Theo báo cáo của chốt số 1 đèo Chuối và UBND huyện Đạ Huoai, trong hai ngày 3 và 4/10, có gần 700 công dân từ các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai và TP. Hồ Chí Minh tự phát đi xe máy lưu thông trên Quốc lộ 20 vào địa phận Lâm Đồng. Trong đó, có hơn 130 người thuộc các tỉnh Đắk Lắk, Đắk Nông, gần 570 người còn lại là công dân có hộ khẩu thuộc các huyện, thành phố trong tỉnh.
Nhiều đoàn xe máy tự phát khi lưu thông về tới chốt số 1 đèo Chuối đã được lực lượng làm nhiệm vụ phòng chống dịch của tỉnh và huyện Đạ Huoai tiến hành xét nghiệm nhanh Covid-19; đồng thời, bố trí nơi ở tạm và chuẩn bị cơm, nước đầy đủ.
Ngay trong đêm ngày 4/10, sau khi tiếp nhận các bao cáo, ông Trần Văn Hiệp – Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng đã trực tiếp tới kiểm tra nơi người dân đang ở tạm và đã gửi lời thăm hỏi, chia sẻ khó khăn và động viên tới bà con. Nhiều người dân cũng đã chia sẻ về những khó khăn, thiếu thốn “cực chẳng đã” nên phải tự phát đi xe máy về Lâm Đồng.
Sau khi lắng nghe những nguyện vọng của bà con, ông Hiệp đã chỉ đạo và giao nhiệm vụ cho Sở Giao thông Vận tải, Công an tỉnh Lâm Đồng và huyện Đạ Huoai chủ trì phối hợp với các huyện, thành phố nhanh chóng bố trí phương tiện, trang thiết bị y tế để đưa các công dân đang có mặt tại chốt đèo Chuối về cách ly tập trung theo đúng quy định. Các huyện, thành phố phải chuẩn bị các khu cách ly để phối hợp cùng các sở, ngành và chốt đèo Chuối tiếp nhận đưa công dân về địa phương cách ly y tế đảm bảo các quy định phòng chống dịch Covid-19.
Dù rất thấu hiểu những khó khăn, vất vả của bà con khi phải đối mặt với dịch bệnh, thất nghiệp, ông Trần Văn Hiệp đã cặn kẽ giải thích để người dân hiểu và nắm bắt các chủ trương, chính sách của tỉnh Lâm Đồng trong việc tiếp nhận công dân từ các vùng dịch về địa phương trong thời gian tới. Vì thế, người dân nên phối hợp tốt với chính quyền địa phương để được tiếp nhận trở về quê có tổ chức, tránh trường hợp tự phát như hiện nay.
Theo chỉ đạo của Ban Thường vụ tỉnh uỷ, Lâm Đồng đang chuẩn bị nguồn nhân lực, cơ sở tốt nhất để đón công dân thuộc 7 đối tương ưu tiên tại các vùng dịch có nhu cầu về quê, gồm: Người cao tuổi (từ 60 tuổi trở lên); trẻ em (dưới 16 tuổi) và học sinh đang theo học phổ thông; người khuyết tật; người đang điều trị, khám chữa bệnh; phụ nữ mang thai (từ 6 tháng trở lên), người có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.
Những trường hợp còn lại đang có điều kiện thì nên vận động người thân, bạn bè, đồng nghiệp ở tại các vùng dịch để tiếp tục làm việc, lao động, sản xuất cống hiến cho các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp và địa phương nơi mình đang sống, tránh tình trạng mất cơ hội, mất việc, mất thu nhập… sau thời gian tự phát về quê không có tổ chức.
Sáng ngày 5/10, làm việc với huyện Đạ Huoai, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm cho rằng, Đạ Huoai là địa phương chịu nhiều áp lực và đang gánh trách nhiệm quan trọng trong công tác kiểm soát, phòng chống dịch Covid-19 từ đầu đợt dịch thứ 4 đến nay. Hiện tại, số lượng người dân tự phát về từ các vùng dịch đang quá đông, gây áp lực cho toàn tỉnh nói chung và huyện Đạ Huoai nói riêng.
Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo, Đạ Huoai tiếp tục cố gắng, nỗ lực để phối hợp cùng các ngành chức năng của tỉnh thực hiện tốt công tác kiểm soát, phòng chống dịch trên địa bàn; tăng cường lực lượng làm nhiệm vụ tại tuyến đầu để kiểm soát, sàng lọc chặt chẽ người dân tự phát từ vùng dịch về quê; phối hợp với các sở, ngành của tỉnh và các huyện, thành phố tổ chức tiếp nhận công dân cách ly tập trung đảm bảo công tác phòng chống dịch; xử lý nghiêm các đối tượng có biểu hiện chống đối, kích động, lôi kéo người dân gây ảnh hưởng đến công tác phòng chống dịch và làm mất an ninh trật tự…