Ninh Thuận: Tháp Pô RôMê – Ngôi tháp lớn của người Chăm

Xin chia sẻ nội dung trên http://vanhien.vn/ đến cộng đồng bạn đọc https://doisongvaphattrien.vn/...Di tích tháp Pô RôMê xây dựng trên ngọn đồi dốc “Bôn A Cho”, cao khoảng 50m, nằm về phía Tây thôn Hậu Sanh, xã Phước Hữu, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. Tháp cách trung tâm thị xã Phan Rang-Tháp Chàm 22km và trung tâm huyện Ninh Phước 7km. Pô RôMê được coi là ngôi tháp lớn của người Chăm, là nơi thờ một vị thần.

Tháp Pô RôMê

Nơi thờ một vị thần

Theo sử liệu từ Ban quản lý Di tích tỉnh Ninh Thuận, Tháp Pô RôMê được xây dựng để thờ vua Pô RôMê có nhiều công lao đối với sự nghiệp phát triển của dân tộc Chăm vào thế kỷ XVII.

Sử liệu cũng cho biết, bia ký và tục truyền của các đồng bào Chăm thì vua Pô RôMê (1595 – 1615) là người có công xây dựng, đặc biệt trong lãnh vực thủy lơi như xây dựng công trình đập nước MaRên, ngoài ra ông còn cho khai một con mương dài khoảng 40km chảy từ núi Là A qua các thôn Vụ Bổn, Hiếu Thiện, La Chữ, Mông Đức, Nhuận Đức, Bầu Trúc… Do có nhiều công lao như vậy, khi ông chết dân Chăm thờ cúng và xem ông như một vị thần.

Tháp Pô RôMê được xây dựng có niên đại vào thế kỷ 17. Dấu ấn chứng minh cho giả thiết này là những ghi nhận thực tế về kỹ thuật xây dựng khá thô và nghèo nàn so với các tháp Chăm khác hiện còn. Nếu xét theo loại hình kiến trúc thì tháp Pô RôMê là ngôi tháp cuối cùng bằng gạch của người Chăm và cũng là ngôi tháp lớn cuối cùng của vương quốc ChămPa.

Mặc dù Tháp Pô RôMê được coi là tháp xây dựng vào thời điểm khác nhau, thờ một vị vua khác, nhưng về thiết kế, cấu trúc so với các tháp của người Chăm khác rải rác từ Quảng Nam-Đà Nẵng vào đến Bình Thuận, thì giống nhau. Như chúng ta thường biết, các tháp thường được xây ở trên đồi cao. Điều này có thuyết lý giải rằng, theo quan niệm của người Chăm ảnh hưởng tôn giáo Bàlamôn, thì các vị thần linh hay vua chúa khi sang bên kia thế giới thì tìm đến các đỉnh núi ngự trị.

Về vị vua được thờ trong ngôi tháp linh thiêng, theo biên niên sử người Chăm thì Pô Rômê vốn là một mục đồng, được vua Mahataha gả con và sau đó lên ngôi vua. Chính vì từng là một mục đồng nên dân chúng vẫn thường gọi Pô Rômê là ông vua mục đồng.

Hiện nay, tượng vua Pô RôMê, được tạc thành một phù điêu nổi trên một tấm bia đá hình cung nhọn. Tượng vua được tạc bán thân chiếm hết phần dưới và giữa tấm bia. Đầu tượng đội một chiếc mũ thân trụ tròn, vành mũ trang trí bằng một dải hình hoa 4 cánh, phía trên mũ có một hình trang trí giống như chiếc đinh ba mà vua cầm ở tay. Đôi mắt hơi xếch về phía thái dương và xích lại gần nhau, ria mép vểnh lên râu cằm để nhọn xuống, môi dưới có một chấm râu nhỏ.

Trên mình tượng không thấy dấu hiệu của quần áo ngoài một thắt lưng ở bụng được trang trí bằng một dải hoa 4 cánh. Tai trái có đeo hoa tai, vòng đeo cổ được tạo bởi các hình hoa 4 cánh nằm giữa hai hàng hạt ngọc, cổ tay đeo vòng. Tượng có 8 tay, 2 tay úp lên bụng, 6 tay còn lại được gắn vào vai một cách vụng về. Mỗi tay cầm một biểu tượng. Ba tay bên phải lần lượt từ dưới lên trên cầm con dao găm, bông sen và một chiếc lược. Ba tay bên trái cũng theo thứ tự đó cầm đinh ba, lưỡi gươm có chạm trổ và một chén đựng dầu dừa.

Đằng sau mũ trụ của vua, phía trên hai cánh tay trên cùng có hai hình xoắn như ngọn lửa đỡ lấy hai cái đầu. Ngoài ra, bên trên đầu tượng chính còn có ba đầu nữa được dặt chồng lên nhau, chiếc đầu thứ nhất từ dưới lên có cả vai. Các đầu đều đội mũ trụ tóe ra 5 tia hình lông công, có đeo hoa tai và vòng cổ. Toàn bộ cấu trúc của tượng vua đều được quét sơn: bia đá màu đỏ, các hình trang trí màu đen, mặt trắng, môi đỏ, các nét mắt đen đậm, những biểu tượng cầm tay màu vàng. Bệ tượng có một dãy chấm nổi ở giữa hai gờ lượn.

Đế tượng là một Yoni lớn bằng đá có chiều cao 0,30m, dài 1,70m, rộng 1,25m, có rãnh chạy quanh tượng và tấm bia đá, rồi kéo dài đến tận bên trên một con voi nhỏ nằm nghiêng gần bệ. Trước mặt tượng vua, ngay trên đế tượng có một cái lỗ nhỏ để cấm đuốc hoặc nến mỗi khi hành lễ… Như vậy, về hình thể, trang phục của của Pô RôMê được miêu tả khá chi tiết qua tượng thờ tại tháp.

Kiến trúc cổ bằng gạch bề thế

Nhà nghiên cứu của người Pháp H.Parmentier tiến hành điều tra khảo sát (1909 – 1918), cho biết, trước đây, tháp Pô RôMê là trung tâm của một quần thể gồm nhiều công trình lớn nhỏ khác nhau. Nhưng hiện tại chỉ còn lại một ngôi tháp Chính, bia đá và ngôi Miếu nhỏ. Điều này đã gây ra nỗi tiếc nhớ của hậu thế về di tích kỳ vĩ một thời.

Theo đánh giá từ Ban Quản lý Di tích tỉnh Ninh Thuận, Di tích tháp Pô RôMê mặc dù xây dựng có niên đại muộn hơn hai tháp Pô Klongarai và Hòa Lai. Về bố cục và cấu trúc của tháp là một công trình kiến trúc nghệ thuật. Ở mỗi cạnh, mỗi tầng và mỗi mặt của tháp được trang trí bằng các họa tiết gốm, đá, với đủ loại hình người, hình đuôi rồng, hình lá, hình bò thần, hình bò thần…Tất cả các loại hình những họa tiết trang trí trên thân tháp đều là những công trình chạm trỗ, điêu khắc tỉ mỉ và tinh vi, mang đầy đủ ý nghĩa về nghệ thuật và tôn giáo của người Chăm.

Nhìn chung về nghệ thuật kiến trúc, trang trí và điêu khắc tháp Pô RôMê tuy không trang nhã và tinh tế như các ngôi tháp khác của người Chăm hiện còn nhưng tháp Pô RôMê là một kiến trúc cổ bằng gạch bề thế hùng tráng của người Chăm và có giá trị lớn về nghệ thuật kiến trúc. Hơn nữa tháp Pô RôMê còn là một trong số rất ít các ngôi tháp còn nguyên vẹn cho đến nay.

Tháp Pô RôMê cũng như mọi tháp Chăm khác là hình dáng giống như một khối vuông trừ phần cửa ra vào. Tháp cao 16,5m, gồm 4 tầng. Tầng nền: mỗi cạnh dài 7,30m. Trên mặt tường của thân tháp trang trí kiến trúc chỉ còn lại hai cột ốp giả ở các góc tường và cửa giả ở các mặt tường. Cột ốp gồm có ba phần: chân là một đế phẳng không có hình trang trí ốp, thân cột hình chữ nhật đứng, phẳng phiu và đầu cột thô, nặng nề.

Tại góc các đỉnh cột ốp nhô ra các phiến đá trang trí hình ngọn lửa. Trên các đầu cột nổi lên ở 4 góc 4 cái ụ nhọn có trang trí ở trên và ở dưới các hình lá. Các cửa giả có ba thân để trơn gần trán cửa ở phía trên hình mũi giáo ba lớp và khung cửa gồm ba lớp cột ốp bên dưới. Trán cửa được khoét rỗng để đặt tượng người ngồi, quanh rìa trán cửa (trên cả ba lớp) được trang trí các hình lá leo bằng đất nung.

Nội thất của tháp hẹp, kéo dài theo chiều Đông-Tây, mỗi cạnh dài 4m và thu hẹp dần lên đến đỉnh nhưng không xây kín thành một khối đặc như thường thấy ở các tháp khác mà chừa rỗng cho đến phần độc thạch trên cùng. Có chừa 4 lỗ hình trụ thông ra 4 hướng.

Trong tháp, ngoài tượng vua Pô RôMê còn có các tượng một tượng người đàn bà bán thân mà người Chăm thường gọi là Hoàng hậu BiaThanhChan (người đã nhảy vào giàn thiêu chết theo vua Pô RôMê). Tượng cao 0,75m, rộng 0,30m, ngồi trên một cái bệ bằng đá đơn giản, bệ đá có chiều dài 0,52m, rộng 0,41m.

Hàng năm, tại tháp Pô RôMê diễn ra bốn lễ chính (theo lịch Chăm): Lễ mở cửa tháp là lễ mở cửa đầu năm cho lễ cúng tế đền tháp Chăm vào thượng tuần trăng tháng 1 lịch Chăm; Lễ cầu đảo: lễ Cầu đảo diễn ra vào thượng tuần tháng 4 lịch Chăm; Lễ hội Katê được tổ chức mỗi năm một lần vào tháng 7 lịch Chăm; Lễ hội Chabul (lễ cúng Nữ thần Mẹ xứ sở) là lễ cúng tế các vị Nữ thần Chăm mà đứng đầu là Mẹ thần xứ sở của người Chăm – Pô INư Taha, diễn ra vào tháng 9 lịch Chăm. Được biết, Di tích tháp Pô RôMê đã được Bộ Văn hóa Thông tin ra quyết định cấp bằng công nhận là di tích kiến trúc nghệ thuật, vào ngày 31 tháng 8 năm 1992.