Thành phố Nam Định có 18 di tích đã được Nhà nước xếp hạng; gồm Đền Trần - Chùa Phổ Minh được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa quốc gia đặc biệt, 8 di tích cấp quốc gia và 9 di tích cấp tỉnh; thuộc 2 loại hình di tích: di tích lịch sử cách mạng kháng chiến và di tích lịch sử - văn hóa, kiến trúc nghệ thuật. Các di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia như Cột cờ Nam Định, Cửa hàng cắt tóc dưới hầm, Cửa hàng ăn uống dưới hầm, Hầm chỉ huy Thành ủy Nam Định trong thời kỳ kháng chiến chống Mỹ cứu nước, Nhà số 7 phố Bến Ngự…; cùng nhiều công trình văn hoá đặc sắc như tượng Quốc công Tiết chế Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn được đúc bằng đồng cao 10,2m đặt trên bệ cao 6,5m đặt tại Quảng trường 3-2; nhà lưu niệm nhà thơ Tú Xương ở số 280 phố Minh Khai… Tiêu biểu nhất trong số các công trình lịch sử, văn hoá trên mảnh đất Thành Nam là Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp được Nhà nước công nhận Di tích lịch sử - văn hoá quốc gia đặc biệt, gồm cụm công trình: Đền Thiên Trường (còn gọi là Đền Thượng), Đền Cố Trạch (Đền Hạ) và Đền Trùng Hoa là nơi thờ 14 vị Vua Trần, Hưng Đạo Đại vương Trần Quốc Tuấn các quan lại có công đặc biệt của nhà Trần và Chùa Tháp Phổ Minh được xây dựng vào năm 1305 dưới thời Vua Trần Anh Tông với tòa tháp 14 tầng, cao 19,51m, tương truyền là nơi đặt xá lỵ Phật hoàng Trần Nhân Tông - người sáng lập Thiền phái Trúc Lâm Yên Tử. Ngoài ra, trên địa bàn thành phố còn có Chùa Đệ Tứ, phường Lộc Hạ được xếp hạng Di tích lịch sử - văn hóa cấp quốc gia năm 1989. Chùa Đệ Tứ có tên chữ là Đại Thánh Quán vốn được xây dựng trên nền móng cũ của cung Đệ Tứ, một trong những cung điện được các Vua Trần xây dựng vào thế kỷ XIII dành cho các vương phi công chúa, hoàng thân quốc thích nghỉ ngơi. Trong các đợt khai quật tại khu vực di tích, các nhà khoa học đã tìm thấy hàng trăm di vật như mảnh gốm sứ, gạch ngói, đầu rồng đất nung, dụng cụ lò nung gốm, những họa tiết phong phú như hoa chanh, hoa cúc với đường nét thanh mảnh, mềm mại, tinh tế cho thấy giá trị, tầm vóc của sân rồng, cung điện. Chùa Đệ Tứ không chỉ là nơi ẩn chứa nhiều tài liệu, hiện vật giá trị khảo cổ học mà còn là một công trình kiến trúc có giá trị nghệ thuật được tu sửa vào năm Thành Thái thứ 8 (1898), mang đậm phong cách nghệ thuật thời Nguyễn. Ngoài những di tích lịch sử - văn hóa, thành phố Nam Định nổi tiếng với những dãy phố cổ gắn với tên nghề như Hàng Tiện, Hàng Đồng, Hàng Sắt, Hàng Cấp, Hàng Cau, Hàng Thao... trong đó nhiều phố hiện vẫn giữ được vẻ đẹp cổ kính, văn hóa ẩm thực đa dạng, hấp dẫn…
Với những điều kiện thuận lợi về tự nhiên, lịch sử, văn hoá, thời gian qua, thành phố Nam Định được quan tâm, đầu tư nâng cấp nhiều dự án, công trình trọng điểm. Dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di tích lịch sử - văn hoá thời Trần tại Nam Định có tổng diện tích 92,5ha gồm các hạng mục: Khu công viên văn hóa thời Trần (xây dựng 2 hồ nước cảnh quan với diện tích 12ha trong lô 5 và lô 7; cây xanh cảnh quan và hệ thống hạ tầng kỹ thuật); Khu trung tâm lễ hội gồm sân lễ hội chính và các sân phụ, cảnh quan phục vụ lễ hội, dịch vụ, hệ thống đường giao thông, hệ thống chiếu sáng, các khu cây xanh cảnh quan khác với tổng diện tích mặt bằng xây dựng khoảng 50ha. Một số dự án về văn hoá, du lịch đã được triển khai như: tiếp nhận ngôi nhà số 280 Minh Khai gắn với cuộc đời nhà thơ Tú Xương do người dân hiến tặng để tu bổ, sửa chữa thành điểm du lịch văn hoá… Cơ sở vật chất phục vụ du lịch từng bước thu hút nhiều doanh nghiệp, cá nhân đầu tư xây dựng. Dự án “Khách sạn Thông minh và Trung tâm thương mại Nam Định” nằm trên trục đường trung tâm Trần Hưng Đạo với quy mô 1 tầng hầm, 15 tầng nổi, 80 phòng nghỉ cao cấp, dự kiến hoàn thành trong năm 2020. Theo thống kê, thành phố hiện có 180 cơ sở kinh doanh du lịch, trong đó gần 100 cơ sở lưu trú với trên 1.500 buồng, phòng; 1 khách sạn tiêu chuẩn 4 sao gồm 23 tầng với 166 phòng nghỉ cao cấp, 3 khách sạn đạt tiêu chuẩn 3 sao, 4 khách sạn đạt tiêu chuẩn 2 sao và 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 1 sao; 16 doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành và 65 cơ sở kinh doanh các sản phẩm, dịch vụ du lịch. Công tác quản lý, bảo đảm vệ sinh môi trường, an ninh trật tự tại các khu, điểm du lịch trong dịp lễ hội từng bước đi vào nền nếp. Những năm qua, số lượng du khách trong và ngoài nước đến với thành phố ngày càng tăng, trung bình thành phố đón gần 1 triệu lượt khách/năm. Khu di tích lịch sử - văn hoá Đền Trần - Chùa Tháp mỗi năm đón tiếp hàng vạn lượt du khách về dự Lễ Khai ấn đầu xuân và dâng hương tưởng nhớ công lao các vị Vua Trần và Anh hùng dân tộc Trần Hưng Đạo. Cụm di tích này nằm trong tổng thể các di tích thời Trần của tỉnh như Đền Bảo Lộc, Đền thờ Thái sư Trần Thủ Độ, Lăng mộ Trần Hưng Đạo… là những địa chỉ du lịch tâm linh nổi tiếng cả nước từ lâu, hàng năm luôn thu hút lớn lượng khách thập phương trong các dịp lễ hội mùa xuân và mùa thu.
Trên cơ sở khai thác, phát huy tài nguyên du lịch, thời gian tới, thành phố Nam Định hoàn thiện quy hoạch và quản lý quy hoạch các khu, điểm du lịch trọng điểm; xây dựng bản đồ du lịch giới thiệu về các điểm đến cho du khách; khai thác tối đa thế mạnh đặc trưng đô thị có sông Đào chảy qua, các hồ và các công trình kiến trúc cổ, làng trồng hoa, cây cảnh và phối hợp với các huyện trong tỉnh để hình thành các tuyến du lịch: sinh thái, nghỉ dưỡng, tắm biển, làng nghề đa dạng, phong phú, hấp dẫn. Thành phố tăng cường thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư phát triển hệ thống cơ sở vật chất kỹ thuật du lịch; khuyến khích các nhà đầu tư tham gia xây dựng cơ sở lưu trú, dịch vụ vui chơi giải trí cao cấp phục vụ du khách quốc tế và nội địa đến từ các thị trường có khả năng chi trả cao. Phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn, bồi dưỡng, nâng cao tay nghề cho nhân lực làm du lịch; tăng cường công tác quản lý lễ hội gắn với việc bảo tồn, trùng tu, tôn tạo các di tích đúng theo quy định của Nhà nước.
Nguồn: baonamdinh.com.vn