Khoảng trống trong phòng, chống doping
Theo các chuyên gia thể thao, việc phòng, chống doping của thể thao Việt Nam thực sự gặp khó khăn. Khó, không phải vì huấn luyện viên, vận động viên (VĐV) không có đủ thông tin về vấn đề này, bởi vào cuối mỗi năm, ngành Thể thao Việt Nam đều nhận được thông báo về danh mục chất cấm, phương pháp bị cấm trong tập luyện, thi đấu từ Cơ quan Phòng, chống doping thế giới. Từ đây, danh mục này được thông báo cho các câu lạc bộ, bộ môn. Ngoài ra, các huấn luyện viên, VĐV có thể tham khảo thông tin trên trang web của Cơ quan Phòng, chống doping thế giới. Bởi vậy, vấn đề nằm ở nhận thức, tính tự giác của huấn luyện viên, VĐV.
Để tác động đến ý thức phòng, chống doping của VĐV, cần có giải pháp mạnh thay vì chỉ cung cấp thông tin. Trong đó, cần nhất là thực hiện xét nghiệm doping tại các giải đấu. Thế nhưng, đây là bài toán khó của thể thao Việt Nam. Nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT, chuyên gia hàng đầu về y học thể thao tại Việt Nam Lê Quý Phượng cho rằng, việc thiếu kinh phí để thực hiện xét nghiệm tại các giải đấu là rào cản lớn nhất. Bình thường, việc gửi xét nghiệm một mẫu thử doping tại nước ngoài tốn ít nhất 300USD; nếu Việt Nam có phòng xét nghiệm đạt chuẩn thì chi phí chỉ còn 100USD/ mẫu. Tuy nhiên, thể thao Việt Nam chưa có phòng xét nghiệm đạt chuẩn như thế. Hơn nữa, theo ông Dương Đức Thủy, phụ trách môn điền kinh (Tổng cục TDTT), kinh phí tổ chức thi đấu chỉ đủ đáp ứng yêu cầu chi trả cho trọng tài, ban tổ chức giải, hỗ trợ đơn vị đăng cai tổ chức..., nên khó nói đến việc xét nghiệm doping.
Vì vậy, từ nhiều năm qua, với các giải đấu trong nước, "cuộc chiến" với việc sử dụng chất cấm còn rất nhiều hạn chế. Chỉ trong những sự kiện lớn như Đại hội TDTT toàn quốc, hay trước mỗi kỳ đại hội thể thao quốc tế quan trọng thì ngành Thể thao mới tổ chức xét nghiệm doping, nhưng là ở mức thấp. Dù số ca xét nghiệm ở mức khiêm tốn nhưng chúng ta cũng đã phát hiện VĐV sử dụng doping - như một trường hợp ở môn cử tạ tại Đại hội TDTT toàn quốc năm 2010. Đến trước Đại hội TDTT toàn quốc năm 2018, thêm một trường hợp nữa bị phát hiện sử dụng doping trong quá trình tập luyện chuẩn bị cho Đại hội. Đáng nói, trường hợp này được Cơ quan Phòng, chống doping thế giới phát hiện trong một lần kiểm tra ngẫu nhiên.
Đề cao giá trị thật
Thực tế, sau những lần kiểm tra đột xuất của Cơ quan Phòng, chống doping thế giới đối với các VĐV Việt Nam, đã có 4 trường hợp sử dụng doping bị phát hiện. Dù không rõ việc sử dụng chất cấm là cố tình hay vô tình nhưng điều này cho thấy khoảng trống trong công tác phòng, chống doping ở Việt Nam. Theo ông Nguyễn Văn Phú, Giám đốc Trung tâm Doping và Y học thể thao (Tổng cục TDTT), phía Cơ quan Phòng, chống doping thế giới đã đề nghị Việt Nam thực hiện lấy mẫu xét nghiệm doping ở các giải đấu trong nước, thậm chí lấy mẫu trong quá trình tập luyện của VĐV.
Có lẽ, đó là yếu tố quan trọng để Tổng cục TDTT quyết định kể từ năm 2021 lấy mẫu xét nghiệm ở một số giải đấu của các bộ môn quan trọng như điền kinh, bơi, cử tạ, xe đạp, thể hình. Theo đó, ngành Thể thao sẽ tập trung kiểm tra doping theo phương thức đột xuất, ngẫu nhiên tại cả giải vô địch quốc gia cũng như giải trẻ quốc gia. Việc lấy mẫu còn được thực hiện ngay trong thời gian tập huấn của VĐV. Điều này đòi hỏi một khoản kinh phí lớn. Tuy vậy, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục TDTT Nguyễn Hồng Minh cho rằng, đây là việc cần thiết để đề cao giá trị thật trong thi đấu thể thao, đồng thời ngăn chặn tối đa việc sử dụng doping.
Tất nhiên, với công tác phòng, chống doping, Tổng cục TDTT cần có sự đồng hành của các cơ quan quản lý thể thao, các câu lạc bộ. Theo ông Đào Quốc Thắng, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện và thi đấu TDTT Hà Nội, ngành TDTT cần sớm mời chuyên gia đến phổ biến kiến thức về phòng, chống doping cho huấn luyện viên, VĐV; trung tâm cũng sẽ trích kinh phí để tổ chức xét nghiệm doping theo hình thức ngẫu nhiên với chính VĐV trong trung tâm. Về lâu dài, Việt Nam vẫn cần có một phòng xét nghiệm doping để có thể thực hiện nhiều mẫu xét nghiệm hơn với chi phí rẻ hơn.