Một trong những nội dung trưng bày “Khát vọng tự do”. |
Không gian trưng bày công phu và những hiện vật “biết nói” sẽ kể cho thế hệ hôm nay câu chuyện cảm động về bản lĩnh kiên cường, bất khuất của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, với tấm lòng yêu nước, không chịu chết mòn nơi ngục tù thực dân, đế quốc và quyết tâm vượt ngục để trở về với cách mạng, với nhân dân. Nhiều người vĩnh viễn nằm lại trong lòng đất mẹ, hòa mình vào biển sâu khi vượt ngục không thành. Có người may mắn được trở về nhưng cơ thể đã không còn vẹn nguyên.
Tất cả những gian khổ, hi sinh ấy đều không ngăn được hành trình đến với tự do của những người con yêu nước, được giới thiệu qua 3 nội dung trưng bày: Xiềng xích; Tung cánh giữa màn đêm và Khúc ca hòa bình.
Ở nội dung đầu mang tên “Xiềng xích”, những hình ảnh, hiện vật lịch sử đã phản ánh cuộc sống cùng cực của người Việt Nam dưới chế độ thực dân, đế quốc. Trong màn đêm tăm tối, dân tộc Việt Nam phải gồng mình chống đỡ những chính sách bóc lột, nô dịch, khủng bố nặng nề. Hệ thống công cụ đàn áp liên hoàn gồm: Tòa án, Sở Mật thám, Nhà tù được chính quyền thực dân, đế quốc thiết lập khắp các địa phương.
Trong chốn “địa ngục trần gian” Hỏa Lò, Sơn La, Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc, kẻ thù đã thi hành chế độ sinh hoạt và lao dịch hà khắc, với mục đích dùng sự khổ ải để khuất phục ý chí những người Việt Nam yêu nước. Nhưng, không một phút buông xuôi, các chiến sĩ cách mạng luôn quyết tâm thực hiện những cuộc vượt ngục táo bạo, như những cánh chim khao khát tự do, bay đến vùng ánh sáng cách mạng. Đó cũng chính là nội dung thứ hai của trưng bày mang tên: “Tung cánh giữa màn đêm!”.
Vượt ngục là hình thức đấu tranh cao nhất, người tù có thể bỏ mạng nơi rừng thiêng, nước độc; làm mồi cho thú dữ hay bị nhấn chìm giữa mênh mông biển cả. Tại Nhà tù Hỏa Lò, một trong những nhà tù thực dân kiên cố nhất Đông Dương, nơi tưởng chừng như bất khả xâm phạm đã diễn ra những cuộc vượt ngục “thần kỳ” vào các năm 1932, 1945, 1951 bằng các hình thức: thăng thiên (trèo tường), độn thổ (chui cống ngầm), vuốt râu hùm (đi qua cửa ngục).
Các cuộc vượt ngục thể hiện bản lĩnh, trí tuệ phi thường của những chiến sĩ cộng sản tại “Địa ngục trần gian giữa lòng Hà Nội”. Tháng 12/1932, bảy tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò đã lên kế hoạch và trốn thoát vào đêm Noel 24/12. Đây là cuộc vượt ngục thành công đầu tiên của tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò.
Năm 1945, Nhật đảo chính Pháp, chiếm quyền quản lý nhà tù. Lợi dụng quân Nhật có nhiều sơ hở trong việc canh phòng, gần 150 tù chính trị đã vượt ngục bằng các hình thức thăng thiên, độn thổ (chui cống ngầm), trà trộn vào đoàn người thăm nuôi tiếp tế thoát khỏi Nhà tù Hỏa Lò. Thắng lợi của các cuộc vượt ngục đã kịp thời bổ sung cán bộ lãnh đạo cốt cán như đồng chí Trần Tử Bình, Đỗ Mười… cho Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội và các tỉnh đồng bằng Bắc Bộ.
Cuối năm 1951, tổ Đảng khu xà lim tử hình quyết định tổ chức vượt ngục tập thể. Cuộc vượt ngục tuy không thành công hoàn toàn, nhưng đã làm chấn động dư luận tại Việt Nam và nước Pháp lúc đó.
Tại Nhà tù Sơn La cũng diễn ra hai cuộc vượt ngục vào năm 1941, 1943. Trong số các chiến sĩ cách mạng vượt ngục Nhà tù Sơn La năm xưa, nhiều đồng chí sau này đã trở thành những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước như: Nguyễn Lương Bằng, Trần Đăng Ninh, Lưu Đức Hiểu, Nguyễn Văn Trân…
Vượt ngục trên đất liền đã khó, các cuộc vượt ngục giữa khơi xa tại Nhà tù Côn Đảo, Trại giam Tù binh Phú Quốc càng gian nan hơn gấp bội, bởi giữa điệp trùng sóng nước mênh mông, những phương tiện vượt biển thô sơ thường vỡ tan trước những cơn sóng dữ…
Các phần trưng bày Thoát khỏi ngục lửa, Vượt khỏi đại ngàn, Biển khơi dậy sóng, Bản hùng ca giữa trùng khơi… sẽ khắc họa hành trình đến với tự do với biết bao khó khăn, gian khổ và hy sinh, nhưng cũng chứa đựng tinh thần thép của những chiến sĩ cách mạng kiên trung, không chấp nhận cái chết mòn nơi nhà tù thực dân, đế quốc.
Khép lại trưng bày, nội dung “Khúc ca hòa bình” giới thiệu đóng góp của các chiến sĩ cách mạng sau khi thoát khỏi các nhà tù thực dân, đế quốc. Dấu ấn về tinh thần quả cảm trong những cuộc vượt ngục táo bạo năm xưa vẫn lan tỏa như một minh chứng trường tồn cho lòng yêu nước và khát vọng hòa bình của nhân dân Việt Nam. Ký ức của những cựu tù vượt ngục năm xưa là một phần ký ức của lịch sử dân tộc, là niềm tự hào, động lực để thế hệ trẻ tiến bước trên con đường đổi mới và dựng xây đất nước.
Trên những pano được thể hiện như những bảng vàng ghi công, là chân dung của các cựu tù chính trị năm xưa đã vượt ngục thành công trong thời kỳ kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ, tiếp tục đóng góp sức lực vào các phong trào cách mạng. Trong đó có nhiều đồng chí giữ trọng trách lãnh đạo của Đảng và Nhà nước như các đồng chí Nguyễn Lương Bằng, Đỗ Mười, Nguyễn Văn Trân, Trần Đăng Ninh, Trần Tử Bình, Lê Trọng Nghĩa, Hoàng Ngân, Hoàng Thị Ái, Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, Thượng tướng Song Hào, Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương.
Tại buổi khai mạc diễn ra vào sáng 14/5, khách tham quan sẽ được gặp gỡ những nhân chứng lịch sử đã trực tiếp tham gia vào các cuộc vượt ngục và thân nhân của những chiến sĩ cách mạng từng đã tham gia vượt ngục năm xưa: Thiếu tướng Huỳnh Đắc Hương, người phá ngục Trại giam Phú Bài tháng 3/1945; ông Nguyễn Hà Long, thương binh 2/4, người khởi xướng phong trào đào hầm vượt ngục tại phân khu A2, Trại giam Tù binh Phú Quốc đêm 19/01/1969; ông Đỗ Trọng Dư, “chuyên gia” làm xẻng, nắp hầm tại Trại giam Tù binh Phú Quốc; thân nhân gia đình Đại tướng Nguyễn Chí Thanh, Đại tướng Văn Tiến Dũng, đồng chí Trần Tử Bình, đồng chí Trần Đăng Ninh…
Những tài liệu liên quan đến các cuộc vượt ngục và những kỷ vật của các chiến sĩ cách mạng tham gia vượt ngục năm xưa cũng sẽ được giới thiệu như: Quần, áo vest được Thượng tướng Nguyễn Văn Khương (Song Hào), Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội sử dụng từ năm 1987-2004; Thanh kiếm, bộ đội quân giới tặng đồng chí Nguyễn Văn Trân (tù chính trị Nhà tù Hỏa Lò năm 1940) khi đồng chí giữ cương vị Bí thư kiêm Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến Hà Nội; Huân chương Hồ Chí Minh, Hội đồng Nhà nước nước Cộng hòa XHCN Việt Nam tặng đồng chí Nguyễn Văn Kha, ngày 8/8/1990; mũ phớt ông Lê Tất Đắc sử dụng trong thời gian giữ chức vụ Xứ ủy viên Xứ ủy Trung Kỳ, năm 1940; Ghi chép của đồng chí Nguyễn Hà Long và đồng đội trong thời gian hoạt động tại Phú Quốc từ năm 1969-1972…
Nhật Nam