quan trọng của quốc gia.
Tuy nhiên, vào năm 1968, trong sự kiện Tết Mậu Thân, Ngọ Môn nằm trong trọng tâm của vùng chiến sự nên đã bị hư hại nghiêm trọng, đặc biệt là Tả - Hữu Dực Lâu.
Ngoài ra, hệ lan can chung quanh lầu cùng với hệ lan can chung quanh lầu cùng với hệ lan can hồ Ngoại Kim Thủy cũng đã bị tổn hại phần lớn.
Sau ngày đất nước được thống nhất, nhờ sự quan tâm, hỗ trợ của Đảng, Nhà nước lẫn các tổ chức quốc tế, Ngọ Môn đã trải qua rất nhiều đợt trùng tu, sửa chữa, trong đó phải kể đến là đợt tu bổ Ngọ Môn với quy mô lớn đã được tiến hành từ năm 1990 -1993. Năm 2012, dự án trùng tu tổng thể Ngọ Môn chính thức được triển khai với số vốn đầu tư hơn 80 tỉ đồng, chia làm 2 giai đoạn 2012 - 2015 và 2016 - 2019.
Giai đoạn 2 của Dự án Bảo tồn, tu bổ tổng thể di tích Ngộn Môn được đầu tư với tổng kinh phí khoảng 44 tỉ đồng với quy mô tiếp tục thực hiện những phần việc mà giai đoạn 1 chưa thực hiện, bao gồm: Sơn thếp toàn bộ cấu kiện gỗ lầu Ngũ Phụng (hai tầng nhà chính và Tả, Hữu Dực Lâu) bằng kỹ thuật sơn truyền thống gồm sơn son thếp vàng, sơn son không thếp, sơn quang tùy vào từng không gian khác nhau.
Đến thời điểm hiện tại Ngọ Môn đã được phục hồi toàn diện. Trong thời gian sắp tới, Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế sẽ tiếp tục nghiên cứu để tái hiện lại những sự kiện hết sức có ý nghĩa đã gắn liền với công trình này để phục vụ du khách.