HỘI NHẬP|| Hơn hai trăm năm trước, trong kiệt tác Truyện Kiều, đại thi hào Nguyễn Du từng viết: “Trăm năm trong cõi người ta/ Chữ tài chữ mệnh khéo là ghét nhau”. Ngẫm đến bây giờ và cả muôn sau, điều này vẫn còn đúng và chí ít là nó đúng khi vận vào cuộc đời của nữ ca sĩ Phi Nhung vậy!
Tôi biết đến giọng ca của Phi Nhung từ năm 1994, khi làng quê tôi vừa mới có điện. Hầu hết mọi người đều yêu mến chị bởi chất giọng thanh thoát, đằm thắm, ngọt ngào với những bài hát phảng phất làn điệu của ca dao, dân ca, gắn bó thân thương với cuộc sống bình dị nơi ruộng đồng thôn dã, những tình khúc quê hương. Dù chỉ nghe ké qua máy Casstte của người cậu hàng xóm nhưng giọng hát da diết, khắc khoải, đượm buồn đến nghẹn ngào, nức nở của Phi Nhung đã cuốn hút và chinh phục tôi từ đó. Tuy nhiên, Phi Nhung là ai, cuộc đời nữ ca sĩ như thế nào… thì mãi đến sau này tôi mới biết!
Chiều cuối thu nay, trưa 28/9, tôi bàng hoàng nghe tin Phi Nhung qua đời vì Côvid-19! Dù trước đó, các phương tiện truyền thông có đưa tin nữ ca sĩ đã mắc bệnh hơn một tháng rồi nhưng vẫn không thể ngờ được, dù đó là sự thật! Như vậy, giới văn nghệ sĩ Việt Nam thêm lần nữa ngậm ngùi, thương xót, lặng lẽ tiễn đưa một nữ ca sĩ xinh đẹp, tài năng và đặc biệt là rất nhân hậu về nơi vĩnh hằng! Tôi và những ai yêu mến giọng ca của chị đều bùi ngùi, tiếc thương. Kể từ đây, chúng ta chẳng còn thấy một nữ ca sĩ sáng bừng sân khấu, thướt tha bình dị, khắc khoải đượm buồn, mang nặng nỗi niềm với cuộc đời, ngân giọng nghẹn ngào qua các nhạc phẩm thấm đẫm tình quê hương xứ sở nữa.
Phi Nhung sinh năm 1972 ở Gia Lai, mang hai dòng máu Việt – Mỹ. Chị sống cả quãng đời tuổi thơ cơ cực, đẫm đầy nước mắt. Mới hơn 10 tuổi đã mồ côi mẹ, phải nghỉ học và lao động nhọc nhằn để nuôi 5 đứa em cùng mẹ khác cha. Chưa kể đến nỗi tủi hờn, ngậm ngùi khi bị dè bỉu, khinh khi vì thân phận của môt đứa con lai.
Năm 1989, chị sang định cư ở Mỹ theo diện con lai – cha của chị là một quân nhân Mỹ tham chiến tại Việt Nam trước đó. Sự nghiệp ca hát của Phi Nhung thăng tiến rất nhanh kể từ sau bài hát Sông quê cùng nam danh ca Thái Châu. Trong giai đoạn từ 1994-1998, Phi Nhung được mệnh danh là “Nữ hoàng băng đĩa”, gặt hái rất nhiều thành công trên sân khấu hải ngoại. Riêng ở quê nhà Việt Nam, giọng hát của chị đã làm thổn thức, say đắm lòng người qua những tình khúc quê hương, thuộc dòng nhạc Bolero.
Một bước ngoặt mới trong cuộc đời của Phi Nhung là năm 2002 chị được cấp phép về nước biểu diễn. Kể từ đây, người hâm mộ càng thêm yêu quý nữ ca sĩ nhiều hơn bởi tấm lòng nhân hậu, tinh thần từ tâm, hành động thiện nguyện của chị. Như đồng cảm, thấu hiểu nỗi đau của những đứa trẻ kém may mắn, chị đã nhận cưu mang 23 đứa bé mồ côi, cơ nhỡ, coi chúng như con của mình. Trong giới nghệ sĩ, có lẽ chị là người có con nuôi nhiều nhất. Nhìn những hình ảnh ấm áp, yêu thương mà chị dành cho bọn trẻ, tôi càng hiểu thêm câu nói “bàn tay có mở rộng trao ban, tâm hồn mới ngập tràn sướng vui hạnh phúc”. Chị thật hạnh phúc theo cách trao ban và san sẻ!
Tôi ấn tượng về chị không chỉ vì xinh đẹp, hát hay mà còn vì tấm lòng nhân hậu với cuộc đời, nhân ái với con người. Khi dịch Côvid -19 bùng lên, thay vì lo nghĩ cho riêng mình để mong cầu sự an yên, chị lại chọn cách xông xáo lo cho người khác. Bị lây nhiễm đã hơn 40 ngày, dù được các y bác sĩ tận tình chữa trị nhưng chị vẫn không qua khỏi. Thật tiếc thương một nghệ sĩ đa tài, có tấm lòng từ bi, nhân ái, đã sớm vội đi vào cõi vĩnh hằng!
Hưởng dương hơn 50 tuổi, gần 30 năm theo nghiệp cầm ca, 19 năm trở về đất mẹ Việt Nam, Phi Nhung đã cống hiến trọn vẹn một cuộc đời đẹp đẽ, đầy ắp yêu thương, ấm áp tình người. Dù biết rằng ước mơ vẫn còn dang dở, dự định vẫn chưa hoàn thành nhưng lẽ tử sinh thôi đành chấp nhận. Cầu mong cho linh hồn của chị được siêu sinh tịnh độ, nhẹ nhàng thanh thản, về nương cõi Phật!
Chắc chắn rằng, người hâm mộ sẽ còn thương nhớ mãi giọng ca ngọt ngào của Phi Nhung, giọng ca gắn liền với các nhạc phẩm trữ tình về quê hương như: Bông điên điển, Sầu tím thiệp hồng, Phải lòng con gái Bến Tre, Bà Năm hoặc Sông quê…
Ngay lúc này, lời ca của Sông quê như da diết vang lên: “chiều nay bỗng nhớ cây mù u/ dòng sông soi bóng em chiều thu”.
Chiều cuối thu tiễn biệt Phi Nhung nhưng những dòng sông quê vẫn mãi còn soi bóng chị!