Mới đây, tại cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc do Cục Nghệ thuật biểu diễn (thuộc Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch) tổ chức, nhóm nhạc cụ truyền thống của Đoàn CMN Hải Đăng đã xuất sắc đạt giải nhì với tiết mục hòa tấu Tháp thiêng. Đây là thành quả cho những nỗ lực của các thành viên trong nhóm suốt những năm qua. Kết quả đó càng đáng trân trọng hơn khi biết rằng nhóm nhạc này của đoàn có tuổi đời chưa đến 5 năm. Ông Trần Đức Hà - Trưởng đoàn CMN Hải Đăng cho biết, cuối năm 2014, khi thực hiện dàn dựng chương trình mới, lãnh đạo đoàn muốn có một vài tiết mục âm nhạc mang màu sắc truyền thống. Sau khi tìm hiểu kỹ, đoàn đã chọn được người chơi đàn bầu, đàn tranh để dựng tiết mục. Sự xuất hiện của các nhạc công chơi nhạc cụ truyền thống đã tạo được hiệu ứng tốt đối với khán giả. Trên cơ sở đó, đoàn đã tuyển thêm 2 nhạc công chơi sáo trúc, đàn nhị. Năm 2015, nhóm nhạc dân tộc với 4 thành viên được hình thành. Đây là lần đầu tiên đoàn có một nhóm nhạc chơi nhạc cụ truyền thống.
Các thành viên nhóm nhạc cụ truyền thống của Đoàn Ca múa nhạc Hải Đăng trong một chương trình biểu diễn.
Theo nhạc công Phạm Văn Tấn (1 trong 2 thành viên đầu tiên của nhóm), sau khi biết nhu cầu của Đoàn CMN Hải Đăng muốn dựng tiết mục hòa tấu nhạc cụ truyền thống, anh đã thử sức và mời thêm một người bạn từ TP. Hồ Chí Minh về để cùng dựng tiết mục. Sau đó, anh đã mời gọi thêm những người bạn cùng về đoàn để thành lập nhóm. Hiện tại, nhóm có 4 thành viên gồm: Phạm Văn Tấn, Ngô Trần Phương Linh, Vi Văn Hiếu, Nguyễn Đức Hùng, tất cả đều tốt nghiệp Nhạc viện TP. Hồ Chí Minh hoặc Học viện Âm nhạc Huế. Do yêu cầu dàn dựng chương trình của đoàn nên mỗi nhạc công trong nhóm bây giờ đều có thể chơi được từ 2 đến 3 nhạc cụ truyền thống khác ngoài nhạc cụ chính của mình. Bên cạnh việc dựng những tiết mục mang màu sắc âm nhạc dân gian truyền thống, nhóm còn dựng nhiều tiết mục âm nhạc dân gian đương đại, thậm chí còn có những tiết mục nhạc hiện đại được đánh lại bằng nhạc cụ truyền thống.
Với tình yêu âm nhạc truyền thống, cùng sự khuyến khích của lãnh đạo Đoàn CMN Hải Đăng, các thành viên trong nhóm đã có nhiều nỗ lực để mang đến cho khán giả những tiết mục hay. Đến nay, nhóm đã tạo dựng được một số tiết mục có chất lượng nghệ thuật và để lại nhiều ấn tượng với khán giả như: Nét dạo ngày xuân, Son, Tháp thiêng, Nét Huế, Nặng tình phương Nam… Không chỉ có những tiết mục độc tấu, hòa tấu, nhóm còn thực hiện việc đệm nhạc cho phần trình diễn ca khúc của ca sĩ. Thời gian gần đây, thành viên của nhóm còn mạnh dạn sáng tác để nhóm biểu diễn. “Trước đây, ban nhạc nhẹ của Đoàn CMN Hải Đăng từng rất nổi tiếng. Bây giờ, đoàn lại có nhóm nhạc cụ truyền thống chơi cũng rất tốt. Các nhạc công này còn trẻ nhưng đã thể hiện được khả năng của mình trước công chúng. Các bản nhạc của nhóm rất hay và có nhiều nét mới lạ”, ông Trần Hữu Nghĩa (đường Thái Nguyên, TP. Nha Trang) nhận xét. Nhà biên kịch Nguyễn Sỹ Chức chia sẻ, ông từng là nhạc công đánh đàn bầu nên khi nghe các thành viên trong nhóm nhạc cụ truyền thống của Đoàn CMN Hải Đăng biểu diễn thấy rất thích. Các nhạc công có kỹ thuật tốt, khả năng làm chủ sân khấu và nhất là truyền được cảm xúc trong mỗi nốt nhạc đến khán giả.
Mặc dù đã đạt được những thành công ban đầu, các thành viên trong nhóm vẫn mong muốn có thêm một nhạc công nữ đánh đàn tam thập lục. Điều này không chỉ giúp cho nhóm thuận lợi hơn trong việc dựng tiết mục mà còn tăng khả năng sáng tạo biểu diễn của nhóm. Nhóm cũng mong mỏi được biểu diễn nhiều hơn để giúp các thành viên nâng cao trình độ. Lâu nay, hoạt động biểu diễn của nhóm mới gói gọn trong những chương trình diễn phục vụ của đoàn hàng năm, còn biểu diễn dịch vụ của đoàn vẫn còn ít tiết mục nhạc cụ truyền thống.
Hy vọng rằng, trong thời gian tới, nhóm nhạc tiếp tục có những bước phát triển mới, mang đến cho khán giả nhiều tiết mục có giá trị nghệ thuật và giải trí.
Giang Đình