Bộ phim là dự án quan trọng của VTV, được Quỹ FAMLAB của Hội đồng Anh tài trợ. Lê Mỹ Cường được biết đến rộng rãi qua giải thưởng Búp sen vàng năm 2010. Kể từ đó, anh theo đuổi dòng phim tài liệu, một thể loại vốn xưa nay khá kén khán giả nhưng lại có sự hấp dẫn và những giá trị riêng. Lê Mỹ Cường thường tìm kiếm cái đẹp trong những điều tầm thường nhất, giản dị nhất, đơn sơ nhất, và những bộ phim của anh là từng bước chân tìm kiếm cái đẹp này.
Đạo diễn trẻ chia sẻ, anh biết tới câu chuyện của những người nghệ sĩ cải lương tuồng cổ qua những bức ảnh của một người bạn, và những hình ảnh này đã khơi dậy sự tò mò trong anh. “Cảm xúc tò mò và sự "đẹp" về/trong một điều gì đó sẽ là chất xúc tác đầu tiên khiến tôi quyết định tiếp xúc, tìm hiểu một đề tài. Hình ảnh một người nghệ sĩ trang điểm lộng lẫy trên khuôn mặt và tấm áo phông có chữ "New York" rách một miếng ở vai và nách đã thôi thúc mình bấm máy, kể câu chuyện có ít nhiều những sắc độ tương phản ban đầu này. Mình muốn tìm hiểu họ thực sự là ai?” – anh cho biết.
Lê Mỹ Cường và ê kíp đi khảo sát, tìm hiểu thêm về cải lương tuồng cổ trên mạng. Sau đó,anh và người bạn đồng hành Thanh Nguyễn – đồng tác giả dự án ôm máy đi theo đoàn hát. Trong những trang nhật ký mà đoàn làm phim chia sẻ trên trang “Đoạn trường vinh hoa”, hai thành viên này kể lại, phải bốn tháng trời theo chân gánh hát, họ mới ghi được những thước phim đầu tiên: “Bốn tháng sau khi theo chân gánh hát, chị Hai Phương Anh mới cho phép chúng tôi ghi lại những thước hình đầu tiên. Ngày chia tay, cô Ba mới tâm sự với chúng tôi, rằng cô đã từng nghĩ sẽ từ chối chúng tôi quay phim về gánh hát. Cô không muốn trả lời những câu hỏi lặp đi lặp lại về đam mê hay cuộc đời của những nghệ sĩ nghèo. Có lẽ bởi vì chúng tôi không hỏi gì nên chúng tôi đã may mắn được bước vào cuộc đời họ một cách tự nhiên. Chị Hai bảo chị quý chúng tôi vì tự nhiên thấy ở đâu ra mấy đứa cứ lẽo đẽo đi theo gánh hát hết ngày này đến ngày nọ, riết rồi cũng quen, chị biết chúng tôi thật lòng”.
Lối kể chuyện của Lê Mỹ Cường là để nhân vật, hình ảnh tự kể những câu chuyện của mình. Những năm tháng đi cùng đoàn hát đã giúp anh rất nhiều trong việc kể câu chuyện của những người nghệ sĩ nông thôn này. Anh và Thanh Nguyễn ăn ở cùng đoàn hát, ngủ mùng, nằm võng ngoài sân đình sau mỗi đêm diễn, ăn những bữa cơm tối dọn vội cùng họ…. Những điểm diễn ở thành phố Cần Thơ, huyện Ô Môn, Miếu Bà Thiên Hậu, đình Hải Ngư, đình Thần Phước Tới… là những điểm dừng chân quen thuộc của các thành viên đoàn làm phim trong gánh hát. Đoàn làm phim trở thành “người nhà” của đoàn hát tự khi nào.
Các thành viên đoàn làm phim và đoàn hát.
“Nhớ ngày đầu, chúng tôi và những con người này nhìn nhau với ánh mắt hoài nghi, lạ lẫm. Sau lớp son phấn dầy và phủ kín gương mặt, chúng tôi không chắc về biểu cảm thật sự của họ, vừa tò mò, vừa sợ sệt, nhưng lại muốn thấy nhiều hơn… Rồi chúng tôi bước vào hành trình của mình, hành trình đi tìm những giấc mơ vinh hoa. Trong hành trình ấy, có một điều mà chúng tôi đã không đoán định được, là cái giá của việc thấy những gì đằng sau lớp mặt nạ được tô vẽ tỷ mỉ kia là đồng nghĩa sẽ sống cùng những xúc cảm của họ, sống trong câu chuyện của họ cho dù là sầu khổ, bi ai, dù là vinh hoa… hay đoạn trường…” – Và cứ như thế, câu chuyện về gánh hát cổ đã được kể lại tự nhiên như vậy.
Lê Mỹ Cường trưởng thành từ giải thưởng Búp Sen Vàng - giải thưởng thường niên do Trung tâm TPD tổ chức. Đây luôn là dấu mốc ý nghĩa với anh, nhưng không phải bởi thành tích, mà vì đây chính là cánh cửa giúp anh tiếp cận, tìm tòi và khám phá cách thức kể những câu chuyện chung quanh mình thông qua phim tài liệu. Anh đã lựa chọn những đề tài mình quan tâm và tiếp tục những bước đi trên con đường khám phá và chinh phục dòng phim tài liệu với những bộ phim như “Khúc tình phố” - phim nói về những người hát rong bán kẹo kéo trên đường phố năm 2013, "Tôi đẹp! Bạn cũng thế" nói về show diễn thời trang đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam dành cho người khuyết tật năm 2016…
Lê Mỹ Cường chia sẻ: “Có một sự đồng nhất trong cách tôi chọn đề tài, hay nói cách khác là những thứ khiến tôih "tò mò", muốn được kể về nó. Nhìn lại một chút thì những bộ phim trước đó về những người khuyết tật, những người đồng tính, những người lao động tự do, phiêu bạt hay những bệnh nhân phong... là những nhân vật đã từng xuất hiện trong các bộ phim của tôi. Tôi cho rằng mình có chung một dòng rung cảm nhất định với những câu chuyện, "kiểu người" như thế - những người mà tiếng nói của họ có thể hơi "yếu ớt" nhưng không có nghĩa là không tồn tại. Tôi chọn cách làm phim tài liệu này để lắng nghe và bước vào thế giới của họ. Mà nói đúng hơn là để mọi người trong đó tất nhiên là có cả mình được bước vào thế giới của nhau một cách chân thành, tự nhiên nhất”.
Trong quá trình làm phim, ngoài những khó khăn như khoảng cách về địa lý giữa nhóm làm phim và câu chuyện, nhân vật, hiện trường quay, rồi làm thế nào để các nhân vật thực sự tin tưởng, coi đoàn làm phim cũng là một phần của họ, để không còn cảm giác "diễn" với ống kính, thì còn những “đoạn trường” khác mà các thành viên đoàn làm phim cũng phải trải qua.
“Chúng tôi gồm hai người khác nhau về công việc, quan điểm. Bạn đồng hành của tôi xuất phát điểm chưa có nhiều kỹ năng liên quan đến quay phim tài liệu theo phong cách này, nhưng lại có thế mạnh về khuôn hình do lợi thế về nhiếp ảnh, làm thiết kế. Chúng tôi đã có giai đoạn đầu từ liều lĩnh, cùng thử đồng hành và cả khủng hoảng khi người này không hiểu điều người kia muốn và ngược lại. Có những buổi quay mà xem nháp phim xong không ai nói gì, cảm giác "toang" thật rồi. Thế nhưng cuối cùng thì cả hai đã không bỏ cuộc, đi đến cuối chặng đường và làm tốt nhất trong khả năng có thể” – Lê Mỹ Cường chia sẻ.
“Dự án của chúng tôi có nhiều điều đáng nhớ: có sự liều lĩnh và quyết liệt trong đó. Có sự tham gia của những người cả trong nam ngoài bắc, chưa từng gặp nhau đầy đủ cả nhóm, nhưng được kết nối với nhau bằng sợi dây lớn nhất là tình yêu, sự quan tâm tới dự án này. Đó là những điều mà chúng tôi nhớ nhất khi dự án khép lại” – anh nói.