Nam Định: Phủ Quảng Cung - Điểm đến tâm linh hấp dẫn du khách

Phủ Quảng Cung (Phủ Nấp), thôn Vỉ Nhuế, xã Yên Đồng (Ý Yên, Nam Định) là nơi thờ phụng, ghi dấu lần giáng sinh thứ nhất của Thánh Mẫu Liễu Hạnh - một trong “tứ bất tử” của tín ngưỡng dân gian Việt Nam. Với ý nghĩa lịch sử, giá trị nghệ thuật kiến trúc, lễ hội, năm 2013, Phủ Quảng Cung được Bộ VH, TT và DL cấp bằng công nhận Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia và được Liên hiệp các Hội UNESCO Việt Nam trao bằng Bảo trợ di sản năm 2011....Xin chia sẻ nội dung trên http://vanhien.vn/ đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/

 

phu quang cung1

Theo “Vân Hương Thánh Mẫu tam thế giáng sinh”, Thánh Mẫu Liễu Hạnh giáng sinh lần thứ nhất vào đêm mồng 6-3 năm Giáp Dần (1434) tên là Phạm Tiên Nga trong một gia đình họ Phạm ở thôn Vỉ Nhuế. Bà là người nổi tiếng thông minh, xinh đẹp, có nhiều công lao với quê hương: Quần tụ dân đắp đê Đại Hà quanh xã, xây dựng 15 cây cầu đá, khơi ngòi dẫn nước tưới tiêu ruộng đồng, trùng tu nhiều đền, đình, chùa ở địa phương… Mẫu Phạm Tiên Nga hóa thân về trời vào đêm mùng 3-3 năm Quý Tỵ (1473) tại ấp Quảng Nạp, tổng Vỉ Nhuế, phủ Nghĩa Hưng xưa (nay là thôn Tiến Thắng, xã Yên Đồng). Để tri ân công đức của Thánh Mẫu, người dân trong vùng ấp Quảng Nạp lập đền miếu Quảng Cung trên nền nhà nơi bà sinh ra để thờ phụng. Dưới các thời Lê, Nguyễn, đền miếu được tôn tạo nhiều lần thành Phủ Quảng Cung nguy nga, tráng lệ. Trải qua thời gian, dưới tác động của thiên nhiên và chiến tranh, phủ bị xuống cấp. Đến năm 1973, nhân dân địa phương đã hạ giải phủ để lấy vật liệu xây dựng các công trình phúc lợi của xã. Năm 1994, được sự quan tâm của các cấp ủy, chính quyền và sự tri ân công đức của nhân dân địa phương, Phủ Quảng Cung được phục dựng lại trên nền đất xưa. Từ năm 2001 đến nay, dưới sự chủ trì của bà Trần Thị Hồng Vân - thủ nhang Phủ Quảng Cung và nguồn kinh phí xã hội hóa, phủ được tu sửa, mở rộng khang trang, xây dựng thêm nhiều công trình thờ tự, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng thờ Mẫu của nhân dân. 

Công trình kiến trúc Phủ Quảng Cung ngày nay có quy mô bề thế gồm 7 gian tiền đường, 3 gian đệ nhị và tòa cung Thánh Mẫu. Trong phủ hiện còn lưu giữ nhiều đồ tế tự như: bát hương bằng đồng chạm “lưỡng long chầu nguyệt” phong cách nghệ thuật thời Hậu Lê khắc chữ Hán “Quảng Cung linh từ”; 34 bản khắc gỗ nội dung của 64 quẻ thẻ cùng một số bia đá, sắc phong, hoành phi, câu đối ghi dấu sự tích và ca ngợi công đức của Thánh Mẫu. Trong số các di vật, cổ vật, giá trị nhất là Pho tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh tạc năm 1770. Không giống như các tượng thờ Thánh Mẫu ở những nơi khác, tượng Thánh Mẫu Liễu Hạnh tại Phủ Quảng Cung có nhiều điểm khác biệt, độc đáo với dáng ngồi khoan thai, nét mặt đoan trang, phúc hậu, mặc áo tứ thân, đầu đội mũ; các nếp áo được tạo tác giản dị với 2 lớp áo choàng ở ngoài và 1 chiếc yếm đào bên trong làm cho pho tượng trở nên gần gũi, bình dị.

Hàng năm, lễ hội Phủ Quảng Cung được tổ chức từ mồng 1 đến mồng 10 tháng 3 âm lịch với nhiều nghi lễ truyền thống như: tế, rước kiệu và các hoạt động văn hóa dân gian: hát văn, múa lân, sư, rồng, chơi cờ người; trong đó đặc sắc nhất là lễ “rước kinh lấy nước” vào sáng ngày mồng 4-3 và lễ “tế nến” vào đêm cùng ngày. Lễ “rước kinh lấy nước” được tổ chức tại bến đò Vọng gồm 5 thuyền và 1 kiệu hoa. Dụng cụ lấy nước là 2 muôi đồng và 1 chóe đựng nước. Thuyền lớn chở kiệu Thánh Mẫu do 8 nữ khiêng. Sau khi các bô lão trong làng làm lễ, thủ nhang múc nước vào chóe và thả tiền vàng; thuyền quay nhiều vòng trên sông Đáy sau đó quay về bờ. Chóe nước thiêng được đặt lên kiệu Thánh Mẫu rước về Phủ Quảng Cung. Đám rước diễn ra trong không khí hào hứng của dòng người náo nhiệt trải dài. Từ các cụ già 70-80 tuổi đến những cháu nhỏ, mặt ai cũng ánh lên vẻ phấn chấn. Ngoài các nghi thức tế, lễ thông thường, ở các di tích thờ Mẫu nói chung và ở Phủ Quảng Cung nói riêng không thể thiếu nghi thức hầu đồng (hầu bóng) tạo nên sức hấp dẫn đặc biệt của lễ hội. Thông qua việc kết hợp một cách nghệ thuật các yếu tố văn hóa dân gian từ trang phục, âm nhạc, hát văn, diễn xướng tâm linh và lễ hội thờ tại các di tích thờ Thánh Mẫu, năm 2016, “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại (tỉnh ta được coi là Trung tâm thờ Mẫu với các di tích Phủ Dầy, Phủ Quảng Cung).

Lễ hội Phủ Quảng Cung đã phản ánh rõ nét phong tục, tập quán, tín ngưỡng, nghệ thuật, thẩm mỹ, thể hiện tư duy, nhận thức về nhân sinh quan, thế giới quan của cộng đồng dân cư, góp phần nghiên cứu đời sống văn hóa, xã hội truyền thống của làng quê Việt Nam. Phủ Quảng Cung hiện là điểm du lịch tâm linh về tín ngưỡng thờ Mẫu không chỉ của người dân Nam Định mà còn thu hút đông đảo du khách thập phương đến hành hương chiêm bái, cầu phúc, cầu lộc, cầu tài mỗi dịp đầu xuân mới. Tại phủ, ngoài những ngày diễn ra lễ hội, vào những ngày rằm, mồng 1 âm lịch hàng tháng, lượng người đến thắp hương lễ bái và tham quan cũng rất đông./.