Mô hình trồng ổi chuyển đổi từ đất lúa kém hiệu quả của gia đình bà Trần Thị Bé Thùy, Tổ 3, ấp Kênh 10B, thị trấn Tân Hiệp, huyện Tân Hiệp (Kiên Giang). Ảnh: Hồng Đạt - TTXVN
Ông Bùi Quốc Duy, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Hiệp cho biết, Tân Hiệp có thế mạnh lớn về sản xuất nông nghiệp với chủ lực là cây lúa. Tuy nhiên, thời gian qua, trong bối cảnh giá cả cây lúa bấp bênh, ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, chuyển diện tích đất lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây ăn trái. Trong số đó, cây ổi chiếm phần lớn diện tích với 53 ha trên tổng diện tích 173 ha cây ăn trái toàn huyện.
Hiện trên địa bàn huyện Tân Hiệp có hơn 50 hộ trồng ổi. Hầu hết các hộ trồng ổi đều hào hứng với loại cây trồng này sau khi được định hướng chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo ông Duy, Tân Hiệp có diện tích đất phèn khá lớn nên rất thích hợp với mô hình trồng ổi. Cây ổi dễ sống, tiết kiệm được nhiều công chăm sóc, ít sâu bệnh, lợi nhuận lại cao.
Gia đình bà Trần Thị Bé Thùy, Tổ 3, ấp Kênh 10B, thị trấn Tân Hiệp là một trong những hộ tiêu biểu của huyện Tân Hiệp trong quá trình chuyển đổi canh tác đất lúa kém hiệu quả sang trồng ổi, từng bước ổn định kinh tế gia đình. Bà Thùy chia sẻ, gia đình có 4.000 m2 trồng lúa nhưng nhiều năm lúa thất thu, giá cả bấp bênh, cuộc sống gặp nhiều khó khăn.
Nhờ định hướng của địa phương về chuyển đổi canh tác nên gia đình học hỏi mô hình trồng ổi của người chú ở Vĩnh Long và quyết định lên liếp 4.000 m2 đất lúa sang trồng ổi. Giữa những luống ổi, bà Thùy làm đìa để trồng bông súng, trồng sả ven đìa để tăng thu nhập.
Giống ổi bà Thùy trồng là giống ổi lê lấy từ Bến Tre. Bà cho biết, giống ổi này phù hợp với đất phèn ở vùng đất Tân Hiệp nên thịt ổi giòn và ngon, vị ngọt đặc trưng. Đặc biệt, cây ổi 2 - 3 tháng mới phải bón phân một lần, chỉ cần cắt cành già hàng ngày để ổi ra trái đều đặn và bao trái lại bằng bọc xốp để tránh sâu bệnh.
Ổi từ lúc trồng tới lúc thu hoạch chỉ mất khoảng 8 tháng. Từ đó đến nay gần 4 năm, bình quân một ngày gia đình bà Thùy thu hoạch khoảng 100 kg ổi. Giá bán tùy thời điểm dao động từ 10.000 - 25.000 đồng, cho thu nhập khoảng 150 triệu đồng/năm. Cùng trên diện tích trồng ổi, bà Thùy còn trồng xen rau má. Rau má, sả, bông súng cũng cho thu hoạch hàng ngày, bình quân lợi nhuận từ các loại cây này mang lại cho già đình bà thêm khoảng 50 triệu đồng/năm.
Bà Thùy chia sẻ: “Kinh tế gia đình hiện ổn định. Mỗi ngày vợ chồng tôi đều có thu nhập, cuộc sống trở lên thoải mái hơn hẳn so với trước đây, có tiền lo cho con cái ăn học đến nơi đến chốn”.
Theo ông Bùi Quốc Duy, thời gian tới, ngành nông nghiệp địa phương vẫn tích cực thực hiện đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp; trong đó, chú trọng đến công tác chuyển dịch cơ cấu lại cây trồng vật nuôi. Đặc biệt, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu UBND huyện Tân Hiệp vừa chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp vừa định hướng đầu ra cho bà con nông dân, đảm bảo ổn định đầu ra cho các sản phẩm nông nghiệp của bà con, tránh tình trạng ùn ứ hàng không xuất được.
Riêng sản phẩm ổi trồng ở Tân Hiệp được đảm bảo là sản phẩm nông nghiệp sạch, chất lượng vì ổi không chịu được thuốc, phát triển tự nhiên. Nhờ vậy, sản phẩm ổi Tân Hiệp hiện rất được người tiêu dùng ưa chuộng. Các hộ trồng ổi đều cung cấp không đủ sản phẩm cho thị trường. Thương lái thu mua ổi của bà con bỏ mối nhiều tỉnh, thành ở Đồng bằng sông Cửu Long.
Có thể nói, trồng ổi nói riêng và các loại trái cây nói chung đang là hướng đi đúng đắn cho bà con nông dân Tân Hiệp trong quá trình chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Mô hình trồng ổi mang lại hiệu quả kinh tế cao càng thể hiện vai trò định hướng sản xuất của ngành nông nghiệp, giúp ổn định đời sống cho bà con, vừa góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.