“Rạp cần phim Việt, đó là cơ hội để vực dậy điện ảnh Việt”

Cùng đạo diễn Nguyễn Quang Dũng nhìn lại chặng đường điện ảnh Việt trong năm 2020, với thị trường phim nội đầy biến động; và cùng kỳ vọng vào các dự án phim thời gian tới.

“Khi “bom tấn... lưu kho” mới thấy được giá trị của phim Việt”

Với sự thành công của “Ròm” và “Tiệc trăng máu”, điện ảnh Việt nhen nhóm cơ hội vực dậy sau khi trải qua một năm khó khăn vì đại dịch COVID-19. Anh có đặt nhiều kỳ vọng ở điện ảnh Việt vào cuối năm nay và trong năm sau?

- Tôi nghĩ từ đây đến ngày 30.4.2021 sẽ có nhiều bộ phim điện ảnh Việt tốt về doanh thu. Đáng chú ý là phim “Trạng Tí” ở mùa phim Tết 2021 vì chúng ta không có phim cho thiếu nhi cạnh tranh mùa Tết. Và đây cũng là một phim của thiếu nhi được đầu tư rất lớn của điện ảnh Việt Nam.

Sau 2 tác phẩm đạt doanh thu cao là “Ròm” rồi “Tiệc trăng máu”, hình như phim Việt vẫn chưa có thêm tác phẩm nối tiếp sự thành công này. Theo anh, có phải vì phim Việt chạy theo số lượng mà bỏ qua chất lượng ở dịp cuối năm 2020?

- Chúng ta thấy, mới phát hành hiện nay là “Chị Mười Ba: 3 ngày sinh tử” rất tốt về doanh thu và chất lượng. Sau đó sẽ có “Em là của em”, “Võ sinh đại chiến” và đến Tết Nguyên đán thì 4 phim có vẻ đều rất tốt là “Bố già”, “Trạng Tí”, “Lật mặt”, “Gái già lắm chiêu V”. Phải nói chưa bao giờ rạp chiếu phim trong nước phải cần phim Việt Nam đến vậy. Đó là cơ hội cho các nhà sản xuất, đạo diễn, diễn viên vực dậy nền điện ảnh nước nhà.

Qua một năm đầy biến động của điện ảnh Việt, cá nhân anh thấy có những mặt tích cực và điều gì khắc phục?

- Các rạp chiếu phim phải nói là thoi thóp trong năm vừa rồi khi mà các phim bom tấn thế giới đều “lưu kho”. Nhưng cũng chính vì điều đó, rạp chiếu phim sẽ thấy rõ giá trị của phim Việt vào những hoàn cảnh này. Nó làm cho mọi người lo lắng, biết giúp đỡ và đoàn kết với nhau hơn.

Trong năm tới, anh có kỳ vọng gì ở tác phẩm dự kiến phát hành của mình nói riêng và điện ảnh Việt nói chung?

- Tôi đang bắt tay vào làm phim “Đất Rừng Phương Nam” phiên bản điện ảnh với kinh phí đầu tư lớn. Chúng ta thấy một điều rằng kinh phí làm phim của Việt Nam càng ngày càng được đầu tư hơn. Bây giờ đã bắt đầu có những phim đến ngưỡng gần 2 triệu đô rồi. Đó là dấu hiệu đáng mừng.

“Kinh phí cao chưa chắc làm được phim hay”!

Từ xưa đến nay, câu chuyện muôn thuở của các nhà sản xuất là vấn đề kinh phí. Nhiều người cho rằng vì kinh phí thấp nên phim Việt không thể đòi chất lượng cao. Thế nhưng nếu ngược lại, nếu phim có kinh phí khủng, có đồng nghĩa với chất lượng, thu hút khán giả ra rạp không?

- Kinh phí cao chưa chắc có phim hay, nhưng kinh phí thấp thì rất dễ làm phim dở. Khi kinh phí cao cho chúng ta thấy thị trường đang phát triển và mở rộng. Và với phim kinh phí cao cũng cho ta thấy một nền điện ảnh có các khâu bắt đầu được quan tâm và đánh giá tầm quan trọng đều hơn.

Theo anh, khán giả bây giờ có còn tâm lý “sính ngoại”, chạy theo phim ngoại mà bỏ quên phim Việt hay không?

- Phim ngoại không có nghĩa là tất cả đều hay. Nhưng phim ngoại ở thị trường Việt Nam là những tác phẩm chọn công chiếu đa phần đều có chất lượng khá trở lên vì đã được chọn lọc kỹ càng qua các nhà phát hành. Những phim ngoại khán giả đang xem ngoài rạp đa phần là Top của thế giới hoặc chí ít nó cũng Top của một thị trường điện ảnh nào đó mạnh hơn chúng ta nhiều. Thế nên thực tế là điện ảnh Việt Nam đang phải cạnh tranh với các “gã khổng lồ” thế giới.

Được biết anh đang làm giám khảo chương trình tìm kiếm các đạo diễn làm phim kinh dị. Vậy với anh, phim kinh dị có phải là tài nguyên phong phú mà các nhà làm phim đang còn chưa tận dụng tốt?

- Thể loại phim nào cũng có cái hay của nó. Tuy nhiên, kinh dị là thể loại bị oan ức nhất vì khâu kiểm duyệt gắt gao nên khiến các đạo diễn, nhà sản xuất không mạnh tay đầu tư. Tôi hy vọng trong tương lai tới, thể loại này sẽ được coi trọng hơn để làm đa dạng hơn nền điện ảnh nước nhà.

Nhìn lại thời gian qua, ở cương vị là một đạo diễn với nhiều năm thăng trầm cùng nghề, anh có nghĩ mình như đang chơi một “ván cờ” thành bại trong gang tấc không?

- Tôi không xem làm nghề như đánh cờ vì tôi không thích... đánh cờ. Tôi thích làm nghề như một sự trải nghiệm qua các câu chuyện, cuộc đời mà phim mang lại, sự trải nghiệm của vùng đất mà tôi đến, sự vui, buồn, hồi hộp... Đó là con đường của nghề và đời thú vị khi nó có nhiều gia vị và chúng ta phải bước đi đến khi không còn tiếp tục được nữa. Nhưng quan trọng chúng ta đã đi qua những gì? Bao xa, bao lâu, trên đoạn đường đó và có ai đồng hành với mình không mới là điều quan trọng...

- Xin cảm ơn!

NGỌC DỦ (thực hiện) 02/01/2021 | 09:58
Gửi bình luận